Đức-Áo phối hợp phá đường dây doping quốc tế

Chủ Nhật, 07/04/2019, 08:18
Một cuộc điều tra chung giữa cảnh sát Áo và Đức diễn ra hồi tháng 3 cho thấy có sự liên kết giữa một bác sĩ người Đức với 21 vận động viên đến từ 8 quốc gia tham gia 5 môn thể thao.


Theo tin từ hãng DW, các nhà điều tra đã phát hiện ra danh sách khách hàng sử dụng doping của một bác sĩ người Đức tên là Mark S, đến từ thành phố Erfurt. Mark S. đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích hồi cuối tháng 2. Sau đó, từ tài liệu thu thập được tại nhà bác sĩ này, cảnh sát Đức đã đề nghị cảnh sát Áo phối hợp để bắt giữ 5 vận động viên quốc tế đang tham gia thi đấu tại giải Vô địch trượt tuyết thế giới Bắc Âu ở Seefeld.

Ngày 28-2, cả 5 vận động viên này đều bị bắt giữ với cáo buộc sử dụng doping với hy vọng giành chiến thắng tại cuộc đua ở Seefeld. Thông tin từ Hiệp hội Trượt tuyết Áo cho biết, trong số 5 vận động viên này có 2 vận động viên của đội tuyển Áo, 1 vận động viên người Kazakhstan và 2 vận động viên người Estonia.

Cảnh sát Đức phối hợp với cảnh sát Áo điều tra về doping máu tại giải Vô địch trượt tuyết thế giới Bắc Âu ở Seefeld. ảnh: DW.

Điều tra kỹ hơn, cảnh sát Áo đã gửi báo cáo tới đồng nghiệp Đức, cho biết, đường dây doping mà bác sĩ Mark S. đứng đầu là đường dây quốc tế và đã tiến hành trong nhiều năm với nhiều loại giải thi đấu khác nhau. Tại giải Vô địch trượt tuyết thế giới Bắc Âu ở Seefeld, Mark S. đã cho một người của mình tới khu vực này, giúp tiến hành tiêm doping cho các vận động viên có nhu cầu để giúp họ có thể biểu hiện vượt trội tại giải đấu này, qua đó thu lợi phi pháp từ hành động gian dối nói trên.

Ngoài 5 vận động viên bị phát giác gian lận ở giải Vô địch trượt tuyết thế giới Bắc Âu, cảnh sát Đức còn phát hiện một bản danh sách khác gồm 16 vận động viên ở 4 môn thể thao khác có quan hệ với bác sĩ Mark S. Các vận động viên này đến từ 8 quốc gia châu Âu, Hàn Quốc và Mỹ.

Công tố viên Munich Kai Graber cho hay cuộc điều tra đang được tiến hành khẩn trương và các kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra vào trung tuần tháng 4. Cũng theo lời công tố viên này thì doping kiểu của bác sĩ Mark S. là doping máu.

Tức là bác sĩ Mark S. đã tiêm thuốc để làm tăng số lượng hồng cầu cho các vấn động viên đến từ Đức, Áo, Italia, Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Croatia, Slovenia, Hàn Quốc và Mỹ. Mỗi một khách hàng tìm đến bác sĩ Mark S. đều phải trả khoản phí cho doping máu này từ từ 4.000 đến 12.000 Euro (tương đương 4.500 - 13.600 USD) để trích xuất và đóng băng các tế bào hồng cầu tăng cường hiệu suất và tiêm lại chúng ngay trước khi thi đấu.

"Cơ thể tự nhiên thay thế máu đã được loại bỏ, do đó, tái xác nhận nhiều hơn trước khi thi đấu sau đó cung cấp cho vận động viên một lượng máu (sạch) cao bất thường trong một sự kiện, có nghĩa là họ có lợi thế nhưng không thất bại trong xét nghiệm nước tiểu đối với các chất bị cấm", công tố viên Kai Graber nói.

Chưa hết, các nhà điều tra còn phát hiện ra rằng việc truyền máu được thực hiện bởi các trợ lý không được qua đào tạo y tế; thực hiện truyền máu trong điều kiện mất vệ sinh, làm tan túi máu đông lạnh trong bồn nước thay vì làm ấm cẩn thận bằng thiết bị thích hợp.

Hai trong số 21 vận động viên có tên trong danh sách khách hàng của bác sĩ Mark S. đã tiêm thêm một lít máu trước khi bay đến Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc hồi năm ngoái.

Được biết, bê bối dùng doping máu bị phát hiện sau khi vận động viên trượt tuyết người Áo Johannes Duerr tiết lộ trên một chương trình truyền hình Đức hồi tháng 1 về sự tồn tại của một đường dây doping. Johannes Duerr từng bị tước quyền thi đấu tại Olympics Sochi 2014 (Nga) sau khi xét nghiệm dương tính với chất kích thích. Vận động viên này khẳng định, doping máu giúp các vận động viên không bị phát hiện khi phải xét nghiệm nước tiểu.

Ngay sau đó, cảnh sát Đức mở chiến dịch mang tên "Operation Bloodletting" để điều tra. Ngày 5-3, Johannes Duerr cũng đã bị bắt giữ và anh này tiếp tục cung cấp thông tin thêm rằng, doping máu được sử dụng từ năm 2011 và có nhiều vận động viên tham gia Thế vận hội mùa đông hoặc Thế vận hội mùa hè đã sử dụng "liệu pháp an toàn này".

Hiện cảnh sát Đức và Áo vẫn đang tiếp tục điều tra sau khi bắt giữ 10 nghi phạm, lục soát 16 cơ sở cung cấp doping máu trong đó có 9 cơ sở đặt tại Erfurt.

Chi Anh
.
.
.