Đã qua thời “huyền thoại” của trộm cắp trong pháp luật

Thứ Tư, 17/06/2020, 11:29
Cách đây hơn một năm, tháng 4-2019, trong bộ luật Hình sự Liên bang Nga xuất hiện một điều khoản mới đánh số 210.1 - "Đảm nhiệm cương vị cao nhất trong cơ cấu tội phạm" - và ngay lập tức được mệnh danh là "điều khoản chống trộm cắp".


Bởi vì bây giờ bất kỳ một kẻ trộm cắp trong pháp luật nào đại diện cho giới tinh hoa của giới tội phạm chỉ mang danh nghĩa đó thôi cũng có thể bị ngồi tù 15 năm. 

Phải tuyên chiến với những tên tội phạm có máu mặt vì chúng đã quyết định xâm nhập vào những ngành kinh tế có lợi nhuận hơn cả của đất nước, từ ngành xây dựng đến sản xuất rượu bia. Đạo luật này vừa có hiệu lực liền tra còng vào tay hết tên này đến tên khác, và bọn tội phạm phải cấp tốc thay đổi chiến lược…

Quan niệm "tiêu chuẩn đạo đức" trong giới giang hồ

Không giống với bất cứ một quốc gia nào khác, những kẻ trộm cắp trong pháp luật xuất hiện ở Liên Xô từ những năm 20-30 của thế kỷ XX: khi ấy mở đầu một cuộc chiến không thương tiếc, hàng vạn tên tội phạm từ các đường phố bị đưa vào các trại cải tạo, thế là những tên tội phạm hình sự lý tưởng bắt đầu được gọi là kẻ trộm cắp trong pháp luật. 

Nền tảng tư tưởng của chúng là hoàn toàn không chịu tuân thủ bất cứ một chính quyền nào và trung thành với truyền thống của giới tội phạm có từ trước Cách mạng Tháng Mười. 

Không phải tên nào cũng lọt được vào đẳng cấp ấy: bọn chúng nhanh chóng xác định giới hạn của "những ai xứng đáng" trong nghề trộm cắp, đó là những trẻ đường phố rình rập quanh các cửa hàng cửa hiệu, những kẻ đột nhập vào nhà qua cửa sổ, cạy két sắt. Riêng những tên trộm lặt vặt quần áo, chăn ga phơi trên sân thượng thì không bao giờ được tính đến.

Revaz Kakhmazov (Rezo Lotkinsky).

Bọn trộm cắp trong pháp luật tổng hợp cả một bộ luật về quy tắc sống, tạo ra những điều huấn thị của mình, coi như "tiêu chuẩn đạo đức" hay nói đơn giản là những quan niệm, là luật giang hồ, để làm kim chỉ nam cho những tên tội phạm hình sự trùm sỏ ra quyết định trong các cuộc họp hành của giới mình. Bản thân những tên trộm cắp trong pháp luật phải chứng tỏ với bọn còn lại là lấy chính mình làm gương và sống theo luật giang hồ phải như thế nào… 

Chúng bị cấm nhiều thứ: không được có nhà cửa, tài sản và không được cộng tác với bất cứ cơ quan nhà nước nào, nhất là cơ quan điều tra; trộm cắp trong pháp luật cần phải trung thực đối với anh em chiến hữu trong nghề tội phạm hình sự và phụng sự cái chung, tích cực thu hút giới trẻ vào môi trường của giới tội phạm.

Trong toàn bộ lịch sử của mình, bọn trộm cắp trong pháp luật giữ gìn rất cẩn thận cho đội ngũ được trong sạch và chỉ phong tước cho những thành viên xứng đáng nhất. Việc phong tước phải phụ thuộc vào thời gian đã trải qua nhà tù, ai ở trong tù càng lâu càng thu thập được nhiều kinh nghiệm và kiến thức để tồn tại được ngoài đời. 

Nhưng điều quan trọng là trộm cắp trong pháp luật không được thực hiện những hành vi sàm báng đối với bạn bè cùng băng đảng như giết, hiếp, ăn cắp hay tham gia vào việc mua bán chất ma túy. Trong những điều khác của bộ tiêu chuẩn đạo đức của bọn trộm cắp trong pháp luật cũng có điều khoản phải cư xử tôn trọng đối với chiến hữu lớn tuổi và hết sức giúp đỡ trẻ mồ côi, người nhiều con cái…

Thế nhưng những tên trộm cắp trong pháp luật thời nay đã buông rời nhiều quy tắc của những người đi trước.

Những tên trộm cắp trong pháp luật được hình thành như vua trong giới tội phạm Nga từ những năm 1990 giông bão. Khi Liên bang Xô viết tan rã cũng là lúc diễn ra cuộc nội chiến trong giới tội phạm hình sự, không một tổ chức tội phạm lớn nhỏ đáng kể nào - ấy là còn chưa nói đến những tổ chức tội phạm lớn nhất như băng đảng Orekhovskaya (có trụ sở tại Moskva, hoạt động từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 2000), băng đảng "Solntsevskaya Bratva" (nổi lên từ đầu thập niên 1990) - lại thiếu những ô dù là bọn trộm cắp trong pháp luật. 

Những "ông lớn" đó có thể ngăn chặn hoặc ngược lại - khai mào cho một cuộc đọ súng với rất nhiều xác chết. Quên hết "tiêu chuẩn đạo đức" của giới giang hồ, chúng dụ dỗ anh em chiến hữu vào những cuộc ám sát theo đơn đặt hàng đối với kẻ cạnh tranh và tra khảo những ai không chịu cung cấp mái che cho mình.

Hiện nay, như các cán bộ Cục Truy nã tội phạm (GUUR) thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Nga nhận xét, những biến cải trong hoạt động của bọn trộm cắp trong pháp luật vẫn tiếp diễn, giới tội phạm hình sự đang trở thành một dạng "bố già kinh điển", chúng quan tâm đến không chỉ "phần trăm" của mình sau các vụ ăn trộm và cướp bóc, mà còn tính đến đại sự hòng nắm cả một nền kinh tế. 

Thời nay, những tên trộm cắp trong pháp luật được liệt vào hàng "huyền thoại" như Vasia Tsirul hay Yakutenok đã từ lâu vứt bỏ nhiều điều luật của giới giang hồ cũ, chúng có thể không chỉ phân vùng cát cứ hay cắt đặt theo quan niệm cho từng đối tượng hình sự, mà còn đảm bảo cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những thị trường mới mở. 

Hiện nay, bọn trộm cắp trong pháp luật đang cố gắng củng cố cương vị trong những khu vực công khai của nền kinh tế, và chúng quan tâm tới tầm ảnh hưởng rộng rãi của những dịch vụ như khách sạn, nhà hàng và những doanh nghiệp thị trường. Chúng tích cực dựng lên những xí nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp rừng và sản xuất các sản phẩm rượu bia. Sự cạnh tranh lành mạnh không làm cho chúng sợ, bởi chúng có những mưu mẹo nhằm thôn tính các cổ phần đã được kiểm chứng để giành về cho mình những miếng béo bở của thị trường. Chính vì thế mà tội phạm kinh tế do những tên trộm cắp trong pháp luật có máu mặt gây ra đang tạo nên mối hiểm nguy vô cùng đối với an ninh nội bộ của đất nước. 

Thời nay, bọn trộm cắp trong pháp luật không quyên góp tiền để "làm ấm lòng chiến hữu" đang ở trong tù. Bọn tinh hoa trong giới tội phạm hình sự chỉ sử dụng cương vị trong giới trước hết để làm giàu cho bản thân, chúng chỉ nhớ đến "tiêu chuẩn đạo đức" của giới giang hồ một khi có lợi, và khi cần thiết chúng dễ dàng đi tới tiếp xúc với đại biểu của chính quyền.

Trước kia, "tiêu chuẩn đạo đức" có điều cấm bọn giang hồ để lại địa chỉ thường trú nên chúng phải thường xuyên "chuyển nhà", "dạt vòm" và sống đời lang thang. Chính vì thế bọn trộm cắp trong pháp luật dễ bị liên hệ với người lang thang quần áo tả tơi đi đây đi đó và nghĩ về những chiến hữu trong tù. Nhưng bây giờ đã hoàn toàn khác.

Ví dụ rõ nhất là tên trộm cắp trong pháp luật Revaz Kakhmazov nổi tiếng trong giới tội phạm hình sự với biệt danh Rezo Lotkinsky. Bao giờ hắn cũng thích ba hoa xích tốc về cuộc sống xa xỉ của mình trước người nghe. 

Trước khi bị truy nã quốc tế, Lotkinsky sống ở Hy Lạp trong những biệt thự sang trọng tại Athen và Salonica, bãi đậu của hắn có nhiều xe như Maserati và Mercedes. Đôi khi mệt mỏi bởi những phức tạp của cuộc đời trộm cắp trong pháp luật, để nghỉ ngơi, hắn chọn Nice và Cannes (Pháp). 

Hắn cũng không tiếc tiền cung phụng cho vợ yêu của mình - Daniella Korleone (khi chưa lấy chồng có họ gốc là Bondarenko), ả này nhiễm thói lãng mạn của tên trộm cắp, quen cuộc sống giàu sang do chồng cung cấp nên thậm chí đã thay đổi họ cho giông giống với phu nhân của một trùm mafia. 

Trong những ảnh chụp hôm cưới, Daniella mặc áo trắng tinh, dài quét đất, có gắn một ngôi sao bằng đá cẩm thạch như là tinh hoa của lũ trộm cắp. Sở thích của vợ Rezo Lotkinsky cũng chọn từ những thứ không phải là rẻ tiền. Xét theo những bức ảnh đăng lên mạng xã hội thì Daniella có đến vài con tuấn mã, vào một dịp sinh nhật, tên chồng trộm cắp đã tặng vợ một con ngựa trị giá 700.000 euro.

Chơi "trò khỉ" với đồng bọn

Theo tài liệu của hãng thông tấn IA primecrime.ru, người của Rezo Lotkinsky theo sự chỉ đạo của hắn đã hoàn thành ít nhất là 15 vụ tống tiền của các tù nhân giàu có. Cơ quan điều tra cho biết, năm 2017, bọn trộm cắp trong pháp luật đã gửi vào nhà tù một thông điệp, theo đó đã có lệnh cấm ma túy trong các trại cải tạo. 

Thông điệp có vẻ đúng đắn, nhưng đó chỉ là trò gài bẫy. Rezo biết tỏng là trong những nhà tù việc mua bán chất ma túy diễn ra rất dữ bởi bản thân hắn cũng có phần trong đó. Lotkinsky viết thông điệp đó khi biết trong nhà tù có những đại biểu của giới tội phạm hình sự nghiện nặng ma túy mà lại có tiền hoặc người nhà có tiền. Thế là tù nhân vừa mua chất cấm xong, bắt đầu thời kỳ bị đe dọa tố giác, rằng "Anh Cả" sắp sửa trừng phạt, sẽ đẩy vào "thùng rác" của nhà tù… 

Tiếp theo, kẻ trộm cắp trong pháp luật và người của hắn trong trại cải tạo sẽ diễn một vở kịch kinh điển, tuyên bố cho tù nhân nọ biết rằng đã vi phạm mệnh lệnh của Rezo Lotkinsky nên dứt khoát sẽ không buông tha. Tù nhân nọ loay hoay tìm lối thoát khỏi tình thế, khi đã đến mức tuyệt vọng mới được phép nói chuyện qua điện thoại với hắn (tất nhiên là tù nhân phải chịu cước phí). 

Lúc bấy giờ Rezo Lotkinsky mới ra mặt và - như một viên cảnh sát tốt bụng - "bỏ qua" cho tên tù nhân biết ăn năn hối lỗi ấy sau khi đồng ý trả một khoản tiền lớn. Khôn khéo dựa vào "tiêu chuẩn đạo đức" của giới giang hồ, những kẻ trộm cắp trong pháp luật biết triển khai vào những tù nhân vì tội buôn bán chất ma túy, âu đó cũng là một sự trừng phạt xứng đáng. Quả thật, "sự trừng phạt xứng đáng" chỉ đến với những kẻ có thể chi trả, còn ai không có bạn bè thân thích thì Rezo Lotkinsky không gọi.

Vợ chồng Rezo Lotkinsky.

Đế chế tội phạm

Những cán bộ từng trải của Bộ Nội vụ Nga có trên 10 năm theo dõi bọn trộm cắp trong pháp luật đều không giấu nỗi ngạc nhiên khi quan sát những nỗ lực của một kẻ có máu mặt như Lotkinsky. Hồi 2010, trong thời gian bị giữ ở thành phố Odintsovo thuộc Moskva, kiểm tra máu của hắn ta thấy nồng độ heroin rất cao, các chiến sĩ cảnh sát cơ động phải kinh ngạc: thế thì hắn sống như thế nào.

Theo tài liệu của IA thì Lotkinsky là người gốc Tbilisi (Gruzia), nhận tước trong giới giang hồ từ năm 1994. Lễ phong tước hắn có sự tham gia của thủ lĩnh giới tội phạm hình sự hiện nay là Zakhary Kalashov (Shakro Trẻ). Lotkinsky nhận được sự bảo trợ của người này trong thời gian hắn cưới vợ là con gái riêng của Shakro Trẻ trong khi Shakro Trẻ đang tiếp tục thụ án ở Tây Ban Nha. Thật tình thì tên trộm cắp trong pháp luật chủ chốt của nước Nga không ưa gì thói lươn lẹo của Rezo và hiện giờ, theo tài liệu của các cơ quan bảo vệ pháp luật Nga, giữa hai tên này có sự khó chịu lẫn nhau rất mạnh. 

Rezo Lotkinsky xây dựng đế chế tội phạm hình sự của mình với sự giúp đỡ của những người đã không ngóc đầu lên được trong giới tội phạm thời còn Liên Xô, ví dụ như tên Boria Đen, "đại diện toàn quyền" của hắn trong trại cải tạo ở Tatarstan. Năm 1999, Boria Đen cùng đồng bọn đã bắt cóc một doanh nhân là nữ cùng với cô con gái của bà đem ra ngoại vi thành phố cưỡng hiếp rồi giết chết, sau đó chúng quay lại nhà bà bắt nốt đứa trẻ nhỏ đem vào rừng giết chết. Bọn chúng đã tưới xăng vào cả ba thi thể và châm lửa đốt.

Theo quan niệm cũ của giới giang hồ thì những tên như Boria Đen chỉ thuộc hạng tép riu, ở đẳng cấp thấp nhất trong giới tội phạm hình sự, nhưng không hiểu sao mà Rezo Lotkinsky lại dùng, thậm chí cắt đặt ở vị trí lãnh đạo, dạy đời cho những tù nhân khác. Với sự giúp đỡ của các thuộc hạ kiểu như Boria Đen, tên trộm cắp trong pháp luật này đã gieo rắc ảnh hưởng của mình tới hàng loạt nhà tù và phòng biệt giam ở Nga.

Không chỉ trại cải tạo No5 ở Tatarstan mà tất cả những cơ sở cải tạo ở vùng Ryazan, những phòng biệt giam ở Zelenograd, Egorievsk, Kashira và cả những phòng biệt giam No4 và No5 ở Mozhaisk quanh Moskva cũng đều chịu sự kiểm soát của Rezo Lotkinsky. Nhiều tài liệu cho biết tên trùm sỏ này có các đại diện hoạt động trên lãnh thổ miền Primorsk. 

Hiện nay còn chưa biết tên Rezo Lotkinsky đang ở đâu: hắn đã có lệnh bị truy nã quốc tế. Tuy vậy hắn đâu phải duy nhất từ bọn trộm cắp trong pháp luật hình thái mới. Trong tiểu sử của nhiều tên trong giới tội phạm còn có những chi tiết không hề liên quan đến chức tước của chúng trong giới tội phạm hình sự. Ví dụ, trên trộm cắp chủ chốt ở Belorusia là Alexandr Kushnerov (mang biệt danh Sasha Kushner).

Theo tài liệu của các cơ quan bảo vệ pháp luật thì những năm 1990 y đã đứng trong một băng cướp của tên cộm cán Morozov và đã từng giết người, vì thế y đã bị tòa án ra quyết định xử bắn ở quê hương. Nhưng Kushner đã kịp trốn thoát và chạy sang nước Nga rồi lân la gần gũi với Aslan Usoyan (biệt danh Cụ Hasan), người tiền nhiệm của Shakro Trẻ ở vị trí thủ lĩnh giới tội phạm hình sự ở nước Nga.

Một ví dụ khác là Vladislav Grachov (mang biệt danh Shàrað), hiện đang thụ án 20 năm tù giam, y đã phạm những tội dường như không thể tha thứ đối với một tên trộm cắp trong pháp luật: giết người, cưỡng dâm và có những hành động mang tính chất gợi dục đối với trẻ chưa vị thành niên. Ấy vậy mà những tội ghê tởm như thế không ngăn cản Shàrað nhận tước giang hồ vào năm 2014.

Sự suy đồi của "tiêu chuẩn đạo đức" trong giới giang hồ còn thể hiện ở câu chuyện của tên trộm cắp trong pháp luật Sergei Asatryan (Osetrina Con), một đại biểu của triều đại tội phạm hình sự chính cống, là con trai của tên cộm cán Eduard Asatryan (biệt danh Edik Osetrina).

Sergei Asatryan (Osetrina Con)

Giới tội phạm hình sự rất tin tưởng vào Edik Osetrina: lão duy trì được quỹ chung của giới giang hồ, quyết định các vấn đề tài chính và thường xuyên xuất hiện trước tòa án ở ghế… bị can. Còn Osetrina Con mặc dù không có bố bên cạnh cũng đâu có nghèo, vì được bố chu cấp, cần gì là lão cho ngay, từ những căn hộ sang trọng đến xe Bentley mới coóng. Thế cho nên Sergei Asatrian mới có biệt danh đầu tiên là Seriozha Bentley: có lời đồn rằng con trai tên trộm cắp trong pháp luật không chịu công nhận bất cứ nhãn hiệu xe nào khác.

Edik Osetrina đã có lời đề nghị các cộng sự cùng nghề mạo hiểm là chớ đụng đến con mình và cho phép nó được sống cuộc đời bình thường, nhưng ý thằng con lại khác: làm con chim trong lồng vàng thì buồn tẻ quá, phải phỉ chí tang bồng "như bố" chứ. Bởi thế cho nên hắn nhúng tay vào những việc như đánh cắp ôtô, buôn bán vũ khí, thậm chí còn lập ra cả một tổ chức tội phạm từ những kẻ trộm cắp nhà dân. 

Kết quả là, theo đề nghị của người bố, đích thân Cụ Hasan đã phong tước cho Sergei Asatrian. Ít lâu sau Osetrina Con bắt đầu chơi bời quá mức độ của một tay giang hồ và gây khó chịu cho một số tay cộm cán khác. 

Năm 2013, tay trộm cắp trong pháp luật còn trẻ tuổi cùng với bố mình đi đến nói chuyện với bè đảng của Dmitri Chanturia (biệt danh Miron), hai bên tranh cãi căng thẳng và không đạt được tiếng nói chung nên dẫn đến ẩu đả lẫn nhau. 

Trong khi người của Miron nện cho lão bố một trận nhừ đòn thì Osetrina Con chẳng nghĩ được gì hơn là chạy vào ẩn nấp trong nhà vệ sinh, chẳng đáng mặt một tay giang hồ có "tiêu chuẩn đạo đức". Thế mà hắn không bị tước danh hiệu mới lạ. 

Đến năm 2017, phải nhận án 9 năm tù vì tội tống tiền một doanh nhân lớn người gốc Armenia, hắn đã nhiều lần phàn nàn về điều kiện giam giữ và, theo một số tài liệu, thậm chí còn phải qua phẫu thuật, sức khỏe kém đi. Các tù nhân khác không chịu thừa nhận Osetrina Con thuộc giới giang hồ, không đáng mặt kẻ trộm cắp trong pháp luật. 

Về sau hắn muốn khẳng định lại chức tước của mình tại nhà tù Nizhnyi Novgorod, nhưng một tay có máu mặt ở đấy là Cezar tuyên bố với cả bọn rằng không coi Osetrina Con là giang hồ. Ít lâu sau khi chuyển sang nhà tù mới, hắn gặp và cầu cạnh một tay giang hồ lão làng là Oleg Sukhachov (mang biệt danh Sukhach) đề nghị xác nhận lại cho mình. 

Bức thư của hắn bằng cách nào đó bị đưa lên mạng và trở thành căn cứ hợp pháp để cảnh sát khởi tố Sukhach tội vi phạm pháp luật theo điều khoản mới bổ sung 210.1 của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga.

Sự hèn nhát và đểu cáng

Đại tá cảnh sát Mikhail Ryabinin, Thủ trưởng cơ quan Đấu tranh với những đối tượng chiếm vị trí cao trong môi trường tội phạm thuộc GUUR Bộ Nội vụ Nga cho biết: cái gọi là "tình chiến hữu trong giới giang hồ" với những quan niệm của nó đã tạo ra một vòng hào quang lãng mạn và chỉ còn lại hết sức tượng trưng trong cuộc sống thực tế mà thôi. 

Trong số các tên trộm cắp trong pháp luật có đầy sự đểu cáng, hèn nhát và phản bội. Đã trở nên nổi tiếng chuyện của tên Salikhdzchan Shamazov (biệt danh Shamaz) - cộm cán ở Kemerov - nhận được tước nhờ một tay trộm cắp trong pháp luật nổi tiếng trong giới giang hồ ở vùng Ural là Karo-ogla Mamedov (biệt danh Karo) bảo lãnh. 

Nhưng trong một cuộc tụ họp do Cụ Hasan tổ chức, tên Karo bị truất quyền và Shamaz cũng cắt cầu luôn người bảo trợ của mình. Những ví dụ như thế thì nhiều, ấy là còn chưa nói đến những vụ thuê giết người do bọn trộm cắp trong pháp luật chủ mưu, khi người bị thuê giết lại chính là "chiến hữu" của mình. 

Các chiến sĩ cơ quan công lực có nêu nhận xét: sau khi điều khoản mới trong Bộ luật Hình sự có hiệu lực, những tên tinh hoa, chóp bu trong giới tội phạm vội vã rời khỏi lãnh thổ Liên bang Nga. Hơn 60 tên trộm cắp trong pháp luật vì lo sợ về trách nhiệm của mình nên đã bỏ nước mà đi không quay đầu lại.

Như đại tá cảnh sát Ryabinin đã nói, chỉ sau một năm điều khoản 210.1 của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga có hiệu lực, cảnh sát đã đưa vào hồ sơ tất cả các khía cạnh trong hoạt động của bọn trộm cắp trong pháp luật, đã khởi tố 52 vụ án hình sự, trong đó 19 vụ gồm 56 đối tượng - 44 tên trộm cắp trong pháp luật và 12 tên tội phạm hình sự cộm cán - được đưa ra xét xử trong quý I năm 2020.

Đăng Bẩy (theo lenta.ru)
.
.
.