“Công nghệ xuất khẩu” điện thoại di động bị đánh cắp ở Anh sang Nigeria

Thứ Tư, 18/04/2018, 12:43
Điện thoại di động, chủ yếu là điện thoại thông minh bị đánh cắp trên đường phố của Anh đang được bán tràn lan ở thủ đô Lagos và nhiều thành phố lớn ở Nigeria. Mua lại với giá rẻ, bán với giá cao gấp nhiều lần, hoạt động này đã giúp các băng đảng tội phạm ở Nigeria kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận.


"Lộ trình" của những chiếc điện thoại bị đánh cắp

 Theo tờ Daily Mail (Anh), hàng triệu chiếc điện thoại di động bị đánh cắp trên đường phố Anh đang được bán tại các thành phố lớn ở Nigeria. Iphone cũng như nhiều loại smart phone được bày bán với bảng hiệu “đại hạ giá” ngay giữa thủ đô Lagos của Nigeria.

Một cuộc điều tra của The Sun cho hay, chiếc điện thoại iPhone phiên bản mới nhất bị đánh cắp từ Anh được bán ở ngoại ô Ikeja ở Lagos với giá 560 bảng. Một cửa hàng bán chiếc iPhone 6 đã qua sử dụng với giá 230 bảng Anh.

Điện thoại bị đánh cắp ở Anh được thu mua với giá rẻ nhưng khi về đến Nigeria, giá đã “đội” lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nếu so với giá bán điện thoại ở các nước phương Tây thì những chiếc điện thoại thông minh ở Nigeria có giá rất “mềm”. Đây là lý do mà những chiếc điện thoại đã qua sử dụng được nhiều người dân tìm mua.

Cung đường “lắt léo” để đưa những chiếc điện thoại di động bị đánh cắp trên đường phố Anh đến cửa hàng ở Nigeria.

Con đường di chuyển của những chiếc điện thoại bị đánh cắp không hề đơn giản. Đầu tiên, các băng nhóm tội phạm lợi dụng sơ hở của người đi đường để đánh cắp điện thoại. Sẽ có những đầu mối thu mua, tập hợp điện thoại bị đánh cắp ở Anh.

Trước khi được đưa đến Nigeria, điện thoại bị các băng nhóm tội phạm sử dụng để thử hack tài khoản ngân hàng. Sau đó, chúng được bán với số lượng lớn cho những người đàn ông trung gian ở Đông Âu. Tại đây, chuyên gia công nghệ làm việc cho các băng nhóm tội phạm sẽ đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.

Cuối cùng, điện thoại được bán cho các “trùm” tội phạm ở Nigeria cũng như Algeria và Ấn Độ. Tại đây, những ông “trùm” tiếp tục phân phối cho các đại lý để bán ra thị trường. Nigeria không ký kết thoả thuận toàn cầu về việc xử lý tình trạng buôn bán điện thoại bị đánh cắp ở nước ngoài. Đây là kẽ hở mà các băng nhóm tội phạm lợi dụng để hoạt động.

Andrew Percy, một thành viên đảng Bảo thủ (Anh) nói với phóng viên tờ The Sun rằng, "tôi thực sự sốc khi biết những vụ tấn công bạo lực xảy ra ở Anh thời gian qua có liên quan đến đường dây buôn bán điện thoại di động bị đánh cắp ở nhiều nơi trên thế giới”.

Một phát ngôn viên của cảnh sát Lagos cho biết, "tôi không biết rằng những chiếc điện thoại bị đánh cắp từ Anh cuối cùng lại được bán ở Lagos. Nếu có ai đó khiếu nại về điện thoại bị đánh cắp đang được bán ở Lagos, chúng tôi sẽ điều tra vụ việc một cách nghiêm túc”.

Đánh cắp điện thoại di động trên đường phố "dễ như lấy kẹo từ trẻ con"

Hồi đầu năm, nhiều trang báo mạng ở Anh đăng tải phóng sự về một thanh niên chuyên móc túi trên đường phố. Phóng sự gây xôn xao dư luận trong thời gian dài. Cậu thanh niên này 21 tuổi, không được cung cấp danh tính, đeo mặt nạ, khoe “chiến tích” đã ăn cắp hàng trăm điện thoại di động, máy tính bảng, túi xách, trang sức… trị giá hàng trăm ngàn bảng Anh trong 7 năm qua.

Điện thoại di động, chủ yếu là điện thoại thông minh bị đánh cắp ở Anh đang được bán tràn lan ở thủ đô Lagos và nhiều thành phố lớn ở Nigeria.

Chàng thanh niên được cho là đang sống tại Islington, Bắc London nói rằng, anh có thể lấy được ba điện thoại thông minh trong 20 giây và hành động đó “dễ như lấy kẹo từ tay trẻ con”.

Trong phóng sự, chàng thanh niên đã lấy và bán bốn chiếc điện thoại cho một người mua giấu mặt. Người mua điện thoại đã trả số tiền từ 70 bảng đến 250 bảng cho mỗi chiếc điện thoại. Sau nhiều tuyến đường vận chuyển lắt léo, những chiếc điện thoại xuất hiện ở Nigeria và được bán với giá cao gấp nhiều lần.

Theo thống kê, vào năm 2016, có 446 nghìn vụ trộm cắp điện thoại ở Anh. Riêng ở thủ đô London đã xảy ra 60 nghìn vụ trộm, cướp điện thoại di động, gần 2/3 điện thoại trong số đó là iPhone. Nhiều băng nhóm tội phạm sử dụng axit, dao… để tấn công người dân và cướp điện thoại di động.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.