Có một cuộc chiến ngầm luôn sôi động khắp thế giới

Thứ Hai, 02/12/2019, 08:00
Kể từ sau chiến tranh lạnh đến nay, chưa bao giờ các hoạt động gián điệp trên thế giới lại nhộn nhịp đến vậy. Xâm nhập trên không gian mạng, đánh cắp bí mật công nghiệp, chiến tranh vệ tinh trên bầu trời, bắt cóc và thủ tiêu các nhân vật quan trọng...Một sự trở lại ồ ạt của các điệp viên và các phi vụ gián điệp…


Một loạt công ty của Pháp bị đột nhập

Ngày 30-2-2019, Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus ra thông báo cho biết bộ phận nghiên cứu chế tạo máy bay thương mại của Airbus đã là mục tiêu của một cuộc đột nhập trái phép trên không gian mạng và “Một số dữ liệu cá nhân đã bị đánh cắp”, đồng thời yêu cầu một số cơ quan phản gián của Pháp vào cuộc để hỗ trợ.

Một tuần trước đó Altran, một tổ chức tư vấn chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ cũng khẳng định chi nhánh châu Âu của họ cũng là mục tiêu của một cuộc tấn công tương tự.

Ngày 30-1-2019, Airbus đã thông báo về một vụ tấn công của tin tặc nhằm đánh cắp những dữ liệu quan trọng.

Cho đến lúc này chưa thể xác định được các cuộc “xâm nhập” nhắm vào hai tập đoàn này của Pháp đã xuất phát từ vùng lãnh thổ nào và có mục đích gì. Nhưng các cuộc tấn công này là minh họa rõ nhất cho những hiểm họa đang nhắm vào nước Pháp, không chỉ từ các đối thủ truyền thống mà cả từ những nước xưa nay vốn là “bạn bè”.

Tháng 4-2018, Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DGSI) đã nộp cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ một bản báo cáo mật dài 6 trang về “một bức tranh toàn cảnh” của những hoạt động gây hấn về kinh tế của Mỹ đối với Pháp. Một tài liệu thực sự gây sốc.

Nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như: sức khỏe, hàng không, nghiên cứu khoa học đang bị dồn dập tấn công, khai thác và làm tổn hại. Bản báo cáo đã chỉ rõ: “Các tổ chức và các công ty Pháp đang hoạt động trong lĩnh vực này là mục tiêu của các cuộc tấn công từ nhiều hướng: gián tiếp thông qua các vụ tranh chấp pháp lý, hoạt động gián điệp và ăn cắp thông tin, can thiệp bằng những biện pháp kinh tế...

Chiến lược tạo ra những ưu thế giúp các công ty Mỹ vượt lên trên các đối thủ nước ngoài đã được nhiều “thực thể” Mỹ thuộc về nhà nước cũng như của tư nhân: chính quyền, các công ty, văn phòng luật, tổ chức tư vấn cùng phối hợp nhịp nhàng và triển khai rất đồng bộ, bằng mọi loại vũ khí như các giải pháp kinh tế hay các quy định luật pháp”.

Các vệ tinh đang bay trên quỹ đạo, những “con mắt thần” đang ngày đêm theo dõi, phân tích các đối thủ để phục vụ lợi ích của các cường quốc.

Vài tháng trước đây, một tập đoàn Pháp có trụ sở tại Ile-de-France, hoạt động trong một lĩnh vực mang tính chiến lược, đã có một phát hiện thực sự đáng quan ngại. Trong những tháng gần đây các nhà nghiên cứu và các kỹ sư của họ đang gắng hết sức để hoàn thành một dự án mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin (dự kiến ra mắt vào năm 2021), một dự án có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.

Do một sự tình cờ, họ đã phát hiện ra hàng loạt các thiết bị theo dõi được gắn vào các thùng chứa thiết bị đang vận chuyển giữa các bộ phận trong nội bộ công ty. Kết quả phân tích của tình báo Pháp đã cho thấy các cuộc tấn công này có điểm xuất phát là… Mỹ.

Mục đích là để hiểu biết một cách chính xác các tính năng kỹ thuật của dự án, không phải để sao chép hay để nâng cấp nó lên thành một sản phẩm mới (những thứ này người Mỹ luôn làm tốt hơn) mà để chống lại nó bằng pháp lý, chủ yếu là việc điều chỉnh lại các tiêu chuẩn của ITAR (Quy chế Quốc tế về buôn bán vũ khí).

Những tiêu chuẩn này sẽ được thay đổi (theo chiều hướng nghiêm ngặt hơn) sao cho các khí tài của Pháp với các tính năng mới mà họ đã biết rõ sẽ bị đánh văng khỏi danh sách các vũ khí được phép mua bán trên thị trường.

Một cách rút ván dưới chân đối thủ. Vì sao các cơ quan hữu quan của Pháp không công bố tên nạn nhân? “Điều đó sẽ tạo ra một vụ xung đột với người Mỹ và không ai muốn điều đó, mọi người đều cần đến Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, người ta không muốn làm ồn ào chuyện này...”.

Một nhà bình luận đã chua chát nói: “Thực sự đáng hổ thẹn, nước Pháp tỏ ra rất yếu đuối. Hãy nhìn cách người Mỹ hành động: khi họ muốn trừng phạt Huawei, họ bắt ngay giám đốc tài chính và cũng là con gái người sáng lập Huawei, toàn thế giới chao đảo vì vụ này...”.

Bất cẩn là thủ phạm chính

Những thông tin rò rỉ trong vụ Edward Snowden cho thấy sự thống trị tuyệt đối của các công ty Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tình báo Mỹ giờ đây có những khả năng “siêu phàm” để thu thập thông tin về mọi cư dân trên thế giới. Ở hầu hết các nơi trên thế giới, gần như mọi quan chức cao cấp, Tổng giám đốc các công ty hay các kỹ sư, các nhà nghiên cứu đều có một tài khoản trên facebook.

Thậm chí giám đốc một công ty thám tử Pháp, chịu trách nhiệm xây dựng những biện pháp phòng thủ cho các công ty Pháp chống lại những cuộc tấn công của tin tặc, chỉ mới đây thôi vẫn còn trao đổi công việc với đồng nghiệp qua một hộp thư có địa chỉ Gmail. Một sự bất cẩn ghê gớm.

Vụ khủng bố đẫm máu tháng 11- 2015 ở Paris khởi đầu cho một “mối tình nồng thắm” giữa tình báo Pháp và Mỹ, nảy sinh từ những nỗ lực hợp tác chống khủng bố. Người Mỹ đã hé lộ cho biết họ có khả năng làm được những việc gì trên đất Pháp. Những gì được tận mắt chứng kiến đã làm tình báo Pháp “đứng tim”.

Nhóm điệp viên Arab Saudi nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia vụ giết hại nhà báo Khashoggi.

Một chuyên gia cho biết: “Những người Pháp sửng sốt đến mức tưởng chừng có thể ngã bổ nhào ra đất. Những thứ mà họ nghĩ là chuyện khoa học viễn tưởng thì đã được những người Mỹ áp dụng từ lâu. Các tổ chức tình báo Mỹ đã tiếp cận và xử lý (trong thời gian thực) kho dữ liệu khổng lồ thu thập từ các trang mạng xã hội và trên Internet, những kết quả mà họ thu được vượt xa khả năng tưởng tượng của mọi người”.

Nhưng các mối đe dọa không chỉ đến từ nước Mỹ. Đối với các cơ quan tình báo ngoại quốc, nước Pháp là một mỏ vàng. Các xí nghiệp Pháp, dù lớn hay bé, được trang bị rất sơ sài để chống đỡ với những cuộc tấn công tin học.

Theo một chuyên gia thì: “Các trường đại học Pháp thì quá ngây thơ, sẵn sàng trình bày mọi thứ rất chi tiết trong một cuộc hội thảo, các thực tập sinh nước ngoài thì quá đông và len lỏi ở khắp mọi nơi”.

Nghiêm trọng hơn: các tổ chức tình báo nước ngoài luôn nhòm ngó đến các tài nguyên vật chất cũng như chất xám của nước Pháp. “Nước Pháp hấp dẫn nhưng rất dễ bị tổn thương”, lãnh đạo cao cấp của một tập đoàn công nghệ đã khẳng định như vậy, còn Alexandre Papaemmanuel, chuyên gia về an toàn thông tin và là giáo sư trường Khoa học chính trị Paris, thì đi xa hơn nữa: “Những công nghệ sẽ mang đến sự giàu có cho các công ty nước ngoài đã ra đời ở Pháp, những người sáng tao ra chúng là những người đã được đào tạo ở Pháp, đó là tài sản chung của nước Pháp và giờ đây nó đã rơi vào tay người Trung Quốc, người Mỹ hay người Nga”.

Mọi thứ đều được cho phép?

Trong lĩnh vực hoạt động gián điệp, dường như mọi thứ được cho phép. Tần suất do thám các xí nghiệp, các công ty đang tăng lên nhanh chóng. Chưa bao giờ, kể từ thời chiến tranh lạnh, lại xảy ra nhiều hoạt động gián điệp “đình đám” đến thế.

Vụ ám sát nhà báo Khashoggi, một nhân vật đối lập của Arab Saudi sống lưu vong là một ví dụ điển hình. Để thuyết phục toàn thế giới tin rằng Khashoggi chắc chắn đã bị sát hại ngay bên trong tòa Lãnh sự quán Arab Saudi, tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển cho tất cả các cơ quan tình báo phương Tây cuộn băng ghi âm ghi lại chính xác những gì đã xảy ra bên trong bốn bức tường của tòa đại sứ vào cái ngày Khashoggi bị sát hại.

Hành động này không chỉ Hoàng gia Arab Saudi và vị hoàng thân trẻ tuổi Mohammed ben Salmane mà cả cộng đồng tình báo thế giới chấn động. Xử sự như thế, tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã “lật bài ngửa” rằng họ luôn biết một cách chính xác những gì đang diễn ra bên trong tòa đại sứ của các cường quốc.

Đối với tình báo Nga, dẫu rằng họ đã gặp phải một vài thất bại, nhưng họ đã chứng minh có khả năng triển khai các chiến dịch tình báo ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Và những chiến dịch đó, trong một số trường hợp, có những quy mô vượt khỏi sức tưởng tượng của nhiều người 

Có thể nhận thấy một khuynh hướng mới của thế giới hôm nay: các cường quốc càng ngày càng có ý thức tránh né bị lôi vào các cuộc phiêu lưu quân sự công khai, xung đột “nóng” với việc đối đầu trực tiếp hay gián tiếp với các đối thủ, nhưng các cuộc chiến bí mật, những hoạt động tình báo hay gián điệp thì ngày càng trở nên sôi động. Cuộc chiến bí mật này không chỉ là cuộc đối đầu giữa các đối thủ truyền thống mà nhiều trường hợp còn là giữa các đồng minh lâu năm.

Dương Đăng Hưng (tổng hợp)
.
.
.