Chuyện những người phá án "vô hình"

Thứ Bảy, 07/03/2015, 07:00
Tội phạm mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu. Gần 1 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi các tổ chức tài chính trên toàn thế giới trong vòng 2 năm do bị tin tặc tấn công. Thông tin được hãng bảo mật Kaspersky Lab đưa ra đang khiến cả thế giới phải giật mình về quy mô và mức độ nguy hiểm của tội phạm mạng…

Tội phạm trên không gian ảo được nhiều quốc gia phát triển đưa vào nhóm những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước, ngang hàng với tấn công khủng bố, vũ khí hóa học và thảm họa hạt nhân. Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông thuộc Tổng cục An ninh - Bộ Công an được thành lập đã góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh với loại tội phạm tàng hình này.

1.Năm năm kể từ ngày thành lập đơn vị thời gian chưa phải là dài. Nhưng những chiến công của những người lính Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông quả thật đáng khâm phục. So với các lực lượng trinh sát trực tiếp chiến đấu khác như cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy… thì công việc của những người lính Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông cũng vô vàn những khó khăn, gian khổ; đòi hỏi cũng phải vất vả lăn lộn bỏ nhiều công sức mới có thể truy tìm được những thủ phạm "gây án tàng hình" trên mạng Internet.

Một đối tượng mua bán trái phép thông tin cá nhân bị trinh sát Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông bắt quả tang.

Điển hình như vụ các trinh sát của Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông phối hợp cùng các đơn vị của Tổng cục An ninh lần tìm ra những đối tượng tung tin đồn thất thiệt ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt khiến cả thị trường, tài chính tiền tệ và chứng khoán Việt Nam bị chao đảo vào thời điểm tháng  2/2013. Tin đồn ông Trần Bắc Hà loang ra từ sáng 21/2/2013, đúng lúc ông đang chủ trì cuộc họp ban lãnh đạo BIDV để triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2013.

BIDV đánh giá thông tin bịa đặt này ảnh hưởng xấu đến đến uy tín thương hiệu của mình cũng như thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam. Thị trường tài chính ngân hàng vốn đang căng thẳng sau kỳ nghỉ Tết âm lịch giờ càng thêm biến động bởi thông tin vô căn cứ. Tỷ giá đôla sau khi chững lại vào buổi sáng, bất ngờ tăng vọt trở lại vào buổi chiều 21/2, đáng chú ý là giá niêm yết trong ngân hàng vượt qua 21.000 đồng khiến ngay dân buôn đôla chợ đen cũng giật mình. Giá vàng tiếp tục giãn rộng khoảng cách so với thế giới khi lực mua bất ngờ tăng mạnh tại TP HCM.

Trên thị trường chứng khoán, khi xuất hiện tin đồn, phiên giao dịch chứng khoán chiều 21/2, thị trường bất ngờ quay đầu giảm mạnh. Chỉ số VN-Index mất hơn 18 điểm, tương đương 3,66%, còn HNX-Index mất tới 5,3%..

Thống kê trên toàn thị trường cho thấy, có tới 425 mã giảm giá, trong đó 153 mã giảm sàn. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỉ đồng trong chỉ 1 phiên giao dịch.  Trên sàn HoSE, các mã bluechips như BVH, REE, HPG, VSH, DIG bị giảm sàn, còn các "đại gia" vốn hóa lớn như MSN, VNM, GAS, VIC, VCB, DPM, FPT, HAG… cũng giảm điểm. Việc giảm điểm của thị trường khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại về một sự kiện "bất thường" sắp diễn ra.

Trước tác động tiêu cực, các trinh sát giỏi nhất của các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh, trong đó có Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông nhanh chóng được lệnh vào cuộc điều tra, rà soát làm rõ những đối tượng đã tung tin đồn.

Ngay sau khi tin đồn này được phủ nhận, thị trường chứng khoán đã khôi phục được một nửa số điểm ngay phiên giao dịch ngày hôm sau (22/2). Trên cơ sở kết quả xác minh, rà soát hàng chục đối tượng trong diện nghi vấn có sử dụng các nickname khác nhau trên các diễn đàn mạng Internet để đưa tin bịa đặt, các trinh sát đã làm rõ hành vi vi phạm của 3 đối tượng có liên quan: Đối tượng có nickname Casperkid@gmail.com trên diễn đàn Tathy.com, sinh năm 1980 hiện đang công tác tại một ngân hàng ở Hà Nội; đối tượng có nickname "hungpvn" trên diễn đàn f319.com sinh năm 1976 đang làm việc tại một Công ty kỹ thuật và sản xuất tại TP HCM; đối tượng có nickname "danghocdoi" trên diễn đàn Vietstock.com sinh năm 1985 làm việc ở lĩnh vực môi trường.

Lãnh đạo Cục An ninh Thông tin truyền thông triển khai các biện pháp công tác nghiệp vụ.

Kết quả điều tra của cơ quan an ninh xác định động cơ của các đối tượng không có mục đích phá hoại, nhưng có mục đích vụ lợi về kinh tế do những nghi phạm này đều chỉ là nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán nhỏ lẻ. Tuy nhiên do muốn tỏ ra là nhà đầu tư thạo tin nên đã tung tin nhằm gây chú ý, đồng thời kiếm lời từ việc tung tin đồn.

2. Vào những năm trước đây, các đối tượng trộm cước viễn thông thường chuyển cuộc gọi từ nước ngoài qua vệ tinh, đối tượng ở trong nước dùng ăngten Parabol tiếp sóng rồi chuyển cuộc gọi vào hệ thống mạng điện thoại công cộng trong nước (PSTN) với các thiết bị cồng kềnh, dây nhợ lằng nhằng, dễ phát hiện.

Giờ đây, các đối tượng sử dụng dịch vụ FTTH có đường truyền internet tốc độ cao kết nối với các thiết bị đầu cuối là hộp chứa sim nhỏ gọn, tinh vi. Cuộc gọi từ nước ngoài được chuyển qua môi trường internet (loại hình điện thoại Phone to PC to phone) tới các địa chỉ IP lậu ở trong nước và chuyển vào PSTN, khiến việc phát hiện vô cùng gian nan, nhìn bề ngoài không thể biết được.

Một chiến công xuất sắc của các trinh sát Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông trên lĩnh vực đấu tranh với các đối tượng trộm cước viễn thông phải kể đến vụ án triệt phá, bắt giữ các đối tượng có hành vi chiếm đoạt cước viễn thông quy mô lớn, chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng chênh lệch cước viễn thông. Vào thời điểm cuối năm 2010, các trinh sát Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông nhận thấy hiện tượng có người mua gom và cùng lúc đăng ký kích hoạt cả trăm sim điện thoại di động.

Nghi vấn có nhóm tội phạm trộm cước viễn thông đang hoạt động được đặt ra và các trinh sát lập tức lên kế hoạch theo dõi. Thủ đoạn hoạt động của bọn chúng là thường xuyên thay đổi địa điểm, hoạt động ở các khu vực hẻm hóc đông dân nhập cư, thuê bao chủ yếu là "sim rác". Đến tháng 4/2011, các trinh sát phát hiện các đối tượng có dấu hiệu tụ về 3 địa điểm là Dĩ An (Bình Dương), quận 11 và Gò Vấp ở TP HCM để hoạt động. Vì thế lực lượng trinh sát đã được huy động tối đa, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định số đối tượng liên quan, lập kế hoạch nhằm bắt quả tang đối tượng.

Tại các điểm xác định, nhìn bên ngoài không khác gì những ngôi nhà bình thường nhưng có điểm lạ là thường xuyên cửa đóng then cài. Riêng điểm ở quận Gò Vấp, trinh sát phát hiện một người đàn ông khoảng 40 tuổi thường lái ô tô chở vợ con đi chơi, ăn nhậu và khi về nhà thì lại đóng kín cửa. Người đàn ông khoảng 40 tuổi chủ ngôi nhà này là Nguyễn Trung Hiếu (SN 1970). Hiếu là con trai trong gia đình khá giả, có mẹ và hai chị ruột đang định cư ở Mỹ. Do vậy, Hiếu đã từng được gia đình cho đi du học ngành Quản trị kinh doanh ở Canada nhưng không chịu học đến nơi đến chốn mà bỏ về nước khi chưa tốt nghiệp. Tại ngôi nhà ở Gò Vấp, vợ chồng Hiếu sống không hôn thú và có một đứa con.

Qua theo dõi chi tiết hoạt động của Hiếu, các trinh sát nhận định nhiều khả năng Hiếu là đối tượng cầm đầu đường dây trộm cước viễn thông ở TP HCM. Một kế hoạch trinh sát phối hợp được vạch ra với yêu cầu phải bắt quả tang, vì chỉ cần chậm một vài giây là có thể đối tượng ngắt nguồn điện để xóa dấu vết. Các trinh sát tiếp tục trải qua hàng chục ngày đêm theo dõi, lần tìm và chọn thời điểm đối tượng sơ hở, chủ quan nhất để phá án.

Các trinh sát Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông khám phá một chuyên án.

Đúng 23h ngày 19/12/2011, một tổ trinh sát đã mưu trí đột nhập vào nhà khi Hiếu đang nằm nghe nhạc, hút thuốc. Thấy các trinh sát, Hiếu không kịp trở tay, chỉ thốt ra câu "Dạ, em biết rồi" và líu ríu đưa các trinh sát vào phòng đặt hệ thống trộm cước. Trước hệ thống máy trộm cước đang hoạt động tối đa với hàng chục sim điện thoại di động, Hiếu chỉ còn cách ngoan ngoãn cúi đầu ký vào biên bản phạm pháp quả tang.

3.Là người đã từng nhiều năm gắn bó với công tác an ninh truyền thông, Đại tá Phạm Viết Bình, Trưởng phòng An ninh Báo chí tâm sự rằng: Cuộc chiến với những tên tội phạm mạng, hacker giấu mặt nóng bỏng và vô cùng gian khó. Bởi lẽ để có thể  truy tìm ra những tên thủ phạm "gây án" trên mạng đòi hỏi ngoài việc mỗi trinh sát phải có trình độ, khả năng công nghệ thông tin cao còn phải có sự say mê, hết lòng với công việc.

Nhưng dẫu khó khăn, gian khó thế nào thì những người lính Cục An ninh Văn hóa , Thông tin, Truyền thông luôn khắc phục mọi khó khăn, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh với loại tội phạm "tàng hình" này, đảm bảo an ninh thông tin truyền thông. Những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã dành cho Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông:  Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý khác đã phần nào nói lên những cống hiến, đóng góp xuất sắc của họ trong suốt chặng đường dài giữ gìn an ninh, bình yên, hạnh phúc cho nhân dân…

Việt Hưng
.
.
.