Chính sách quốc phòng Mỹ sẽ thay đổi thế cờ?

Thứ Sáu, 24/08/2018, 15:29
Ngày 13-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Luật Chính sách quốc phòng (NDAA) trị giá 716 tỷ USD, tăng 16 tỷ USD so với năm 2018 và tăng 82 tỷ USD so với năm 2017.


Ông Trump nói luật này “là đầu tư có ý nghĩa nhất đối với quân đội chúng ta và đối với các chiến binh của chúng ta trong lịch sử cận đại”.

14 điểm cứng rắn với Trung Quốc

Ông Carl Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, người có nhiều năm nghiên cứu về khu vực, nhận định NDAA cho năm tài khóa 2019 thực sự có những lời lẽ mạnh mẽ hơn về Trung Quốc, với nhiều ý tứ được lấy từ Chiến lược Quốc phòng Mỹ (NDS). 

Dự luật cho phép cung cấp tài chính cho 14 hành động cứng rắn để chống lại Trung Quốc, bao gồm: 

(1) Hỗ trợ sáng kiến ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; 

(2) Xây dựng chiến lược rõ ràng về Trung Quốc và bắt buộc báo cáo lại cho Quốc hội; 

(3) Tăng cường khả năng sẵn sàng của lực lượng phòng vệ Đài Loan; 

(4) Nâng cấp Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á cũ để bao trùm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; 

(5) Diễn tập phòng thủ tên lửa tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; 

(6) Tập trận và hợp tác quân sự trong khuôn khổ Tứ giác Kim cương; 

(7) Trao quyền cho Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; 

(8) Giới hạn kinh phí tài trợ cho các chương trình tiếng phổ thông Trung Quốc; 

(9) Mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh với Ấn Độ; 

(10) Cho phép chuyển giao tàu hải quân cho Nhật Bản; 

(11) Yêu cầu báo cáo thường niên cho Quốc hội về các hoạt động quân sự, hàng hải và hàng không của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; 

(12) Cho phép tiếp xúc quốc phòng cao cấp với Đài Loan; 

(13) Hạn chế khả năng của Tổng thống Trump trong việc cắt giảm lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc; 

(14) Tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa với các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Luật NDAA cũng củng cố ảnh hưởng của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), là uỷ ban duyệt xét những đề nghị đầu tư để cân nhắc xem các việc đầu tư này có đe dọa an ninh quốc gia hay không. Biện pháp này được xem như là nhắm vào Trung Quốc. 

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ đã ghi nhận việc đưa điều khoản CFIUS vào luật này, và sẽ “đánh giá toàn diện các nội dung”, lưu ý đến tác động ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc. 

“Phía Mỹ cần đối xử công bằng và khách quan đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, và tránh để điều khoản CFIUS trở thành một trở ngại cho quan hệ hợp tác đầu tư giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Chạy đua vũ trang?

Các chuyên gia đặc biệt chú ý tới việc Mỹ chi 40 tỷ USD đầu tư cho không quân và 65 tỷ USD để phát triển các đầu đạn hạt nhân mới trang bị cho tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm. Lục quân Mỹ cũng được tăng quân số thêm 16.000 người. Theo Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko, đây thực sự là khoản ngân sách lớn, thể hiện rõ ý muốn của Washington trong việc giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu. 

“Nhưng đây không đơn giản là lời đe dọa sử dụng vũ lực: Mỹ còn muốn dùng sức mạnh quân đội đảm bảo các ý muốn trong kinh tế của họ. Đặc biệt, Mỹ muốn áp đặt một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới đối với Nga và Trung Quốc nhằm hủy hoại kinh tế và tài chính của những nước này”, vị chuyên gia nói.

Lực lượng quân đội Mỹ.
Lực lượng quân đội Trung Quốc.

Ông Korotchenko chỉ ra những đối thủ “cơ bản” của nước Mỹ ngày nay gồm Trung Quốc, Nga và Iran. “Người Mỹ không thể làm ngơ trước tăng trưởng ngân sách quốc phòng hằng năm của Trung Quốc; chúng ta (Nga) là mối đe dọa đã thành hình và Iran đang ngày càng chứng tỏ họ có vị thế riêng. Như vậy rõ ràng đã nổi lên một nhóm nước-đối thủ quân sự mà tổng ngân sách vượt qua con số 200 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, người Mỹ cũng không thể ngồi yên. Và đơn giản nhất là tăng ngân sách quốc phòng đồng thời vượt lên về công nghệ”, ông Frolov nói.

Đối với Nga, NDAA tiếp tục giới hạn hợp tác quân sự với Moskva, cấm bất cứ sự ghi nhận nào về việc Crimea sáp nhập Nga và nêu bật mối quan ngại về việc vi phạm hiệp ước, thể hiện quan điểm của Quốc hội về việc cần tăng cường các biện pháp phòng thủ trước Nga. Trong Chiến lược An ninh mới của Mỹ, Nga bị nhận diện là một nhân tố tiêu cực trên trường quốc tế và Washington coi Moskva là một đối thủ nguy hiểm.

Sử dụng tối đa “sức mạnh Mỹ”

Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Washington không đặt trọng tâm vào các cuộc chiến quyền lực với các đối thủ lớn, khiến cho mặt bằng sân khấu chính trị của Mỹ nhanh chóng bị thu hẹp khi các đối thủ trỗi dậy, đặc biệt là nước Nga thời Putin. 

Theo Financial Times, Chiến lược Quốc phòng của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đặt trọng tâm vào đánh bại các lực lượng nổi dậy ở nước ngoài, như tại Iraq, Syria và đánh bại các thực thể phi nhà nước như IS. Đây bị cho là "sai lầm chiến lược" của chính quyền Obama, bởi nó khiến cho Mỹ lơ là, tạo điều kiện cho các đối thủ tiềm tàng có quá nhiều cơ hội củng cố sức mạnh, biến thành đối thủ tiềm năng thách thức Mỹ.

Với Tổng thống Trump thì đó một là sự lãng phí sức mạnh Mỹ. Ngay khi còn tranh cử, vị tỷ phú bất động sản đã từng nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ có sức mạnh lại không sử dụng? Vì vậy, khi nắm quyền lực, vị tổng thống doanh nhân đã điều chỉnh chiến lược và chiến lược của Tổng thống Trump là tập trung sức mạnh Mỹ vào đối trọng với các đối thủ ngang tầm, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, chứ không chỉ là IS hay Taliban, Al-Qaeda...

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Luật Chính sách quốc phòng.

Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ được nhìn nhận là sẽ giúp Mỹ cạnh tranh hơn ở những lĩnh vực mà các đối thủ như Nga và Trung Quốc đã đầu tư; đồng thời tìm cách khai thác những điểm bất cân xứng tạo thuận lợi cho họ. 

Trước đó, ngày 18-12-2017, Tổng thống Trump cũng đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ. Chiến lược này cũng xác định Nga là đối thủ có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ. 

Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ chĩa mũi dùi vào Nga được cho là xuất phát từ khát vọng "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, từ quan điểm của chính giới Mỹ cho rằng Putin đang làm suy giảm lợi ích Mỹ cả ở trong và ngoài nước. 

Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ xác định Nga là "cường quốc xét lại" và quyết liên minh với Trung Quốc nhằm thay đổi tình trạng hiện nay, định hình một trận tự thế giới mới, làm suy giảm các giá trị và lợi ích của Mỹ.

Có lợi cho Việt Nam?

Với các nước nhỏ, NDAA được cho là sẽ mang lại lợi ích. Ông Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington, nói NDAA có khoản tiền được dùng nhằm “củng cố an ninh hàng hải” và “chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia” sẽ được trao cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Philippines. 

Luật mới tạo cơ sở cho Mỹ giúp đỡ các nước, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia bằng cách thúc đẩy nhận thức về lĩnh vực hàng hải để các nước này có thể nắm rõ hơn về những gì Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông.

Chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS  cho biết chiến lược của Mỹ phần lớn dựa trên các hoạt động tự do hàng hải và việc củng cố khả năng cho các nước láng giềng của Trung Quốc.

Luật về Quốc phòng 2019 của Mỹ còn nhắc đích danh Việt Nam trong phần nói tới các hoạt động tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa với việc “không chuyển quá 15 triệu đôla trong năm tài khóa 2019” cho nỗ lực này. 

Trên Facebook hôm 16-8, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink viết: “Tôi rất vui mừng được gặp gỡ Thứ trưởng Mỹ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea Thompson để chia sẻ những nỗ lực của Đại sứ quán nhằm hỗ trợ việc phát triển một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập góp phần vào an ninh quốc tế, tham gia vào thương mại tự do, công bằng và có đi có lại; đồng thời tôn trọng nhân quyền và pháp quyền”.

Bàng Cương
.
.
.