Cảnh sát sử dụng công nghệ dự báo tội phạm

Thứ Năm, 08/02/2018, 22:05
Cảnh sát tỉnh Kanagawa (gần Thủ đô Tokyo) tuyên bố, sẽ dùng thử hệ thống dự báo tội phạm để dự đoán và phỏng đoán hành động phạm tội sử dụng các thuật toán trí thông minh nhân tạo, "đất nước mặt trời mọc" đã có những phản ứng khác nhau.


Mặc dù Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản thành lập ủy ban tư vấn riêng về vấn đề ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo trong hoạt động của cảnh sát từ tháng 12-2017, nhưng khi cảnh sát tỉnh Kanagawa (gần Thủ đô Tokyo) tuyên bố, sẽ dùng thử hệ thống dự báo tội phạm để dự đoán và phỏng đoán hành động phạm tội sử dụng các thuật toán trí thông minh nhân tạo, "đất nước mặt trời mọc" đã có những phản ứng khác nhau. 

Hãng Kyodo dẫn thông báo từ cảnh sát tỉnh Kanagawa, Tokyo hy vọng có thể đưa hệ thống dự báo tội phạm vào sử dụng thử nghiệm trước kỳ Thế vận hội 2020 và đây là hệ thống phân tích dữ liệu tội phạm, dự đoán hành động tiếp theo của kẻ phạm tội, cũng như địa điểm mà chúng có thể thực hiện hành vi phạm pháp nhằm giúp cảnh sát có những biện pháp ngăn chặn kịp thời trước khi diễn ra. 

Ngoài ra, cảnh sát cũng sẽ tuần tra những "điểm nóng" trong khoảng thời gian được hệ thống gợi ý nhằm đảm bảo an toàn, trong khi phần mềm giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án. 

Theo hãng Kyodo, cảnh sát Kanagawa bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của hệ thống kể trên từ năm ngoái và sẽ cần tới sự trợ giúp của các doanh nghiệp tư nhân trong mùa xuân năm 2018 trước khi đưa hệ thống này vào thực tiễn. 

Hãng Kyodo cũng cho biết, công nghệ dự báo tội phạm sử dụng kiến thức về tội phạm học và các thuật toán xác suất, để đưa ra dữ liệu về thời gian, địa điểm, điều kiện thời tiết, địa lý và các đặc điểm của tội phạm trong quá khứ. 

Ngoài ra, thuật toán cũng sẽ sử dụng dữ liệu từ mạng xã hội của những người nghi có thể phạm tội, để giúp cảnh sát đưa ra những quyết định chính xác. Tuy nhiên, ông Toyoaki Nishida, Giáo sư về khoa học thông tin tại Đại học Kyoto, Nhật Bản cảnh báo, phương pháp này có thể khiến cảnh sát tuần tra ở một khu vực với tần suất cao hơn và người dân ở đó sẽ cảm thấy bất tiện.

Cảnh sát đưa vào sử dụng hệ thống dự báo tội phạm.

Theo giới truyền thông, hệ thống dự báo tội phạm đã được sử dụng tại Los Angeles, Mỹ, nhưng vấp phải phản ứng trái chiều xung quanh việc xâm phạm đời tư và quyền con người. 

Theo thống kê, hàng chục sở cảnh sát lớn nhất ở Mỹ đang sử dụng loại công nghệ này với hy vọng ngăn những vụ phạm tội trước khi xảy ra. 

Theo tờ The Washington Post, một số phần mềm thậm chí còn xem xét cả những yếu tố khác để đưa ra dự báo và theo một số sở cảnh sát, hệ thống dự báo tội phạm PredPol giúp họ tập trung nguồn lực đang thiếu hụt vào những điểm nóng hoặc đối tượng có vấn đề. 

Và việc này đặc biệt hữu ích tại những địa phương có diện tích rộng hoặc đông dân cư. Ngoài ra, việc dựa vào dữ liệu khi tuần tra cũng giúp hạn chế tính chủ quan, định kiến của lực lượng chấp pháp trong quá trình xử lý công việc. 

Theo giới chuyên môn, PredPol là bằng chứng mới nhất của xu hướng sử dụng công nghệ dự báo tội phạm đang ngày càng phát triển ở Mỹ.

Lực lượng cảnh sát tại thành phố Nice, Pháp cũng đang thử nghiệm một ứng dụng trên điện thoại di động có chức năng báo cáo tội phạm chỉ trong vài giây. Ứng dụng mang tên Reporty đang được dùng thử với hơn 2.000 người tình nguyện để kiểm tra chất lượng cũng như độ tin cậy của ứng dụng này. 

Theo giới chuyên môn, Reporty hứa hẹn sẽ ưu việt hơn bởi đó là hình thức báo cáo tội ác bằng cuộc gọi điện thoại thông thường. Bên cạnh đó, Reporty còn có chức năng truyền tải hình ảnh camera trực tiếp từ điện thoại người dùng đến cơ quan chức năng, giúp cho việc thu thập bằng chứng và xác thực tội ác nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Theo báo cáo mới được ghi nhận từ tổ chức SIME (Hình ảnh không gian Trung Đông), cảnh sát Dubai đang thử nghiệm một hệ thống trí tuệ nhân tạo mang tên Crime Prediction (dự đoán tội phạm). Hệ thống này sẽ phân tích các dữ liệu trong kho thông tin của cảnh sát, sau đó áp dụng các kết quả để dự đoán khả năng phạm tội trong thực tế.

 "Hệ thống này có khả năng phân biệt một cách chính xác những hành vi phạm tội trong hoàn cảnh dường như chẳng liên quan, sau đó dự đoán khả năng tái diễn hành động đó", ông Spandan Kar, Giám đốc SIME cho biết.

Tờ Finalcial Times cho biết, Trung Quốc đang muốn phát triển trí thông minh nhân tạo làm trợ thủ cho cảnh sát trong việc dự đoán và ngăn chặn hành vi phạm tội. Được biết, hãng Cloud Walk đã thử nghiệm hệ thống tận dụng dữ liệu về chuyển động và hành vi của một cá nhân để đánh giá khả năng phạm tội. Và phần mềm của Cloud Walk sẽ cảnh báo cảnh sát về nguy cơ phạm tội của một công dân và điều này tạo cơ sở để cảnh sát ra tay ngăn chặn. Công nghệ dự đoán tội phạm của Trung Quốc phụ thuộc vào một số kỹ thuật như nhận diện khuôn mặt và phân tích dáng đi để xác định đối tượng từ máy quay giám sát.
Thiện Lân
.
.
.