Cải tổ lực lượng cảnh sát ở Mỹ bất đồng từ các nhà lập pháp

Thứ Tư, 01/07/2020, 10:51
Mâu thuẫn nội tại của nước Mỹ đang ngày càng gay gắt khi mà chỉ trong 2 ngày, lưỡng viện nước này đã đưa ra những quyết định trái ngược nhau.

Trong khi dự luật cải tổ cảnh sát do đảng Cộng hòa đề xuất đã không đạt đủ tối thiểu 60 phiếu để được thông qua tại Thượng viện hôm 25-6 thì chỉ một ngày sau đó, dự luật do đảng Dân chủ đưa ra lại nhanh chóng được chấp thuận.

Bế tắc là cảnh quen thuộc

Tờ The Guardian bình luận: "Trong khi mặt bằng chung hoàn toàn nằm ngoài tầm với, thì một bế tắc như vậy ở Mỹ giờ là cảnh quen thuộc. Các nhà lập pháp thường không hành động trong thời gian khủng hoảng về kiểm soát súng hoặc thay đổi nhập cư mặc dù có sự hỗ trợ rộng rãi để thay đổi". 

Đưa ra con số thống kê từ cuộc thăm dò của hãng AP-NORC, The Guardian còn nhấn mạnh: "Người Mỹ phần lớn thống nhất đằng sau ý tưởng rằng cần phải có hành động và tìm thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ để trừng phạt các sĩ quan tham gia vào chính sách phân biệt chủng tộc. Thế nhưng khi hành động thì họ lại không nhất quán. 

Đạo luật cải tổ lực lượng cảnh sát được các đảng Cộng hòa và Dân chủ coi là điểm khởi đầu trong cuộc tranh luận rộng hơn về cách tốt nhất để thay đổi các biện pháp trị an như việc giải quyết các cuộc biểu tình; tập trung vào thực thi pháp luật và chống bất công chủng tộc".

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ California Kamala Harris thì cho rằng, dự luật Hạ viện đưa ra có các giải pháp cụ thể, trong khi dự luật của đảng Cộng hòa là trống rỗng và không phải là vấn đề về hậu quả thực sự và trách nhiệm thực sự. Hàng trăm người nổi tiếng bao gồm các diễn viên, nhạc sĩ và lãnh đạo ngành công nghiệp, thị trưởng từ các thành phố đã ký vào một lá thư ủng hộ của AP phát hành hồi giữa tháng 6. 

Trong khi đó, các lãnh đạo dân quyền thì kêu gọi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ không bỏ phiếu cho dự luật của đảng Cộng hoà. Chỉ có các nhóm thực thi pháp luật và kinh doanh bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ thúc giục hai bên tìm điểm chung bởi cuối cùng thì phiên bản dự luật của Hạ viện hay Thượng viện cùng cần phải giống nhau để trở thành luật.

Cảnh sát chống bạo động Mỹ bị bao vây bởi những người biểu tình da màu ở Pennsylvania Capitol hôm 30-5. ảnh: Penncapital.

Cam kết nhiều nhưng chưa hành động

Việc thúc giục cải tổ lực lượng cảnh sát Mỹ được đẩy mạnh trong tháng 6 vừa qua sau vụ công dân da màu George Floyd tử vong khi bị cảnh sát bắt tại thành phố Mineapolis, bang Minnesota. 

Kết quả là hôm 16-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cải tổ cảnh sát. Hãng CNN đưa tin, sắc lệnh hành pháp mới này tập trung cải thiện, đào tạo các sỹ quan cảnh sát sử dụng các kỹ thuật giảm leo thang, tạo một cơ sở dữ liệu để theo dõi các sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức nhằm ngăn chặn việc họ sẽ lại được một sở cảnh sát khác thuê làm việc, và khởi động một chương trình làm việc chặt chẽ hơn giữa các chuyên gia sức khỏe tâm thần với cảnh sát. 

Sắc lệnh cũng ưu tiên các khoản ngân sách liên bang của Bộ Tư pháp cho các sở cảnh sát tìm kiếm thông tin độc lập và chứng nhận rằng "họ đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sử dụng các kỹ thuật và đào tạo giảm leo thang". Cũng theo sắc lệnh mới, hành động kẹp cổ đối tượng không bị cấm, nhưng chỉ nên được sử dụng trong những tình huống mà một sĩ quan cảnh sát có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng.

8 ngày sau khi sắc lệnh hành pháp mới được công bố, các nghị sỹ đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã bác bỏ một dự luật cải tổ lực lượng cảnh sát do đảng Cộng hòa đề xuất, với lý do văn kiện này chưa bao gồm các biện pháp thực sự mạnh mẽ. Đây được coi là một đòn đánh mạnh vào chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

Đại diện đảng Dân chủ đã viện lý do rằng, dự luật của đảng Cộng hoà không khuyến khích nhưng cũng không cấm lực lượng bảo vệ pháp luật có các hành động vũ lực mạnh tay như ghì cổ khi xử lý các đối tượng. 

"Dù văn kiện này cũng đề xuất cập nhập thông tin về các cảnh sát có hành vi lạm dụng vũ lực vào cơ sở dữ liệu quốc gia để thực hiện "thanh lọc" lực lượng cảnh sát nhưng lại không chấm dứt hoặc hạn chế quyền miễn trừ trách nhiệm của cảnh sát, vốn là một quy định gây tranh cãi khi tạo điều kiện để cảnh sát không bị truy tố khi có các vi phạm. 

Văn kiện này có nhiều lỗ hổng và không thể mang lại một cải cách thực sự cho ngành cảnh sát", lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện, Chuck Schumer giải thích. 

Tổng thống Donald Trump đã lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định của phe Dân chủ tại Thượng viện, cho rằng các nghị sỹ Dân chủ muốn làm suy yếu hệ thống cảnh sát.

Nhưng thế vẫn chưa hết, chỉ một ngày sau đó, Hạ viện nơi đảng Dân chủ chiếm ưu thế, đã phê chuẩn một dự luật cải cách toàn diện hơn trong đó có giới hạn quyền miễn trừ trách nhiệm đối với cảnh sát, cấm các hành động trấn áp thân thể và bắt giữ mà không báo trước. 

Dự luật này mang tên "Đạo luật Công lý trong Hành pháp 2020", theo đúng trình tự sẽ tiếp tục được đưa lên xem xét tại Thượng viện Mỹ bất chấp sự phản đối của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa. 

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, dự luật này rất ít khả năng được thông qua mà không phải điều chỉnh nội dung do đảng Cộng hoà đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Nghĩa là, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề cải tổ lực lượng cảnh sát để loại bỏ những hành vi phân biệt chủng tộc.

Các cuộc biểu tình sau cái chết của nam thanh niên da màu đã diễn ra trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Getty

Sự khác biệt giữa Dân chủ và Cộng hoà

Vậy sự khác biệt giữa đảng Dân chủ và Cộng hoà trong việc cải tổ lực lượng cảnh sát là gì? Tờ The New York Times chỉ rõ, hai dự luật do hai đảng soạn thảo có một số điểm chung gồm: kêu gọi thu thập dữ liệu giữa các cơ quan cảnh sát, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng vũ lực chết người; đào tạo thêm cho các quan chức thực thi pháp luật và khuyến khích sĩ quan cảnh sát đeo camera theo người. Còn lại, sự khác nhau giữa hai dự luật có rất nhiều những chỉ tựu chung ở một số điểm chính (phần lớn là trái ngược nhau".

Chẳng hạn, Đảng Dân chủ muốn chấm dứt tình trạng cảnh sát chẹt cổ người dân trong khi đảng Cộng hòa chỉ khuyến khích giảm bớt hành động này. Mục 242 của Tiêu đề 18, Bộ luật Mỹ được đảng Cộng hoà sửa đổi bởi Mục 101 bằng cách thêm vào cuối phần như sau: Đối với mục đích của phần này, việc áp dụng bất kỳ áp lực nào lên cổ họng hoặc khí quản, sử dụng các thao tác hạn chế máu hoặc oxy chảy lên não, hoặc hạn chế động mạch cảnh ngăn cản hoặc cản trở hô hấp hoặc giảm lượng không khí là một hình phạt đau đớn. 

Còn đảng Dân chủ thì gọi đây là việc làm hạn chế khả năng cá nhân có thể thở và yêu cầu Tổng chưởng lý xây dựng một chính sách cho các cơ quan thực thi pháp luật liên bang cấm sử dụng hình phạt này và phân loại chúng là vi phạm quyền dân sự.

Thứ hai, đảng Dân chủ thay đổi quyền miễn trừ đối với cảnh sát trong khi đảng Cộng hòa thì không. Dự luật của đảng Cộng hoà ghi Mục 1979 được sửa đổi là "không được bảo vệ hay miễn trừ đối với bất kỳ hành động nào được đưa ra trong phần này nhằm chống lại một nhân viên thực thi pháp luật địa phương (như được định nghĩa trong Mục 2 trong Công lý 20 trong Đạo luật Chính sách năm 2020) hoặc một nhân viên cải huấn của tiểu bang.

Thứ 3, đảng Dân chủ muốn làm cho việc truy tố các sĩ quan cảnh sát vì hành vi sai trái dễ dàng hơn còn đảng Cộng hòa thì kêu gọi giảm gia tăng áp lực với cảnh sát bằng cách sửa đổi Mục 242 của Tiêu đề 18, Bộ luật Mỹ. 

Ở phần này, đảng Dân chủ cho rằng, Tổng chưởng lý, tham khảo ý kiến của các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan của các tiểu bang và đơn vị chính quyền địa phương, các tổ chức lao động, các tổ chức thực thi pháp luật chuyên nghiệp và các tổ chức sức khỏe tâm thần, để xây dựng các chương trình đào tạo, thay thế cho việc sử dụng vũ lực và hủy bỏ chiến thuật leo thang; và phản ứng an toàn với người bị khủng hoảng sức khỏe hành vi, bao gồm các kỹ thuật và chiến lược được thiết kế để bảo vệ sự an toàn của người gặp khủng hoảng sức khỏe hành vi trước nhân viên thực thi pháp luật và cộng đồng.

Thứ 4, đảng Dân chủ kêu gọi chấm dứt sự thiên vị chủng tộc trong việc trị an, trong khi đảng Cộng hòa yêu cầu tạo ra một chương trình đào tạo và thành lập một ủy ban. Mục này được dân Mỹ rất quan tâm bởi lẽ Hạ viện đề xuất: duy trì các chính sách và thủ tục đầy đủ được thiết kế để loại bỏ phân biệt chủng tộc; loại bỏ bất kỳ thực hành hiện có nào cho phép hoặc khuyến khích phân biệt chủng tộc; đào tạo về các vấn đề chống phân biệt chủng tộc như là một phần của trong hoạt động đào tạo lực lượng thực thi pháp luật; tham gia vào một thủ tục khiếu nại hành chính hoặc chương trình kiểm toán độc lập. 

Thượng viện thì nhấn mạnh việc phát triển và phổ biến toàn quốc chương trình giảng dạy để giáo dục những người tham gia chương trình đủ điều kiện về lịch sử phân biệt chủng tộc ở Mỹ; sẽ thực hiện đào tạo chương trình giáo dục cho những người tham gia chương trình đủ điều kiện; hòa giải chủng tộc với mục tiêu tìm hiểu lịch sử phân biệt chủng tộc ở Mỹ; cải thiện mối quan hệ giữa lực lượng thực thi pháp luật và cộng đồng mà họ phục vụ; đào tạo những người tham gia chương trình đủ điều kiện có thể đào tạo hiệu quả các đồng nghiệp thực thi pháp luật của họ trong tiểu bang và cộng đồng.

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.