Bí mật gia tộc Bush: Ðồng tiền dính máu

Thứ Tư, 29/03/2017, 09:32
Dù Jeb Bush, em trai cựu Tổng thống Mỹ George Walker Bush (Bush- con) không tạo được bao nhiêu ấn tượng trước khi từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trăng năm 2016, nhưng gia tộc Bush cho đến nay vẫn nằm trong top các gia tộc quyền lực nhất ở Mỹ, thậm chí cả thế giới. Tuy nhiên, phía sau sự danh giá đó là những khoảng tối đáng sợ.


Kỳ 1: Làm ăn với Ðức Quốc xã

Mối liên hệ giữa gia tộc Bush với nền kinh tế chiến tranh của Ðức Quốc xã được đưa ra ánh sáng lần đầu tiên tại phiên tòa ở Nuremberg (Ðức) qua lời khai của ông trùm thép phát xít Ðức Fritz Thyssen, người được mệnh danh “kiến trúc sư tài chính Ðức Quốc xã”, một tội phạm chiến tranh khét tiếng.

Tay chân của tội phạm chiến tranh

Sau khi Thế chiến II kết thúc, các đồng minh đã tiến hành xét xử những tên tội phạm chiến tranh. Tỷ phú thép Fritz Thyssen, người được xem là đã tạo ra cỗ máy chiến tranh máu lạnh cho Đức Quốc xã, là một trong những tên tội phạm quan trọng. Hắn bị một nhóm công tố viên, thẩm phán người Anh và Mỹ cùng xét xử từ năm 1945-1949.

Trong suốt 4 năm, các nhà điều tra cố gắng lật tẩy tuyên bố của Thyssen rằng hắn không có tài khoản ngân hàng nước ngoài nào, cũng không có cổ phiếu hay bất cứ lợi ích nào trong các công ty nước ngoài, không có tài sản nào khả dĩ có thể giúp các nhà điều tra truy ra hàng tỷ USD bị “bốc hơi” trong khối tài sản của Đế chế thứ ba. Các nhà điều tra đã thất bại hoàn toàn.

Prescott Bush (giữa) với các con trai. Từ trái qua phải: Jonathan, Bucky, Prescott Jr. và George H.W.

Tại sao? Bởi vì những gì Thyssen trả lời là sự thật. Vấn đề là các nhà điều tra phe Đồng minh đã không đưa ra được câu hỏi đúng. Thyssen không cần bất cứ tài khoản ngân hàng nước ngoài nào vì gia đình ông ta đã bí mật sở hữu toàn bộ một chuỗi ngân hàng. 

Vì vậy, khi Thế chiến II gần kết thúc, hắn không cần phải tẩu tán tài sản. Và tất cả những gì hắn phải làm là chuyển các giấy tờ sở hữu (cổ phiếu, trái phiếu, chứng thư và giấy ủy thác...) từ ngân hàng của hắn ở Berlin qua ngân hàng ở Hà Lan (cũng của hắn) đến các bạn bè ở thành phố New York là Prescott Bush và Herbert Walker.

Tỷ phú thép Fritz Thyssen.

Prescott Bush (Bush-ông) chính là cha của cựu Tổng thống Mỹ George Herbert Walker Bush (Bush-cha), tức ông nội của cựu Tổng thống George Walker Bush (Bush-con). Herbert Walker là cha vợ của Prescott Bush, tức ông ngoại của Bush-cha. 

Các nhà điều tra liên minh đã đánh giá thấp tầm với của Thyssen, cũng như các mối quan hệ, động cơ và phương tiện của hắn. Mạng lưới các tổ chức tài chính Thyssen góp phần tạo ra trong những năm 1920 vẫn là một bí ẩn trong thế kỷ 20. 

Đó là một hệ thống ngầm gần như hoàn hảo ẩn cho hoạt động chuyển tiền bẩn, số tiền đã tạo ra sản nghiệp hậu chiến tranh khổng lồ cho cả đế chế công nghiệp Thyssen và gia tộc Bush. Đó là một bí mật Fritz Thyssen mang theo xuống mồ.

“Đế chế Thyssen”

Hơn nửa thế kỷ trước, Fritz Thyssen đã nói với các nhà điều tra liên minh rằng hắn không có lợi ích gì ở các công ty nước ngoài, rằng Hitler đã trở về và lấy hết tài sản của hắn. Tài sản còn lại của hắn hầu hết đều ở khu chiếm đóng của Nga tại Đức. Họ hàng xa của hắn ở các quốc gia trung lập như Hà Lan là chủ sở hữu thực tế một phần đáng kể của các cơ sở công nghiệp còn lại Đức. Với tư cách là nạn nhân của Đế chế thứ ba, họ đã yêu cầu các chính phủ Ðồng minh ở Ðức bồi thýờng tài sản ðã bị Đức Quốc xã chiếm.

Theo quy định chiếm đóng của quân Đồng minh tại Đức, công dân các nước trung lập có thể lấy lại tất cả tài sản của mình bị Đức Quốc xã chiếm lấy trước đó, với điều kiện phải xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu. Khi đó, nhiều công dân ở các nước trung lập, đặc biệt là Hà Lan, đã tuyên bố sở hữu đối với nhiều bộ phận của “đế chế Thyssen”. Trong tù, Fritz Thyssen chỉ việc ngồi rung đùi chờ ngày được tự do, trong khi các thành viên của gia đình Hoàng gia Hà Lan và tình báo Hà Lan tập hợp lại những tài sản trước chiến tranh cho hắn.

Các nhà thẩm vấn của Anh và Mỹ vẫn biết họ đã bị lừa dối. Nghi ngờ của họ tập trung vào một ngân hàng ở Hà Lan - Ngân hàng Bank voor Handel en Scheepvaart, tại Rotterdam. Ngân hàng này đã làm ăn rất nhiều với Thyssens những năm trước đó. Chẳng hạn, năm 1923, ngân hàng này cho Thyssens vay tiền để xây dựng trụ sở đảng Quốc xã đầu tiên tại Munich. Nhưng không hiểu sao các cuộc điều tra của phe Liên minh lại chẳng dẫn đến kết quả nào.

Nếu các nhà điều tra nhận ra Giám đốc tình báo Mỹ thời hậu chiến, Allen Dulles, cũng là luật sư của ngân hàng ở Rotterdam, có thể họ đã có được một số câu hỏi rất thú vị. 

Họ không biết rằng Thyssen cũng là khách hàng của Dulles. Họ cũng không phát hiện ra một khách hàng khác của Allen Dulles, là Baron Kurt von Schroeder, là người được Đức Quốc xã ủy thác tại các công ty Thyssen. 

Các công ty này lúc đó đã được những người Hà Lan tuyên bố sở hữu. Ngân hàng Rotterdam là trọng tâm che đậy của Dulles và ông đã tích cực bảo vệ bí mật của nó.

Sự thật được giải mật

Năm 2004, báo Guardian (Anh) đã tiếp cận được những tài liệu trong Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ, cho biết một công ty do Prescott Bush làm giám đốc có liên quan đến Thyssen. Những đồn đoán về mối liên hệ giữa Bush-ông với Đức Quốc xã đã lên cao trào trước đó nhưng hầu như chẳng đi đến đâu. Mãi đến khi các tài liệu được giải mật năm 2003, mọi sự mới được rõ ràng.

Prescott Bush (Bush-ông). 

Các tài liệu cho thấy, ngay cả sau khi Mỹ đã tham chiến và khi đã có thông tin rõ ràng về các kế hoạch và chính sách của Đức Quốc xã, Bush-ông vẫn làm việc cho các công ty có liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Đức đã cung cấp tài chính để đưa Hitler lên nắm quyền lực. Những tài liệu này, theo báo Guardian, cũng cho thấy tiền kiếm được từ các giao dịch đó đã giúp Bush - ông xây dựng được khối tài sản khổng lồ cho gia tộc và thiết lập triều đại chính trị Bush.

Các tài liệu cho biết, công ty nơi Bush-ông làm việc, Brown Brothers Harriman (BBH), đóng vai trò như một cơ sở ở Mỹ cho Fritz Thyssen, người đã giúp tài trợ cho Hitler trong những năm 1930. 

Theo Guardian, cũng đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Bush là Giám đốc của Ngân hàng Union Banking Corporation (UBC), đại diện cho lợi ích của Thyssen tại Mỹ, và ông vẫn tiếp tục làm việc cho ngân hàng này sau khi Mỹ tham chiến. 

Bush-ông cũng nằm trong ban điều hành của ít nhất một trong những công ty trong mạng lưới đa quốc gia của công ty thuộc hệ thống ngầm cho phép Thyssen chuyển tài sản trên toàn thế giới.

Thyssen sở hữu công ty thép và than đá lớn nhất ở Đức và làm giàu nhờ vào những nỗ lực tái vũ trang của Hitler giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới. Đặc biệt, Bush-ông có liên quan đến Consolidated Silesian Steel Company (CSSC), có trụ sở tại khu vực giàu khoáng sản Silesia nằm ở biên giới Đức - Ba Lan. Trong chiến tranh, công ty này đã sử dụng lao động nô lệ của Đức Quốc xã từ các trại tập trung, bao gồm Auschwitz. 

Quyền sở hữu CSSC sang tay nhiều lần trong những năm 1930, nhưng các tài liệu giải mật cho biết Bush-ông có liên quan đến CSSC.

(Còn tiếp)

Vĩnh Cẩm
.
.
.