Bật mí dàn “vệ sĩ chạy bộ” của lãnh đạo Triều Tiên

Thứ Tư, 06/03/2019, 11:50
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã đến ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn vào khoảng hơn 8 giờ sáng 26-2, bắt tay với các quan chức Việt Nam và vui vẻ vẫy tay chào mọi người trước khi rời đi. Như đã thấy ở Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Singapore, đoàn vệ sĩ 12 người của ông được chú ý.


Những người đàn ông được chọn để bảo vệ ông Kim được rút ra từ Tổng cục An ninh Triều Tiên, một đơn vị quân đội với ước tính 100.000 thành viên chịu trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của lãnh đạo Triều Tiên. 

Theo AFP, vào tháng 4-2018, các vệ sĩ cung cấp tuyến phòng thủ đầu tiên được chọn để rèn luyện thể lực, thiện xạ, kỹ năng võ thuật và thậm chí cả ngoại hình. Họ phải có chiều cao tương đương với ông Kim và xuất thân từ những gia đình đáng tin cậy.

Lực lượng đặc vụ thuộc Tổng cục An ninh Triều Tiên lần đầu tiên công khai trong Hội nghị Cấp cao liên Triều ngày 15-6-2000. Khi đó, công tác an ninh được đảm bảo vô cùng chặt chẽ, các mật vụ Triều Tiên theo sát lãnh đạo bấy giờ là ông Kim Jong-il. 

Thời điểm đó, khác với các sĩ quan quân đội bình thường của Triều Tiên, mật vụ nước này thường đeo thắt lưng da lệch trên vai cùng một khẩu ѕúng ngắn giắt ngang eo và gắn một quốc huy 5 sao trên quân phục. 

Dàn vệ sĩ chạy bộ của ông Kim Jong-un khi sang Việt Nam.

Đáng chú ý, quân hàm của các mật vụ này đều là Đại tá hoặc Thượng tá, trong đó, vệ sĩ đảm bảo an ninh cho lãnh đạo tối cao thường có quân hàm Thượng tướng. Người này nắm toàn quyền phụ trách an ninh nên còn được coi là “trưởng nhóm an ninh”.

So với các quốc gia khác, mật vụ Triều Tiên không dùng các thiết bị liên lạc vô tuyến do họ sợ bị tiết lộ vị trí. Một cựu đặc vụ Hàn Quốc cho biết, mật vụ Triều Tiên thường chỉ dựa vào năng lực cá nhân cũng có thể đảm bảo công tác kiểm tra an ninh, họ làm việc vô cùng hiệu quả trong các chuyến thị sát địa phương của lãnh đạo tối cao.

Để có thể nhận được nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo tối cao, mật vụ Triều Tiên đã phải trả qua rất nhiều khóa huấn luyện kỹ năng gian khổ. Truyền thông Hàn Quốc từng tiết lộ: “Tổng cục An ninh yêu cầu các nhân viên bắt buộc phải có bản lĩnh với khả năng bắn súng siêu hạng “bách phát bách trúng”. Ví dụ, trong 1 phút với phạm vi 100m, 1 mật vụ cần bắn hạ trúng 8 người mới đạt 90 điểm; trong khi đó nếu lái xe moto hoặc ngồi thuyền nhắm bắn các mục tiêu di động cũng buộc phải đạt tỷ lệ bắn trúng rất cao. Đối với các tân binh, mỗi tuần phải vác 25kg hàng hóa hành quân trong 100km, trong 7 ngày phải bơi 4km”.

Nhân viên của Tổng cục An ninh Triều Tiên được tuyển chọn từ các học sinh trung học cùng quá trình điều tra lý lịch vô cùng chặt chẽ với lối sống thiết quân luật trong đơn vị nhưng lại được hưởng đãi ngộ cao, trong thời gian công tác, họ được trang bị những thiết bị tối tân nhất của quân đội Triều Tiên, các kỳ lễ tết còn có thể nhận được quà từ các lãnh đạo.

Tổng cục An ninh Triều Tiên tổ chức rất chặt chẽ với phân công chi tiết, trong đó, Bộ tham mưu có 3 cục 1, 2 và 3; trong Cục 1 lại có 3 đơn vị đặc vụ 1, 2 và 3. Đơn vị đặc vụ số 1 bảo vệ ông Kim Nhật Thành đã bị giải tán sau khi ông qua đời vào năm 1994. Đơn vị số 2 chịu trách nhiệm bảo vệ ông Kim Jong-il với số nhân viên lên tới 500 người. Đơn vị đặc vụ số 3 được phân công bảo vệ các ủy viên Bộ Chính trị khác. Họ thường mặc thường phục trong mỗi lần thi hành nhiệm vụ. Lực lượng đặc vụ bảo vệ ông Kim Jong-un hiện nay được cho là do Đơn vị mật vụ số 2 đảm trách.

Cơ quan Tình báo Hàn Quốc từng xác nhận rằng, có 7 lớp mật vụ bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên. Lớp thứ nhất và thứ hai được gọi là “đặc vụ sát sườn”, giống như lá chắn an ninh sống - những thành viên của đội ngũ này do các đặc công, sĩ quan Tổng cục An ninh đảm nhận. Lớp thứ 3, 4 do Trung đội Cơ động Tổng cục An ninh và Bộ An ninh quốc gia Triều Tiên cùng đảm nhiệm. Các lớp còn lại do lực lượng an ninh địa phương, tỉnh chịu trách nhiệm.

Thùy Dương
.
.
.