15 lần bị bác đơn xin ân xá

Thứ Tư, 16/03/2016, 16:10
Vì quyết định bác đơn xin ân xá lần thứ 15 của giới chức bang California đối với Sirhan Sirhan, kẻ thực hiện vụ ám sát Thượng nghị sỹ Robert Kennedy diễn ra đúng thời điểm cơ quan mật vụ đang phải căng mình bảo vệ các ứng viên tổng thống Mỹ trong cuộc tranh cử sắp tới, nên vấn đề này càng thu hút sự quan tâm của dư luận.


Hơn nữa, cho tới nay vụ ám sát Thượng nghị sỹ Robert Kennedy, em trai cố Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ John Kennedy vẫn gây nhiều tranh cãi cho dù đã diễn ra được gần 50 năm. Sirhan Sirhan có quyền nộp đơn xin ân xá sau 5 năm nữa và sát thủ này tiếp tục phải ăn mừng sinh nhật (sinh ngày 19-3-1944, tại Jerusalem, Palestine) trong tù. Và điều đáng nói là giới sử gia cùng các nhà nghiên cứu từng kết luận, Kennedy tuy là một trong những gia tộc danh giá nhất trên chính trường nước Mỹ, nhưng cũng nổi tiếng với những cái chết oan khiên và thảm khốc.

Không thay đổi phán quyết trước

Sau cuộc điều trần kéo dài 3 giờ đồng hồ hôm 10-2, các thành viên trong Hội đồng ân xá bang California đã không chấp nhận lời thỉnh cầu của sát thủ người Palestine, cho dù Sirhan Sirhan đã bước qua tuổi 71. Bởi cho rằng, Sirhan Sirhan không thể hiện sự ăn năn hối lỗi về hành động của mình, khi sát thủ vẫn tuyên bố: không còn nhớ gì đến vụ nổ súng tại khách sạn Ambassador ở thành phố Los Angeles sau khi Thượng nghị sỹ Robert Kennedy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang California. 

Đồng thời nhấn mạnh, đã uống quá nhiều rượu trong buổi tối hôm xảy ra vụ ám sát và tuy bày tỏ sự hối tiếc về những gì đã xảy ra, nhưng vẫn khẳng định ông ta không có tội. Kỷ niệm 30 năm xảy ra vụ ám sát Thượng nghị sỹ Robert Kennedy, ngày 8-6-1998, khi thụ án tại nhà tù Corcoran ở California, Sirhan Sirhan 1 lần nữa tuyên bố mình vô tội.

Sirhan cho biết ông ta không còn nhớ gì đến vụ nổ súng tại Khách sạn Ambassador.

Cũng tại cuộc điều trần hôm 10-2, ông Paul Schrade, 91 tuổi, một người bạn của gia đình Kennedy và là một trong số 5 người bị thương trong vụ ám sát Thượng nghị sỹ Robert Kennedy hôm 6-6-1968 đã khai với Hội đồng ân xá bang California rằng, Sirhan Sirhan là người đã bắn mình, còn kẻ nổ súng thứ hai mới gây ra cái chết của em trai cố Tổng thống John Kennedy. 

Lời khai của ông Paul Schrade càng củng cố những tin đồn cùng nghi ngờ trước đây và cho tới nay, dư luận Mỹ vẫn tồn tại các nghi vấn và giả thiết cho rằng, có nhiều kẻ liên quan tới cái chết của ứng cử viên tổng thống Robert Kennedy. Hơn 3 năm trước (thượng tuần tháng 12-2012), diễn viên nổi danh Hollywood Robert Francis Vaughn tuy đã 79 tuổi, nhưng bài viết trên tờ Daily Mail (Anh) khi đó vẫn gây chấn động vì cho rằng, kẻ chủ mưu vụ ám sát ông Robert Kennedy, em trai cố Tổng thống John Kennedy là "Vua tàu biển" Onassis. 

Gần 8 năm trước (5-6-2008), nhân kỷ niệm 40 năm sau cái chết của Thượng nghị sỹ, Mỹ từng công bố những bức ảnh được chụp ngay sau khi ông Robert Kennedy bị bắn tại khách sạn Ambassador ở thành phố Los Angeles. Những bức ảnh này do Harold Burba, lính cứu hoả của Cơ quan phòng cháy Los Angeles (LAFD) chụp, được gửi tới tòa án Los Angeles sáng hôm sau vụ ám sát và được LAFD lưu giữ kể từ năm 1968 đến nay.

Theo giới truyền thông, vụ ám sát ông Robert Kennedy (tên gọi đầy đủ là Robert Francis "Bobby" Kennedy) diễn ra sau khi Thượng nghị sỹ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ở 2 bang California và Nam Dakota. Và khi đó, Sirhan Sirhan đã bắn ông Robert Kennedy, lúc Thượng nghị sỹ đi qua khu bếp của khách sạn Ambassador và nạn nhân đã chết tại bệnh viện Good Samaritan sau khi được chuyển tới đây. 

Trước đó, ông Robert Kennedy và các nạn nhân được đưa tới bệnh viện Central Receiving ở gần đó. Và các bác sỹ tìm thấy những vết thương sau tai, cùng vết bỏng xung quanh đó và điều này cho thấy, ông Robert Kennedy đã bị bắn ở cự ly rất gần. Do đó, nạn nhân được chuyển gấp lên bệnh viện Good Samaritan để điều trị, nhưng ông Robert Kennedy đã chết vào hồi 1h44' ngày 6-6-1968. 

Kể từ khi xảy ra vụ ám sát đến nay, ông Robert Kennedy là Thượng nghị sỹ thứ hai (sau ông Huey Long) bị chết khi quyết định chạy đua vào Nhà Trắng. Và sau cái chết của ông Robert Kennedy, cơ quan chức năng đã quyết định nâng cao việc bảo vệ ứng viên tổng thống. 

Bởi khi đó, mặc dù gần như là ứng viên sáng giá nhất của đảng Dân Chủ trong cuộc đua trở thành ông chủ Nhà Trắng, nhưng Thượng nghị sỹ Robert Kennedy vẫn không được bảo vệ tương xứng với vị thế của mình, và án mạng đã xảy ra. Thi thể ông Robert Kennedy được đặt tại nhà thờ Saint Patrick ở New York 2 ngày trước khi an táng hôm 8-6-1968 và được chôn gần ngôi mộ của cố Tổng thống John Kennedy tại nghĩa trang quốc gia Arlington.

Bí ẩn không lời giải

Sau khi bắt Sirhan Sirhan, cảnh sát cùng nhân viên FBI đã bao vây ngôi nhà số 696 East Howard, Pasadena, nơi sát thủ đang sống cùng mẹ và các em. Tại đây, họ đã tịch thu một số vật chứng liên quan tới vụ ám sát. Khi đó, người ta gọi sát thủ Sirhan Sirhan là tù nhân John Doe và hắn tỏ ra lịch sự, sẵn sàng hợp tác, trả lời các câu hỏi, nhưng không hề tỏ ra lo lắng, hối hận về tội ác của mình vì luôn cho rằng, ám sát ông Robert Kennedy là việc làm hoàn toàn đúng đắn! Sau khi bị buộc tội, Sirhan Sirhan đã yêu cầu gặp luật sư của Liên minh tự do dân sự Mỹ, để nhờ họ làm đại diện hợp pháp cho hắn tại tòa. 

Nhưng tại phiên tòa hôm 2-8-1968, Sirhan Sirhan đã kiên quyết không nhận tội, khiến vụ án trở nên phức tạp và căng thẳng. Ngày 7-1-1969, một phiên tòa khác lại khai đình và Sirhan Sirhan được kêu gọi nhận tội, để đổi lấy mức án chung thân, không phải tử hình. Ngày 14-4-1969, phiên tòa xét xử kẻ ám sát Thượng nghị sỹ Robert Kennedy kết thúc, và ngày 25-5-1969, Thẩm phán Walker kết án tử hình đối với Sirhan Sirhan. 

Nhưng sau đó bản án được giảm còn tù chung thân vào năm 1972 bởi Tòa án Tối cao bang California tuyên bố, hình phạt tử hình đối với Sirhan Sirhan là vi hiến. Vài tuần sau khi phiên tòa kết thúc, tờ Los Angeles đăng bài viết của 2 nhà báo Lillian Casetellano và Floyd Nelson, đề cập tới khả năng xuất hiện "tay súng thứ 2" tại hiện trường vụ ám sát. Và người có khả năng trở thành hung thủ thứ 2 có thể là Thane Egene Cesar, vệ sỹ của ông Robert Kennedy.

 Hiện trường vụ ám sát ông Robert Kennedy.

Cho tới nay, cái chết của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy vẫn là bí ẩn và là vụ ám sát gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bởi người ta từng tuyên bố, vụ ám sát ông Robert Kennedy đã xảy ra với một động cơ hết sức đơn giản - trả thù cá nhân, và cái chết của Thượng nghị sỹ này sẽ rơi vào quá khứ nếu không xuất hiện các bằng chứng cho thấy, thủ phạm bị thôi miên cùng 3 người đàn ông bí ẩn trong vụ án này. 

Nhà văn George Plimpton, người tham gia bắt sát thủ khi đó từng nói với cảnh sát rằng, Sirhan Sirhan có vẻ không hoàn toàn nhận thức được việc làm của mình, có thể hắn đã bị thôi miên. Ông Lawrence Teeter, luật sư cho Sirhan Sirhan cũng cho rằng, thân chủ của mình đã bị thôi miên khi thực hiện vụ ám sát ông Robert Kennedy. 

Theo giới truyền thông, tại thời điểm đó, đảng Dân chủ không hề giấu giếm ý định muốn ông Robert Kennedy trở thành ứng viên tổng thống bởi họ cho rằng, chỉ có dòng họ Kennedy mới có thể đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa Richard Nixon trong cuộc đua vào Nhà Trắng diễn ra vào tháng 11-1968. Nhưng ai đó không muốn điều này diễn ra và điều tồi tệ nhất xuất hiện.

Nhiều người Mỹ coi đây là sản phẩm của âm mưu chính trị. Thậm chí có người còn cho rằng, đây là sản phẩm của CIA bởi Sirhan Sirhan không phải là hung thủ duy nhất và hắn cũng không phải là kẻ duy nhất bóp cò súng hướng về ông Robert Kennedy. Người ta phát hiện trên hành lang khách sạn Ambassador có nhiều vết đạn hơn số có thể bắn ra từ khẩu súng của Sirhan Sirhan. Không ai lý giải tại sao và bằng cách nào mà 8 viên đạn được bắn ra chỉ từ 1 khẩu súng lục nhỏ - 3 viên trúng người ông Robert Kennedy, 5 viên còn lại trúng 5 người khác và tạo ra 3 lỗ khoan trên tường gạch men, cũng như trên khung cửa gỗ nhà bếp. Theo các chuyên gia, số đạn được bắn ra lên tới 13 viên, trong khi súng của Sirhan Sirhan chỉ có 8 viên đạn. 

Điều tra viên Thomas Noguchi là người tham gia khám nghiệm tử thi ông Robert Kennedy, và trong báo cáo dài 62 trang, nhân viên này cho rằng, trong 3 viên đạn trúng người, viên đạn khiến Thượng nghị sỹ thiệt mạng đã đâm vào xương, làm đứt các động mạch não... Nhưng theo kết luận của chuyên gia y tế (sau khi khám nghiệm tử thi), ông Robert Kennedy đã bị bắn từ phía sau, và chi tiết này không được cơ quan chức năng quan tâm, chú ý trong suốt quá trình điều tra. Trong khi các nhân chứng đều khẳng định, Sirhan Sirhan đứng trước mặt nạn nhân. Trung sỹ William Jordan là người đầu tiên thẩm vấn Sirhan Sirhan ngay sau khi vụ ám sát diễn ra.

Phóng viên Shane O'Sullivan, người viết kịch bản phim về vụ ám sát ông Robert Kennedy cho rằng, có nhiều chi tiết cho thấy, đã có 3 nhân viên cấp cao CIA tham gia vào vụ án này, trong đó có David Sanchez Morales, nhân vật từng xuất hiện trong nhiều chiến dịch bí mật của CIA. Bởi Shane O' Sullivan nhận ra David Sanchez Morales đã có mặt ở cuối gian phòng ở khách sạn Ambassador vào thời điểm bài phát biểu của ông Robert Kennedy kết thúc. Khoảng nửa giờ sau, 1 bức ảnh cho thấy, David Sanchez Morales đang đi lại trong căn phòng, bên cạnh người có bộ ria nhỏ (Gordon Campbell từng làm việc tại căn cứ JM-Wave năm 1963). Và người thứ 3 là George Joannides, từng lãnh đạo bộ phận chiến tranh tâm lý tại căn cứ JM-Wave.

Nhiệm Bình-Mạnh Phong
.
.
.