Tội phạm ma túy quốc tế thay đổi cấu trúc và tẩu tán tài sản

Thứ Năm, 30/12/2021, 10:38

Đưa “những hoàng đế ma túy” ra trước công lý Mỹ đã được xem là một phần quan trọng trong kho vũ khí chống băng đảng của chính quyền Washington. Các chuyên gia bật mí rằng đằng sau những cuộc họp báo phô trương dành cho các tay trùm “máu mặt” như El Chapo là cả một ngành công nghiệp với sự tham gia của các luật sư đắt giá cùng những tay buôn người cơ hội luôn chăm chăm tìm đường để thoát thân.

Khi tội phạm học cách giảm nhẹ tội

Gần 13 năm và cách xa 1.300 dặm từ những con phố đầy rẫy bạo lực ở Medellín, giờ đây “cựu bố già” Carlos Mario Aguilar đang tái hoàn lương ở miền Nam Florida (Mỹ). Trùm tội phạm người Colombia có biệt danh “Rogelio” đã thoát khỏi quá khứ đẫm máu để hưởng cuộc sống an nhàn trong một cộng đồng cổng kín tường cao sang trọng, và có một việc làm mới trong công ty hậu cần. Trong khi gia đình các nạn nhân hiếm khi nhìn thấy công lý được thực thi, thì Rogelio lại là một kẻ tự do nhờ làm được một việc mà đám buôn lậu ma túy Colombia sợ hết vía: đối mặt với công lý Mỹ.

Kể từ khi Tổng thống Richard Nixon phát động cuộc chiến ma túy cách đây 50 năm, trường hợp của Rogelio khiến người ta buộc phải thừa nhận rằng một trụ cột quan trọng của chính sách chống ma túy Mỹ đã không còn như mục đích ban đầu. Cái gọi là “tróc nã đầu sỏ” đã định hình vào thập niên 1990 nhằm loại trừ “các đại ca” ra khỏi mạng lưới tội phạm và giữ những kẻ này ở Mỹ thay vì bị trừng phạt ở quê nhà.

Ngày hôm nay những kẻ buôn lậu ma túy đã học được cách bảo tồn tài sản cho gia đình, trong khi nhận mức án nhẹ hơn. Một số tiền bị tịch thu đã bù đắp cho chi phí chống ma túy của Mỹ, còn các quốc gia sở tại chỉ nhận một phần nhỏ không đáng kể. Một cuộc điều tra do Tòa hình sự quốc tế (ICC) tổ chức bằng cách dùng dữ liệu thu thập ở Colombia và Mexico cho thấy dẫn độ đã trở thành một trò chơi có lợi cho tội phạm có quan hệ tốt.

ICC đã tổng hợp 37 trường hợp dẫn độ tách biệt của những tay buôn lậu ma túy Mexico và Colombia trong giai đoạn 2005-2015. Trong số 37 trường hợp thì có 23 trường hợp đang thụ án 10 năm hoặc ít hơn trong hệ thống nhà giam Mỹ; chỉ có 2 trường hợp nhận án chung thân. Thời hạn tạm giam ngắn nhất từ 1 đến 3 năm, 1 bị cáo cấp cao chỉ “bóc lịch” đúng 8 tháng trước khi được trục xuất trở lại Colombia và chịu án thêm ít tháng nữa. Giờ đây, thay vì chọn cách trốn tránh, nhiều trùm giang hồ lại đi lặng lẽ và hợp tác với giới chức Mỹ bằng cách chỉ điểm những đồng minh và kẻ thù của họ. Một số trường hợp đầu hàng ở nước thứ ba, và chọn cách phòng thủ của riêng họ với chính quyền Mỹ.

Tội phạm ma túy quốc tế thay đổi cấu trúc và tẩu tán tài sản -0
Daniel ‘El Loco’ Barrera, một trong những kẻ buôn lậu ma túy bị truy nã gắt gao nhất Colombia được cảnh sát dẫn độ ở sân bay Simon Bolivar tại Caracas (Venezuela) vào ngày 14 tháng 11 năm 2012. Ảnh nguồn: Reuters/Carlos Garcia Rawlins.

Các cựu quan chức thi hành pháp luật cao cấp giải thích rằng việc đưa ra những mức án khoan hồng cho những đối tượng muốn hợp tác (ngay cả những kẻ đó phạm tội ác ở quê nhà) thì có thể giúp triệt phá các tổ chức tội phạm. Nhưng nhiều cựu binh chống ma túy thì nói rằng chiến lược dẫn độ và các hình thức khác đã mất bớt hiệu quả khi các băng đảng đa tầng đã không còn tập trung nữa. Những băng này cũng buôn bán phụ nữ, hàng hóa khác, tống tiền các doanh nghiệp và tài trợ cho các mỏ vàng bất hợp pháp. 

Thỏa thuận hợp tác mật

Tại một khu dân cư hạng sang ở Boca Raton (Palm Beach, Florida), các bậc phụ huynh lái BMW và các dòng xe thể thao đang đợi bên ngoài một trường tiểu học để đón con. Hầu như không ai hay biết rằng Carlos Mario Aguilar (biệt danh Rogelio) đang sống nhiều năm ở một trong những ngôi nhà triệu đô tại đó.

Trong 2 thập niên 1990 và 2000, Rogelio đã làm việc với Oficina de Envigado (Văn phòng Envigado), đội tấn công và thu hồi nợ nần của Medellín thuộc về “bố già” Diego Murillo, người có biệt danh Don Berna. Trong thời gian đó, Rogelio cũng làm việc với Lực lượng phòng vệ thống nhất Colombia (AUC), một biệt đội tử thần bán quân sự với quân số 3 vạn thành viên có hợp tác với Oficina.

Khi Don Berna bị dẫn độ sang Mỹ vào tháng 5-2008, các tài liệu của chính phủ Colombia cho thấy Rogelio là người thay Don Berna để đứng đầu Oficina. Bộ Tư pháp Mỹ nhìn nhận băng Medellín đang tiếp tục chuyên biệt hóa các hoạt động “rửa tiền, tống tiền và giết mướn”. Cuối năm 2008, Rogelio đầu hàng người Mỹ theo một thỏa thuận hợp tác mật. Rogelio lần đầu đáp máy bay tới Argentina, kế đó là Panama, nơi y bắt chuyến bay thương mại đến Mỹ và đầu hàng, trong khi chính quyền Colombia không hay biết gì. Hồ sơ Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy vào năm 2015, tức sau khi thụ án hơn 7 năm, Rogelio đã được phóng thích. Hồ sơ của Rogelio vẫn là một bí ẩn kín khi nó được một thẩm phán niêm phong.

Ông Michael S. Vigil, cựu Giám đốc hoạt động quốc tế của Cơ quan thực thi ma túy Mỹ (DEA) cho rằng việc khoan hồng cho Rogelio không có gì bất thường.  Các tài liệu pháp lý cho thấy Rogelio có thẻ tín dụng và sống trong một tòa nhà sang trọng ở Boca Raton sau khi ra tù. Rogelio mang ơn chị gái mình (Cruz Elena Aguilar, một công tố viên người Colombia trong thập niên 1990 và sau đó sang Mỹ). Trong một đoạn phát sóng trên W Radio ở Colombia, Cruz Elena thừa nhận mình đã giúp cho Don Berna tìm một luật sư Mỹ. Còn các nguồn pháp lý từ Mỹ khẳng định rằng Cruz Elena làm công tác hỗ trợ cho những kẻ buôn người có ý định đầu hàng.

Tội phạm ma túy quốc tế thay đổi cấu trúc và tẩu tán tài sản -0
Sơ đồ mạng lưới các thủ lĩnh của Oficina de Envigado trong năm 2006. Carlos Mario Aguilar (biệt danh Rogelio) ở ngoài cùng bên phải. Thứ hai từ trái qua là “bố già” Diego Murillo (biệt danh Don Berna). Ảnh nguồn: Justice and Peace Tribunal, Colombia.

Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống Vincente Fox (2000-2006), chính quyền Mexico từng nhiều lần chùn bước trong việc dẫn độ những kẻ buôn lậu sang Mỹ vì khả năng cao là các bị cáo sẽ chịu án tử hình, việc này nằm ngoài hiến pháp Mexico. Kế nhiệm Vincente Fox từ năm 2006, Tổng thống Felipe Calderón tuyên bố cuộc chiến chống buôn lậu ma túy của mình. Năm 2008, ông hợp tác với Mỹ theo Sáng kiến Merida (thỏa thuận an ninh xuyên quốc gia nhắm tới “ngăn chặn ma túy, rửa tiền, giảm sản xuất và triệt xóa các băng đảng tội phạm”.

Là đại sứ Mexico tại Mỹ từ năm 2007 đến năm 2013, ông Arturo Sarukhan đã ký nhiều lệnh dẫn độ nhằm loại bỏ “đầu sỏ” trong các băng đảng và “các xúc tu” mở rộng trong những nhà tù Mexico. Trong một động thái nhằm chứng tỏ Mexico coi trọng Sáng kiến Merida, Tổng thống Calderón đã dẫn độ hàng chục kẻ buôn lậu sang Mỹ.

Đáng chú ý trong đám giang hồ bị dẫn độ có tên Osiel Cárdenas Guillén (kẻ đứng đầu băng Gulf của Mexico) hùng cứ ở bang Tamaulipas. Cárdenas bị dẫn độ sang Mỹ vào năm 2007, tới năm 2010 y bị tuyên án 25 năm và bị tịch thu 50 triệu USD tiền mặt và nhà cửa; nhưng có thể sẽ được phóng thích vào năm 2024. Ông Arturo Fontes, một cố vấn an ninh đã nghỉ hưu sau 28 năm làm việc cho FBI, nói: “Việc dẫn độ các bố già đã tạo ra sự rạn nứt của băng Gulf và Zetas, tăng thêm bạo lực lan tràn khắp Mexico. Nhiều người chết cả bên biên giới”. Giống như Rogelio, hồ sơ dẫn độ của Cárdenas là một bí ẩn.

Mặc dù chính phủ Mỹ và cảnh sát địa phương đã tịch thu khoảng 50 triệu USD từ Cárdenas và số tiền 29,5 triệu USD được chia sẻ bởi các điệp viên liên bang, thì thực tế cay đắng là người Mexico không nhận được xu nào. Khác với Colombia, Mexico không có quỹ trung ương mà qua đó tài sản tội phạm có thể bị tịch thu và chia sẻ giữa các quốc gia gửi và nhận khi tham gia dẫn độ. Colombia và Mỹ có thỏa thuận về phân phối tài sản tội phạm bị tịch thu dựa trên mức độ tham gia của mỗi quốc gia.

Tội phạm ma túy quốc tế thay đổi cấu trúc và tẩu tán tài sản -0
Joaquin “El Chapo” Guzman ngồi trong trực thăng của cảnh sát liên bang Mexico tại Đặc khu liên bang Mexico vào ngày 22 tháng 2 năm 2014. Ảnh nguồn: Reuters/Henry Romero.

Cuộc chiến không hồi kết

Những năm gần đây, những đại ca có “số má” bị dẫn độ (sau khi đầu hàng hoặc bị bắt) đã trở thành một dòng chảy lớn. Hiến pháp mới của Colombia từ năm 1991 đã đình việc dẫn độ công dân nước này. Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ có từ năm 2001 thì chỉ có 12 người Colombia được dẫn độ sang Mỹ từ năm 1997 đến năm 2001, hầu hết là các tội liên quan đến ma túy. Kể từ đầu thập niên 2000, Colombia đã gửi 14 lãnh tụ bán quân sự từ AUC (có bao gồm Don Berna) sang Mỹ. Dữ liệu do Colombia tổng hợp cho thấy từ giữa năm 2008 và 2018, Mỹ đã đề nghị dẫn độ 1.156 kẻ buôn lậu bị tình nghi từ Colombia, và đã được phê chuẩn.

Về phía Mexico, theo dữ liệu của Đại học San Diego thì từ năm 2003 đến 2016 đã có 770 bị cáo Mexico được dẫn độ sang Mỹ. Và đỉnh điểm là vụ dẫn độ El Chapo trong năm 2017. Giới chức Mỹ từ chối khoan hồng cho El Chapo và tuyên y án chung thân. Mặt khác, theo ông Yesid Reyes (cựu Bộ trưởng Tư pháp Colombia) thì các tổ chức tội phạm đã hủy mô hình băng đảng lớn như Medellín và Cali. Colombia giờ đây có nhiều băng nhỏ.

Cựu đại sứ Mexico tại Mỹ, Arturo Sarukhan, nhấn mạnh rằng việc túm đầu sỏ của các băng đảng không giúp dập tắt buôn lậu ma túy, mà cần một chiến lược giảm nhu cầu ma túy ở các nước tiêu thụ, cũng như triển khai các tay sai tài chính để phá vỡ tài chính của các băng giang hồ. Ông Óscar Naranjo, cựu tướng cảnh sát và từng là Phó Tổng thống Colombia, cho rằng các tổ chức tội phạm không còn phụ thuộc vào cấu trúc chỉ huy theo chiều dọc mà chuyển sang hoạt động như những tổ chức manh mún.

Tội phạm ma túy quốc tế thay đổi cấu trúc và tẩu tán tài sản -0
Cảnh sát liên bang Mexico tịch thu nhiều tiền của các thành viên băng đảng Norte del Valle Cartel (Colombia). Ảnh nguồn: Reuters/Daniel Aguilar.

Bà Laura Borbolla, công tố viên Mexico chuyên về tội dẫn độ trong thời kỳ của “bố già” Calderón nói rằng Mỹ có “những quy tắc rất dễ dãi theo kiểu như nhận tội, trả  lợi nhuận ma túy và sẽ được an toàn. Ngoài ra, nếu anh chịu cho chúng tôi thông tin về những người điều phối và chúng tôi sẽ chống lại hành vi này một cách hiệu quả ở nước anh thì anh sẽ được giữ lại tài sản”. Những thỏa thuận của Mỹ trong nỗ lực dẫn độ Rogelio đang làm trầm trọng thêm nỗ lực theo đuổi công lý của các nạn nhân ở Colombia.

Ông Michael S. Vigil, cựu Giám đốc hoạt động quốc tế của DEA, tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng đừng nên gọi là cuộc chiến chống ma túy mà là chiến dịch thường xuyên về ma túy. Trừ phi chúng ta làm giảm nhu cầu ma túy, nếu không sẽ lại có một nước khác trở thành nguồn cung ma túy thay thế cho Mexico lẫn Colombia”.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.
.