Quảng cáo lừa đảo bán hàng online: Một lần bất tín, vạn lần bất tin

Thứ Ba, 29/10/2024, 15:13

Trong những năm gần đây, mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, tình trạng lừa đảo bán hàng online cũng trở nên ngày càng phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nghìn lẻ chiêu thức lừa đảo bán hàng online

Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất là các trang web hoặc tài khoản mạng xã hội giả mạo các cửa hàng, thương hiệu nổi tiếng để lừa đảo người mua. Các trang này thường tạo ra giao diện giống thật, đưa ra những khuyến mãi hấp dẫn, giá cả rẻ hơn nhiều so với thị trường để thu hút khách hàng. Sau khi người mua thanh toán, họ hoặc không nhận được sản phẩm, hoặc nhận phải hàng kém chất lượng, không đúng mô tả. 

Ngoài ra, nhiều kẻ gian còn lợi dụng các sàn thương mại điện tử lớn để đăng bán các sản phẩm giả, nhái. Người tiêu dùng thường bị lừa bởi những hình ảnh quảng cáo bắt mắt, nhưng khi nhận hàng thì lại nhận phải sản phẩm không đúng chất lượng như cam kết.

Quảng cáo lừa đảo bán hàng online: Một lần bất tín, vạn lần bất tin -0
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm tại một kho hàng livestream “khủng”.

Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Lan (trú tại tổ 1 Văn Phú, Phú La, Hà Đông, Hà Nội) đặt mua đôi giày “hàng hiệu” tại một shop trên Shopee. Khoảng 3 ngày sau, chị Lan nhận được cuộc gọi từ một người nói là nhân viên chuyển phát của hãng vận chuyển Giao hàng nhanh hẹn giao món hàng mà chị đặt. Không chút nghi ngờ, chị Lan chuyển cho shipper số tiền gần 2 triệu đồng và nhờ người thân nhận hộ gói hàng. Nhưng, khi về mở hộp hàng ra, chị Lan tá hỏa phát hiện thay vì đôi giày mới tinh, hàng hiệu thì đôi giày không đúng chủng loại, lại là hàng cũ đã bị trầy xước nhiều chỗ.

Chị Lan đăng nhập tài khoản của mình trên app (ứng dụng), kiểm tra tình trạng đơn hàng thì phát hiện đơn mua của mình đã được giao cho đơn vị vận chuyển. Tuy nhiên, hàng vẫn nằm tại kho trung gian và chưa giao cho shipper. Chị Lan thắc mắc, không biết tại sao shipper kia lại biết được thông tin về đơn hàng của chị để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một trường hợp khác, chị Đặng Ngọc Linh (trú tại tập thể Học viện Tài chính, đường Hoàng Công Chất, Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đặt mua 3 hộp sữa tại một shop, cũng trên sàn Shopee. Chủ shop nói với chị rằng đặt trên ứng dụng sẽ mất thời gian hơn nên nhờ chị hủy đơn, shop sẽ ship trực tiếp hàng đến cho chị, kèm thêm khuyến mại. Tin lời, chị Linh đã cho số điện thoại và địa chỉ nhận hàng. Khi shipper vận chuyển hàng đến, người nhà chị Linh nhận và thanh toán đầy đủ số tiền anh ta yêu cầu. Song, chỉ đến khi chị Linh mở gói hàng mới tá hỏa khi thấy thay vì 3 hộp sữa trị giá nhiều triệu đồng thì chỉ là mấy viên đá kèm đống giấy lộn. Liên hệ lại với chủ shop thì shop không một lời hồi đáp.

Anh Lê Minh Hải (Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội) lại có kỷ niệm nhớ đời với sàn thương mại điện tử Lazada. Anh Hải đặt một chiếc máy hút bụi dành cho xe hơi. Tuy nhiên, khi nhận được thì máy... vô tác dụng, không thể hoạt động được. Anh Hải gửi phản hồi cho shop, song mất hàng tháng trời nhắn đi nhắn lại, đơn hàng của anh vẫn không được đổi trả hay hoàn tiền.

Tương tự, anh Nguyễn Quang Sáng (Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội) lên mạng đặt mua chiếc bình xịt hơi cay với giá 600 nghìn đồng. Khi nhận hàng, anh Sáng đang dở việc nên cũng không kiểm tra, hơn nữa bản thân anh nghĩ những thể loại hàng kiểu này chắc không có vấn đề gì. Nhưng, đến tối, khi mở gói hàng ra anh Sáng đã rất sốc khi cái mình cầm trên tay chỉ là chiếc bình giữ nhiệt, giá chỉ vài chục nghìn đồng. Bức xúc gọi điện và nhắn tin đến shop thì cái anh nhận được chỉ là sự im lặng.

Không chỉ lừa đảo trên các sàn thương mại hay các shop online mà ngay cả những phiên livestream quần áo với hàng trăm, thậm chí cả nghìn người xem vẫn xảy ra tình trạng lừa đảo. Thông thường, trong các phiên livestream này, người bán hàng đều khẳng định các sản phẩm của họ là tốt nhất, uy tín nhất, giá rẻ nhất hoặc “số lượng có hạn, chỉ còn vài chục sản phẩm cuối cùng”, “chỉ trong trong 1 giờ livestream”... Phía dưới những tài khoản là hàng trăm lượt tương tác với những bình luận đề nghị chốt đơn hàng hoặc khen sản phẩm dùng rất tốt; cùng với đó là hàng trăm chia sẻ,... thực sự khiến người theo dõi bị thu hút, kích thích và nhanh chóng đưa ra quyết định chốt đơn hàng. 

Chị Phạm Thúy Hồng, một viên chức có sở thích xem livestream mua hàng. Bất cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi chị Hồng cũng tranh thủ vào xem livestream để săn hàng mới hoặc hàng giảm giá. Sau bao ngày theo dõi một trang bán túi “hàng hiệu”, chị Hồng mạnh dạn bỏ ra gần 20 triệu để mua một chiếc túi second hand (hàng đã qua sử dụng) được quảng cáo là “siêu phẩm”. Nghe chủ shop quảng cáo là hàng mới dùng được 1-2 lần, vẫn còn như mới và rẻ được đến 10 triệu so với hàng đập hộp. Nhưng, mua về dùng mới được hơn một tháng thì túi đã có dấu hiệu bị nổ. Nghi ngờ chiếc túi là hàng giả, chị Hồng phản hồi với shop thì bị chặn tin nhắn. Đến lúc này chị mới biết mình đã bị lừa.

Nhiều kẻ xấu lợi dụng sơ hở của khách khi công khai thông tin cá nhân trong các đợt livestream, một số đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng giả danh chủ shop gọi điện để chốt đơn ngay khi khách cung cấp thông tin đặt hàng hoặc tạo tài khoản mạng xã hội có tên, hình ảnh tương tự như của shop nhắn tin cho khách để chốt đơn. Các đối tượng còn yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước để đặt hàng rồi chiếm đoạt...

Mua hàng xịn nhận hàng dỏm

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện một nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa bán điện thoại di động giá rẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có thông báo tìm bị hại bị lừa mua iPhone dỏm. Từ thông tin người dân cung cấp, trình báo, mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã tìm ra Bùi Thị Hương (43 tuổi, ngụ xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là chủ mưu, cầm đầu đường dây. 

Theo đó, Hương tuyển dụng và đào tạo nhân viên để lập các gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, TikTok, Tiki, chạy quảng cáo, livestream và tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Nhóm này đăng tải hình ảnh của điện thoại thông minh chính hãng với giá chỉ từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giao hàng cho khách thì lại là sản phẩm giả.

Cuối tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã bắt giữ 9 đối tượng. Trong đó, Đặng Thị Thêm (sinh năm 1995, trú phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) cùng chồng Lê Quang Vinh (sinh năm 1993, trú phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là 2 đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo này. Mở rộng điều tra, Cơ quan công an xác định đối tượng Thêm là mắt xích trong đường dây lừa đảo do Bùi Thị Hương chủ mưu.

Khám xét các địa điểm, Cơ quan công an thu giữ nhiều thiết bị điện tử, hàng chục điện thoại di động, máy in vận đơn, máy khò nhiệt, máy ép nhiệt, thẻ bảo hành giả, hơn 100 điện thoại di động chất lượng kém.

Mở rộng đấu tranh, cơ quan điều tra xác định Thêm là mắt xích trong đường dây lừa đảo của Hương. Tuy nhiên, cuối năm 2022, Thêm tách ra cùng chồng lập một đường dây hoạt động lừa đảo riêng. Còn tại Hà Nội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp cơ quan chức năng tổ chức 3 mũi trinh sát đồng loạt bắt và khám xét 3 địa điểm.

Cụ thể, tổng kho hàng của Hương được đặt tại khu đô thị Vân Canh. Ngoài ra, còn có căn hộ của kế toán Trần Thị Hiền (phụ trách cho Hương) ở đường Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm.

Quảng cáo lừa đảo bán hàng online: Một lần bất tín, vạn lần bất tin -0
Đào Văn Đôn bị cơ quan CSĐT - Công an huyện Thanh Oai bắt giữ.

Quá trình khám xét kho hàng của Hương, Cơ quan công an phát hiện có hàng nghìn hộp điện thoại được sắp kín từ tầng 1 đến tầng 3, hàng trăm bộ dây sạc, sạc dự phòng và các thiết bị di động giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như iPhone, Samsung, Dell, Vivo...

Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Hương khai nhận từ tháng 6/2022 khởi nghiệp kinh doanh điện thoại di động trên Shopee nhưng không thành công. Để giải quyết tình hình, Hương bàn với Nguyễn Minh Đức, 37 tuổi (trú tại Hưng Yên) về việc thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Cụ thể, Hương đã sử dụng nền tảng Taobao.com để đặt mua các sản phẩm là dây sạc, sạc dự phòng và các loại điện thoại giả từ Trung Quốc, đồng thời, chỉ đạo Đức mua hộp đựng và túi nilon bọc ngoài hộp đựng, ghép lại với nhau thành các sản phẩm giả, có trọng lượng tương đương với hàng thật nhằm lừa người mua tin rằng đó là hàng chính hãng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu giữ 20 máy tính các loại cùng khoảng 3.000 điện thoại chất lượng kém, hàng giả. Được biết, đường dây này hoạt động từ năm 2019 đến nay, ước tính lừa đảo khoảng 7.000 bị hại trên cả nước, chiếm đoạt khoảng hơn 90 tỉ đồng.

Ngày 11/6, Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đào Văn Đôn, sinh năm 1987, trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đào Văn Đôn là quản lý kho hàng của Công ty TNHH Chuyển phát nhanh An Lạc, là công ty vận chuyển, phân phối hàng hóa cho sàn thương mại điện tử Lazada.

Do cần tiền chi tiêu cá nhân, lợi dụng vị trí việc làm của bản thân là quản lý kho hàng của Công ty TNHH chuyển phát nhanh An Lạc, nên Đôn nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản đặt mua trên mạng đưa về kho hàng mình đang làm quản lý.

Để chuẩn bị cho hành vi chiếm đoạt tài sản, Đôn cho cát vào túi nilon có khóa nhựa, tìm kiếm địa chỉ in niêm phong giả thương hiệu Lazada. Đôn lên mạng tìm và thuê người đặt 135 đơn hàng mua điện thoại Samsung Galaxy S24 Ultra về các địa chỉ của huyện Thanh Oai. Mỗi đơn hàng này, Đôn trả cho người thuê từ 7.000-10.000 đồng.

Ngày 23/4, 135 đơn hàng điện thoại Samsung Galaxy S24 Ultra và quà tặng kèm được chuyển đến kho hàng do Đôn quản lý. Cùng ngày, Đôn nói với nhân viên của kho sẽ mang số hàng hóa này về nhà cất cho an toàn vì buổi tối ở đây không có bảo vệ.

Toàn bộ 135 đơn hàng điện thoại Samsung Galaxy S24 Ultra và quà tặng kèm được Đôn bê lên thùng xe tải của kho hàng, mang về nhà bố mẹ vợ ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tại đây, Đôn lấy các công cụ đã chuẩn bị trước gồm túi cát, tem giả Lazada, dao rọc giấy, máy sấy, thực hiện thao tác lấy điện thoại ra, cho túi cát vào bên trong hộp điện thoại, dán niêm phong và sử dụng tem Lazada giả dán vào. 

Sau đó Đôn bê lại các sọt hàng nên xe tải và điều khiển xe tải về kho hàng, để số sọt hàng “điện thoại giả” vào vị trí giữa kho hàng rồi về nhà. Sau 2 ngày, tổng số điện thoại mà Đôn tráo đổi được là 99 chiếc điện thoại di động Samsung Galaxy S24 Ultra. Số điện thoại tráo đổi được, Đôn đã mang về nơi ở của mình cất giấu.

Trong 3 ngày từ 23 đến 25/4, hai nhân viên giao hàng gọi điện thoại cho khách đặt hàng mua điện thoại Samsung Galaxy S24 Ultra đều không liên lạc được. Số hàng trên được nhân viên của Lazada đến nhận và vận chuyển về kho của Lazada tại khu công nghiệp Sài Đồng B - Long Biên. Tại đây, nhân viên của Lazada tiến hành kiểm tra lô hàng hoàn về thì phát hiện 99 chiếc điện thoại Samsung Galaxy S24 Ultra đã bị tráo đổi thành túi cát.

Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo bán hàng online, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin cửa hàng. Nên mua hàng từ những nguồn đáng tin cậy, có địa chỉ rõ ràng và uy tín. Trước khi mua, người tiêu dùng nên đọc kỹ các đánh giá từ khách hàng khác và kiểm tra các dấu hiệu đáng nghi như giá quá rẻ hoặc trang web mới lập. Người tiêu dùng cần tỉnh táo để không bị cuốn vào các chiêu trò quảng cáo “giá rẻ bất ngờ” hay khuyến mãi “khủng”.

Phong Anh
.
.
.