Nội tình vụ bắt cóc con gái duy nhất của Nữ hoàng Elizabeth II
Khoảng 8 giờ tối ngày 20-3-1974, công chúa Anne và chồng (mới cưới nhau được 4 tháng) đang đi về hướng cung điện Buckingham sau khi tham dự một buổi chiếu phim từ thiện. Nữ thị tì ngồi đối diện với vợ chồng công chúa ở phía sau chiếc xe Rolls-Royce Limousine màu hạt dẻ được đánh dấu phù hiệu Hoàng gia, và trên ghế hành khách là cận vệ của công chúa: James Wallace Beaton, một thành viên của SO14, đơn vị chuyên trách bảo vệ các thành viên Hoàng gia.
Khi người tài xế lái xe xuống trung tâm mua sắm thì một chiếc Ford Escort màu trắng đã vọt qua và dừng cách cung điện 200 thước. Một gã râu ria với màu tóc màu đỏ nhạt bước ra khỏi xe, tay lăm lăm 2 khẩu súng ngắn, áp sát phía sau chiếc Limousine. Từ cách đó 6 bước chân, tay súng đã bắn một viên đạn ghim vào vai phải viên cận vệ. Với mục đích bắt cóc công chúa Anne, Ian Ball, 26 tuổi, đã nhắm chủ đích vào thành viên hoàng gia nổi tiếng nhất của ngày hôm đó.
Kẻ dám tống tiền Nữ hoàng
Vào tháng 11-1973, công chúa 23 tuổi đã kết hôn với một thường dân: Mark Phillips, một đại tá trong quân đội Anh. Hai người đã gặp nhau thông qua những buổi đua ngựa. Đám cưới của họ thu hút 2.000 quan khách, báo The New York Times hé lộ rằng khán giả xem qua truyền hình lên tới 500 triệu, là “việc chưa từng có” đối với một đám cưới.
Vào đêm xảy ra vụ bắt cóc công chúa Anne, SO14 đã chỉ định một cảnh sát bảo vệ công chúa, và sau đó lại cũng chỉ có 1 cận vệ tháp tùng Nữ hoàng Elizabeth II trong các chuyến đi không chính thức ra vào nơi ở của nữ hoàng tại thời điểm đó. Mặc dù Ian Ball rõ ràng là không thể biết được tuyến đường của chiếc Limousine vào tối hôm đó, song điện Buckingham đã công khai về sự hiện diện của công chúa Anne tại sự kiện, vô tình tạo điều kiện dễ dàng cho kẻ nào đó theo dõi chiếc Rolls-Royce khi nó hộ tống cô từ nhà hát trở về vào tối đó.
Ian đã thuê một chiếc xe bằng tên John Williams, và sau đó cảnh sát đã tìm thấy 2 cặp còng tay, thuốc an thần Valium cùng một lá thư đòi tiền chuộc được gửi cho Nữ hoàng.
Cuộc đấu súng nghẹt thở
Mặc dù có rất ít cảnh sát Đô thành London mang súng, nhưng những người được giao trọng trách bảo vệ hoàng gia đều mang theo vũ khí tự động. Beaton cố gắng bắn Ian Ball, nhưng vết thương trên vai khiến ông bất lực. Sau phát súng đầu tiên, súng của Beaton bị kẹt. Ball quay sang ghế cửa sau của ghế tài xế và bắt đầu lắc nó. Công chúa Anne ngồi ở phía khác. “Có mở ra không, tao bắn!” - Ball hét to đầy giận dữ.
Khi công chúa và chồng Phillips cố hết sức đóng chặt cửa xe thì nữ thị tỳ của Anne đã bỏ ra cửa ở ghế hành khách. Tận dụng cơ hội đó, Beaton đã nhảy vào xe. Anh ta ngồi giữa hai vợ chồng và đối diện với kẻ tấn công họ, khi đó y đang bắn vào xe. Bàn tay của Beaton đã làm chệch hướng viên đạn. Khi đó Ball nổ súng lần thứ ba gây ra một vết thương buộc Beaton rơi ra khỏi xe và ngã xuống đất. Tài xế Alexander Callendar (một trong tài xế của Nữ hoàng Elizabeth II) đã bước ra xe đối đầu với tay súng.
Ian Ball bắn vào ngực tài xế khiến Callender ngã dúi vào lại xe. Đẩy cửa sau xe ra, Ball tóm lấy cẳng tay công chúa trong khi Phillip ôm eo vợ. “Làm ơn, ra khỏi xe. Lệnh bà phải theo tôi”, Ball giục công chúa. Khi hai người đàn ông vật lộn để giành lấy công chúa, chiếc váy của cô bị xé toạc từ trước ra sau.
Thanh tra cảnh sát Michael Hills, 22 tuổi, là người đầu tiên đến hiện trường. Đang tuần tra gần đây thì ông bất ngờ nghe thấy có những âm thanh kiểu như đánh nhau, nghĩ rằng chắc là đánh đấm do tai nạn xe cộ. Ông áp sát Ball và chạm vào vai y. Tay súng xoay người và bắn vào bụng Hills. Trước khi đổ sập, Hills vẫn dùng hết sức để truyền bản phát thanh về trạm của mình. Ronald Russell, một nhân viên vệ sinh, trong lúc đang lái xe từ nơi làm việc đã nhìn thấy hiện trường ở phía bên đường Russell đã đến gần khi thấy Ian Ball đối đầu với cảnh sát Hills.
“Hắn ta cần phải đo đất”, sau này ông Russell nhớ lại hoàn cảnh khi đó. Là một cựu võ sĩ, Russell đã ra đòn để trừng phạt kẻ đã dám làm bị thương cảnh sát. Một người đi xe gắn máy tên là Glenmore Martin, đã đậu xe trước mặt chiếc Ford màu trắng để chặn không cho Ball tẩu thoát. Martin cũng cố gắng đánh lạc hướng Ball nhưng khi tay súng nhằm vào mình, Martin đã quay sang giúp đỡ cảnh sát Hills.
Trong khi đó nhà báo John Brian McCornell của báo Daily Mail đã tiếp cận hiện trường. Nhìn thấy phù hiệu trên chiếc Limousine, linh tính ông cho hay có một thành viên của hoàng gia đang gặp nguy hiểm. McCornell ôn tồn nói với “sát thủ”: “Đừng ngớ ngẩn thế chứ, ông bạn già? Bỏ súng xuống”. Ball đã bắn McConnell khiến nạn nhân ngã xuống đường, giờ là người thứ 3 chảy máu trên vỉa hè.
Sau khi McConnell ngã xuống, Ball quay lại để bắt cho kỳ được công chúa Anne. Từ phía sau, Ronald Russell đã bước đến Ball và đấm vào đầu hắn ta. Trong khi cựu võ sĩ cố gắng đánh lạc hướng tay súng thì công chúa đã với lấy tay nắm cửa ở phía đối diện băng ghế sau. Cô mở nó ra và đẩy mạnh người ra khỏi xe. Công chúa sau đó đã nói với cảnh sát: “Ta nghĩ rằng nếu ra khỏi xe thì y sẽ đuổi theo”. Công chúa đã đúng. Khi Ball chạy quanh chiếc xe để cố bắt công chúa thì bà đã quay lại xe với chồng Phillips và đóng chặt cửa lại.
Kẻ tâm thần gây án
Liền đó Ronald Russell đấm vào mặt Ball. Thêm nhiều cảnh sát lúc đó chứng kiến hành động này. Công chúa Anne nhận thấy rằng sự hiện diện của cảnh sát khiến Ian Ball lo lắng. Và y bỏ chạy. Ông Peter Edmonds, cảnh sát thám tử tạm thời, đã nghe thấy cuộc gọi của cảnh sát Hills về vụ tấn công.
Lúc đến hiện trường trong chiếc xe hơi của mình, Edmonds nhìn thấy một gã đàn ông cầm súng phóng qua công viên St. James. Edmonds liền rượt theo Ball, quăng áo khoác của mình lên đầu Ball, khống chế và tóm cổ y. Nhà chức trách tìm thấy hơn 300 Bảng ở dạng các tờ tiền mệnh giá 10 Bảng trong người Ball. Sau đó, họ biết thêm rằng đầu tháng đó, Ball đã thuê một ngôi nhà trên một con đường cụt ở Hampshire, cách Học viện Quân sự Sandhurst chỉ 5 dặm cũng là ngôi nhà của vợ chồng công chúa Anne.
Ngày hôm sau hàng loạt tiêu đề trên các mặt báo nước Mỹ đã điểm lại những sự kiện đêm qua: “Công chúa Anne đã thoát kẻ ám sát”, “Tay súng đơn độc trong âm mưu bắt cóc hoàng gia”, “Tăng cường an ninh xung quanh Thái tử Charles”. Báo The New York Times viết: “Vì luật Anh hạn chế việc công khai trước khi xét xử nên đa phần dân Anh chỉ biết vụ việc động trời trong một tháng tới hoặc 2 tháng mà họ đã nghe phong thanh”.
Thư ký nội vụ Roy Jenkins hạ lệnh làm một báo cáo điều tra gửi cho Thủ tướng và nói với báo giới rằng cuộc điều tra cần thiết phải “giữ bí mật trên diện rộng”, cả Sở Cảnh sát thủ đô và điện Buckingham đều từ chối bình luận về những tình tiết cụ thể. Cánh nhà báo tranh nhau đưa ra những giả thuyết rằng làm thế nào mà một kẻ thất nghiệp, có vẻ tâm thần, có thể nghĩ ra được kịch bản bắt cóc công phu dường ấy. Một nhân viên văn phòng Bộ Nội vụ nói với phóng viên rằng cảnh sát đã lần ra một máy đánh chữ mà Ian Ball đã thuê đâu đó để viết thư đòi tiền chuộc.
Báo chí đưa tin về một dòng trong bức thư đó “Anne sẽ bị bắn chết”. Những ngày sau nỗ lực bắt cóc, một nhóm tự gọi họ là Phong trào M-LARM đã gửi một lá thư tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc cho tờ Thời báo London (The Times of London). Sở Cảnh sát thủ đô bác mọi kết nối giữa M-LARM với Ian Ball.
Những người khác nhận ra một chủ đề quen thuộc trong nội dung của bức thư đòi tiền chuộc, trong đó Ian Ball bị cáo buộc rằng từng tuyên bố sẽ tặng tiền chuộc của Nữ hoàng cho Dịch vụ y tế quốc gia (NHS). Một tháng trước khi xảy ra vụ bắt cóc, có một nhóm được xác định là Quân đội giải phóng Symbionese (SLA) đã bắt cóc Patricia Hearst. Khi tiếp xúc với gia đình Hearst, SLA tuyên bố sẽ phóng thích Patricia Hearst nếu gia đình tài trợ vài triệu đô la để mua lương thực cho những người California đang đói.
Phát biểu trước Hạ viện Anh, thư ký nội vụ Roy Jenkins tuyên bố: “Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy đây không phải là hành động cô lập của một cá nhân”. Hạ viện nhất trí với đề nghị của ông Jenkins rằng nên tiếp tục giữ cuộc điều tra trong vòng bí mật. Roy Jenkins tuyên bố với báo giới rằng ông đã hạ lệnh tăng cường bảo vệ Hoàng gia, song từ chối bình luận chi tiết. Điện Buckingham phát đi một thông cáo nói rằng “Hoàng gia không có ý định sống trong lồng chống đạn”.
Đứng đầu trong số hoàng gia là công chúa Anne, người đánh giá cao sự riêng tư. Khi Ian Ball ra hầu tòa vào ngày 4-4, luật sư của y nói về tiền sử y mắc bệnh tâm thần, nhưng Ball cũng đưa ra một tuyên bố về động cơ phạm tội của mình: “Tôi muốn làm điều đó chỉ để thu hút sự chú ý đến sự thiếu hụt các cơ sở chăm sóc tâm thần theo chuẩn NHS”.
Ian Ball đã nhận tội âm mưu giết người và tội bắt cóc. Bị kết án chung thân trong một cơ sở sức khỏe tâm thần, Ball đã trải qua phần lớn đời mình tại Broadmoor: một bệnh viện tâm thần có mức độ an ninh cao. Ngay cả sau khi Ian Ball bị tuyên án, công chúng vẫn biết rất ít về Ball, ngoại trừ ngày sinh và năm sinh của hắn ta, cùng các nhân chứng kể lại sự xuất hiện và hành động của gã.
Một ngày sau vụ tấn công, gia đình công chúa Anne trở lại cuộc sống thường nhật tại nhà của họ trong khuôn viên Học viện quân sự Sandhurst. Tháng 9-1974, Nữ hoàng Elizabeth II đã trao tặng Thập tự George, phần thưởng dân sự cao quý nhất của nước Anh cho cận vệ Beaton. Bà cũng trao tặng các Huân chương Thập tự George cho Cảnh sát trưởng Hills và Ronald Russell….
Năm 1983, Sở Cảnh sát thủ đô tái tổ chức Nhánh bảo vệ hoàng gia (RPB) và bổ nhiệm James Wallace Beaton làm giám đốc. Trong cuộc phỏng vấn hồi năm 2006, ông Ronald Russell nhớ lại lời Nữ hoàng Elizabeth II lúc trao huân chương Thập tự George cho mình: “Huân chương này là của Nữ hoàng Anh, lời cảm ơn khanh đến từ mẹ đẻ của Anne”.