Bùng nổ lừa đảo ăn theo đại dịch

Thứ Sáu, 10/09/2021, 21:07

Khó khăn làm lộ ra những cái xấu nhất và tốt nhất trong con người. Đại dịch COVID-19 không phải là ngoại lệ. Trong khi không ít tổ chức, cá nhân đóng góp hết mình cho việc từ thiện, những kẻ lừa đảo lại lợi dụng triệt để tình thế đương thời để làm giàu trên nỗi sợ và sự cả tin của người khác.

Cuộc chiến chống lừa đảo không ngừng lại vì COVID-19. Trái lại, nó đang ngày càng trở nên ác liệt hơn bao giờ hết.

Không từ thủ đoạn nào

Theo một báo cáo công bố vào hồi cuối tháng 7 vừa qua, người dân Anh đã mất tổng cộng 3,54 triệu bảng vì những vụ lừa đảo có liên quan đến COVID-19. Chỉ riêng một cụ bà sống tại hạt North Yorkshire đã mất 1.000 bảng cho bọn lừa đảo mời chào tiêm vaccine. Chúng mặc đồng phục của nhân viên y tế địa phương đến gõ cửa từng nhà  và đưa ra yêu cầu người dân đóng tiền tiêm chủng và một số khoản phí khác. Đây chỉ là một ví dụ cho thấy vấn nạn lừa đảo thời đại dịch đã lên đến mức cực kỳ nghiêm trọng.

Giáo sư hình sự Ichiro Sheffield của đại học Chicago cho biết: “Việc các đối tượng bất lương lợi dụng tình hình cấp bách của xã hội để lừa đảo không phải chuyện lạ. Vấn đề là chưa bao giờ toàn thể xã hội lại phải chịu áp lực nặng nề về cả mặt vật chất lẫn tinh thần như hiện nay. Những kẻ lừa đảo không khó tìm thấy những nạn nhân đang gặp cảnh khó khăn tuyệt vọng mà lợi dụng họ!”

Bùng nổ lừa đảo ăn theo đại dịch -0
Ở Anh đã xảy ra không ít vụ lừa đảo bằng cách giả dạng nhân viên y tế địa phương.

Cảnh sát Ấn Độ gần đây đã triệt phá một đường dây lừa đảo qua điện thoại tại khu ngoại ô Malad West của thành phố Mumbai. Nhà báo Jayesh Dubey, người đã theo dõi tổ chức này và báo tin cho cảnh sát, cho biết: “Cùng trong một tòa nhà mà đã có đến tận sáu, bảy văn phòng được bọn lừa đảo sử dụng. Từ 50 đến 70 đối tượng ngồi trong cùng một phòng gọi điện liên tục. Trong một tối chúng có thể kiếm từ 70.000 đến 80.000 đôla!”.

“Chiêu bài” của các đối tượng lừa đảo trên là lừa nạn nhân đưa tiền để “cò mồi” tìm giúp máy thở và bình khí oxy. Trong bối cảnh đất nước thiếu hụt thiết bị y tế nghiêm trọng dẫn đến tình trạng hai, ba người  Ấn Độ phải thở chung một máy, cho nên không ít bệnh nhân và người nhà đã mắc bẫy bọn lừa đảo vì lo sợ cho tính mạng của người thân khi họ mắc bệnh. Thậm chí một số trường hợp cả tin còn mất cả thông tin cá nhân lẫn số tài khoản của mình.

Việc lừa đảo đang trở nên dễ hơn bao giờ hết. Nhà báo Jayesh Dubey viết tiếp: “Tôi chỉ cần mua năm cái máy tính xách tay, một máy chủ, và vài cái điện thoại là đã đủ thiết bị để bắt đầu lừa đảo rồi. Sau đó tôi chỉ cần thuê năm người gọi điện và danh sách tên tuổi, số điện thoại của nạn nhân tiềm năng với giá 2 USD…Thật chẳng có gì khó hiểu khi càng ngày có nhiều ổ lừa đảo qua điện thoại!”

Bùng nổ lừa đảo ăn theo đại dịch -0
Các cụ già là đối tượng thường bị bọn lừa đảo nhắm tới.

Thông tin trở thành món hàng

Ngoài lừa đảo người trong nước, các đối tượng ở Ấn Độ còn gọi điện ra nước ngoài để thực hiện hành vi bất lương của mình. Vậy nhưng mục tiêu của chúng không chỉ đơn giản là tiền, mà là thông tin cá nhân. Theo điều tra của cảnh sát Mumbai, ổ nhóm lừa đảo qua điện thoại đã tập hợp được một danh sách chứa đến hơn 3.000 tên người ở Mỹ, Canada, Anh và Úc. Điều đáng sợ hơn là ngoài tên, tuổi, điện thoại chúng còn lấy được các thông tin cá nhân quan trọng như địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân, số an sinh xã hội, v.v…

Trong bối cảnh các hoạt động hành chính, tài chính qua mạng được thúc đẩy nhằm phòng chống đại dịch, có được những thông tin nói trên cũng giống như đào trúng mỏ vàng vậy. Chỉ riêng trong quý 2 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã nhận được gần 589.000 đơn khiếu nại từ việc bị ăn trộm danh tính cá nhân. Trong đó có tới 73% là những vụ sử dụng danh tính ăn trộm để mua hàng nợ. Và khoảng 18% còn lại là những vụ ăn trộm tiền hỗ trợ của nhà nước. Ước tính các nạn nhân đã mất tổng cộng 545,3 triệu USD.

Bang Los Angeles, Mỹ đang “nóng” lên trước phiên xét xử nhóm lừa đảo do Richard Ayvazyan, 42 tuổi điều hành đường dây gồm y, vợ y, em trai và em dâu. Richard Ayvazyan đã mua thông tin cá nhân của người dân sống tại Los Angeles từ các đối tượng lừa đảo ở Ấn Độ và Philipine. Sau đó bốn kẻ lừa đảo mạo danh những người này gửi đơn yêu cầu được nhận tiền hỗ trợ đại dịch hoặc rút tiền trong ngân hàng dưới danh nghĩa chủ tài khoản. Chúng đã lừa được tổng cộng 18 triệu USD. Số tiền này được chúng dùng để mua biệt thự nhìn ra biển, vàng bạc, đá quý, quần áo hàng hiệu. Và một chiếc xe máy hiệu Harley-Davidson.

Bùng nổ lừa đảo ăn theo đại dịch -0
Trong khi nhân dân Ấn Độ đang khốn khổ vì COVID-19, những kẻ lừa đảo lại đang giàu to ở nước này.

Đối tượng thường xuyên bị lừa đảo nhiều nhất là những người cao tuổi. Người già không những cả tin, mà họ còn vô cùng thiếu cẩn thận với thông tin cá nhân của mình. Mới đây một sinh viên xã hội học tại đại học Helsinki, Phần Lan đã tự mình thực hiện một thí nghiệm. Anh này lập ra một trang web quảng cáo tặng miễn phí máy xay sinh tố. Chỉ trong vòng một tháng đã có hơn 500 người cho trang web thông tin cá nhân của mình. Điểm đáng chú ý là những người trên 60 tuổi là đối tượng để lộ nhiều thông tin cá nhân khác. Nếu trang web được lập ra vì mục đích xấu, chắc hẳn sẽ có rất nhiều những người cao tuổi phải chịu tổn thất vô cùng lớn mà không biết kêu ai được.

Các ngân hàng đang đào tạo đội ngũ nhân viên để nhận ra những giao dịch có phần khả nghi để cảnh báo khách hàng. Đáng tiếc là chỉ có một số quốc gia như Anh và Pháp có luật bắt buộc ngân hàng phải làm vậy. Chính bản thân các ngân hàng đang vận động chính phủ nước mình ra những điều luật tương tự. Bà Jennifer Ford-Smith, chuyên gia về lừa đảo tài chính và cố vấn của Hiệp hội Ngân hàng Canada, trả lời phỏng vấn như sau: “Hình thức lừa đảo liên tục thay đổi, khách hàng khó có thể nắm rõ được. Chỉ có những nhân viên ngân hàng được đào tạo bài bản mới có khả năng phát hiện dấu hiệu lừa đảo để bảo vệ tiền gửi của khách hàng!”.

Bà Jennifer còn nói đến việc giúp chính khách hàng tự nhận biết dấu hiệu lừa đảo: “Tôi nhận thấy rằng, cho dù chỉ tập huấn cho người thường một hai buổi thôi cũng đã có tác động tích cực trong việc chống lừa đảo. Không tai mắt nào bằng tai mắt của người dân, và không ai tự bảo vệ họ tốt hơn chính họ… Trong khi đại dịch đang hoành hành, ngân hàng nên nghiêm túc xem xét việc đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, đưa thông tin đến với mỗi gia đình để tạo ra sự “miễn dịch cộng đồng” đối với nạn lừa đảo!”.

Khi tất cả cùng vào cuộc

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) mới đây đã đưa ra cảnh báo về những cuộc gọi tự động và quảng cáo online giới thiệu bộ test thử tại nhà hoặc thuốc chữa COVID-19. Hiện nay trên toàn thế giới chưa hề có bất kỳ sản phẩm nào như thế được cấp phép lưu hành rộng rãi. FTC ban hành cảnh báo trên sau khi họ cảnh cáo 7 công ty quảng cáo sai sự thật và có dấu hiệu lừa đảo. Trong đó có những cái tên lớn trong ngành thực phẩm chức năng như N-ergetics, GuruNanda và Herbal Army. Các tập đoàn đa quốc gia này lợi dụng danh tính chính những khách hàng của mình để lừa đảo. Họ còn sử dụng người nước ngoài để lừa đảo tại Mỹ với mục đích làm khó cho các cơ quan chức năng nước này.

Bùng nổ lừa đảo ăn theo đại dịch -0
Kẻ lừa đảo Richard Ayvazyan.

Bonnie Patten, một quan chức cấp cao của FTC và chủ tịch tổ chức “Trung thực trong quảng cáo”, trả lời báo chí thế này: “FTC và FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đang tìm mọi cách để đưa những cá nhân, công ty lợi dụng đại dịch để quảng cáo những sản phẩm y tế, dược phẩm kém chất lượng. Vậy nhưng nguồn lực của hai cơ quan có hạn. Chúng tôi khó có thể cùng lúc đối đầu với hàng nghìn kẻ bán thuốc giả trên Amazon. Mặt khác việc kiện các doanh nghiệp lừa đảo đang gặp khó khăn trong bối cảnh tòa án ở Mỹ và các quốc gia khác!”.

Ngoài vấn đề khung pháp lý và quy trình pháp luật chưa đáp ứng được xu hướng lừa đảo qua mạng, số lượng những vụ lừa đảo hiện nay đã vượt quá khả năng xử lý của các cơ quan có thẩm quyền. Đấy là chưa kể  tới việc các biện pháp dãn cách xã hội đặt ra nhiều rào cản cho hoạt động điều tra. Mới đây Cơ quan Điều tra Lừa đảo thuộc bộ Tư pháp Canada đã phải đưa ra thông báo tuyển dụng gấp chuyên gia điều tra lừa đảo. Họ sẵn sàng nhận cả những người chỉ có bằng cấp nhưng không có kinh nghiệm. Chắc chắn sau khi đại dịch đã qua đi, nhiều nước sẽ phải tìm cách cải tổ và tăng cường lực lượng chống lừa đảo của mình.

Trước sự bất lực của các cơ quan chức năng, nhiều người bình thường đã tìm những cách riêng của mình để bảo vệ cộng đồng, đơn cử như  streamer Kitboga. Trước sự chứng kiến của 7.000 khán giả online, Kitboga sử dụng máy giả giọng để lật tẩy những kẻ lừa đảo. Anh gọi điện cho họ giả làm người già hay nhân viên y tế cần tìm thuốc chữa COVID-19. Kitboga tìm cách “giữ chân” đầu dây bên kia càng lâu càng tốt để có thể lần ra vị trí của những kẻ lừa đảo rồi mới nói hết ra sự thật với chúng. Kẻ lừa đảo không những mất thời gian và thêm phần bực tức mà còn bị báo với cảnh sát.

Kẻ lừa đảo lớn nhất mà Kitboga góp phần đưa ra ánh sáng là một đường dây chuyên bán dầu thảo dược. Họ làm giả trang web các tờ báo lớn rồi đăng những bài viết kiểu như “Mẹ ba con vượt qua COVID-19 nhờ dầu thảo dược”. Bản thân bà ngoại của Kitboga bị mắc chứng mất trí nhớ đã mất hơn 500 đôla cho bọn lừa đảo. Kitboga đã phải mất gần một tuần để tạo dựng niềm tin với những kẻ lừa đảo và lấy được địa chỉ của chúng giao cho cảnh sát. Sau khi bị giới chức trách bắt giữ, những kẻ có liên quan hiện đang được tòa xét xử với các tội danh như: “Buôn bán sản phẩm dược liệu không có giấy phép”, “Đóng giả cơ quan truyền thông” và “Quảng cáo sai sự thật”, v. v...

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.