Nữ cán bộ Công an với nhiệm vụ làm "tử thi lên tiếng"

Thứ Hai, 14/11/2022, 09:17

Đã hàng trăm lần chị phải bóc da tay của tử thi cuốn vào ngón tay mình lăn vào chỉ bản, nếu không có nghị lực, không vượt qua nỗi sợ hãi thì một người phụ nữ như chị khó làm được một công việc bình thường nhưng lại phi thường ấy. Người phụ nữ đó là Thượng tá Nguỵ Thị Mai Hoa, giám định viên trung cấp Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Tuyên Quang.

Công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đến với chị như một định phận, Hơn 30 năm gắn bó với công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bằng kết quả giám định của mình, Thượng tá Nguỵ Thị Mai Hoa đã cùng đồng đội làm cho các "tử thi lên tiếng", góp phần quan trọng vào phá nhiều vụ án.

Nữ cán bộ Công an với nhiệm vụ làm
Thượng tá Nguỵ Thị Mai Hoa ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ giám định dấu vết, giám định đường vân phục vụ công tác điều tra án.

Năm 1987 sau khi học xong lớp sơ học nghiệp vụ Công an tại tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Ngụy Thị Mai Hoa về nhận công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang. Chưa có kiến thức nhiều về kỹ thuật hình sự, nhưng với bản tính năng động, ham học hỏi chị nhanh chóng tiếp cận với công việc khám nghiệm hiện trường. Với bản tính nhút nhát của người phụ nữ, lần đầu tiếp xúc với tử thi là một thử thách quá lớn đối với chị. Sau lần khai quật tử thi đáng nhớ ấy, chị luôn trong tâm trạng bất ổn, lúc nào hình ảnh của tử thi cũng ám ảnh, đeo bám chị hàng ngày. Ngay cả trong giấc ngủ chị cũng bất chợt tỉnh giấc.

Những ngày tiếp theo được sự động viên của đồng đội chị đã vững tin dần lên. Chị luôn tự hỏi tại sao đồng đội hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với tử thi mà mình lại không làm được? Câu hỏi cứ lớn dần lên theo thời gian và như tiếp thêm sức mạnh cho chị. Ngày tháng cứ trôi đi, dần dần chị cũng đã quen với công việc. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo giám định viên về dấu vết đường vân tại Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, chị đã có thêm kiến thức và chuyên sâu về giám định dấu vết đường vân.

Trong quá trình công tác,  đồng chí Ngụy Thị Mai Hoa luôn cố gắng hết sức mình, vừa làm việc, vừa học hỏi, vừa đúc rút kinh nghiệm từ thực tế. Chuyên thu lượm dấu vết vân tay của tử thi và dấu vết vân tay để lại hiện trường vụ án, chị luôn nghiên cứu tìm tòi, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn công tác. Có những lúc đơn vị thiếu người, chị vừa phải thu dấu vết vân tay, vừa chụp ảnh hiện trường, khó khăn không làm chị lùi bước. Nhiều vụ chị và đồng đội phải khám nghiệm tại hiện trường từ chập tối đến sáng hôm sau mới hoàn thành công việc.

Với phương châm giám định viên luôn bám sát hiện trường, dấu vết, bất kể ngày lễ, ngày Tết hay ngày nghỉ có vụ việc xảy ra là chị cùng đồng đội sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Công việc thu dấu vết vân tay của tử thi là một công việc đòi hỏi người giám định viên phải vững về ý chí và tinh thần, có quyết tâm cao mới hoàn thành nhiệm vụ. Đa số các vụ khám nghiệm tử thi đã trong quá trình phân hủy nên việc lấy dấu vân tay gặp rất nhiều khó khăn. Chị luôn đặt câu hỏi làm thế nào để tìm ra thủ phạm, làm rõ sự thật của vụ án, muốn vậy phải biết nạn nhân là ai trong khi nạn nhân không để lại bất kỳ một giấy tờ gì có liên quan đến tung tích.

Năm 1996 tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang phát hiện một vụ chết dưới nước không rõ tung tích, do lâu ngày nên tử thi đã bị lột mất phần da giấy, không lấy được dấu vân tay. Đồng chí Ngụy Thị Mai Hoa đã phải lấy10 đầu ngón tay của nạn nhân mang về để nghiên cứu tìm cách giám định và chị đã có sáng kiến rất hiệu quả để lấy được dấu vân tay của nạn nhân. Đã hàng trăm lần chị đã phải bóc da tay của tử thi cuốn vào ngón tay mình lăn vào chỉ bản. Nếu không có nghị lực, không vượt qua nỗi sợ hãi thì một người phụ nữ như chị không thể làm được một công việc bình thường tưởng nhỏ bé nhưng đòi hỏi phải có nghị lực phi thường ấy.

Khám nghiệm hiện trường vụ án là một công việc đặc biệt khó, dấu vết đường vân tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, bằng con mắt nghề nghiệp và sự nhạy bén sẵn có, Thượng tá Ngụy Thị Mai Hoa thực sự là một chuyên gia trong lĩnh vực phát hiện, thu lượm dấu vết. Trong mỗi vụ việc chị luôn phát hiện và thu lượm đúng, đủ dấu vết để làm giám định. Dấu vết thu được có khi chỉ là một phần của dấu vân tay, vân bàn tay, bàn chân.

Ngoài ra chị phải phán đoán chính xác lối vào, lối ra và hành vi của đối tượng để có phương pháp thu lượm dấu vết phù hợp. Chị luôn phải hàng giờ, thậm chí cả buổi trong phòng kín với nhiều loại hóa chất khác nhau để có kết luận chính xác phục vụ kịp thời công tác điều tra vụ án. Tiếp xúc với hóa chất độc hại có làm cho sức khỏe chị giảm sút nhưng sau mỗi vụ giám định có kết luận chính xác chị lại thấy vui vì mình đã đóng góp một phần công sức để làm sáng tỏ vụ án, buộc đối tượng phạm tội phải khuất phục trước căn cứ khoa học đầy sức thuyết phục. 

Với phương châm làm việc "Thận trọng, tỉ mỉ, khách quan, toàn diện" trong 5 năm trở lại đây Thượng tá Ngụy Thị Mai Hoa đã trực tiếp phát hiện, thu lượm và giám định 670 dấu vết trong 291 vụ án, trong đó quá nửa là các vụ khai quật, giám định tử thi, giám định vân tay tìm tung tích nạn nhân, tất cả đều cho kết luận nhanh và chính xác.

Hơn 30 năm gắn bó với công tác kỹ thuật hình sự, không biết đã bao nhiêu vụ việc nhờ kết quả giám định của Thượng tá Ngụy Thị Mai Hoa mà từ đó điều tra làm rõ vụ án. Cũng không đếm nổi những bước chân của chị và đồng đội trên con đường sự nghiệp mà chị đã vững vàng tiếp bước. Mỗi vụ án đã qua, mỗi thắng lợi của chuyên án đều có sự đóng góp công sức của người nữ giám định viên trung cấp Ngụy Thị Mai Hoa. 19 lần được cấp trên khen thưởng, 2 lần được báo cáo điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc do Bộ Công an tổ chức, chị đã tự khẳng định mình trong cuộc sống và sự nghiệp. Thành công lớn nhất của chị là đã vượt qua được chính mình để bước tiếp trên con đường sự nghiệp mà chị và đồng đội đã tự hào lựa chọn.

Trần Thái
.
.