Những tấm gương đời thường truyền cảm hứng

Thứ Tư, 02/11/2022, 07:01

Những gương điển hình trong chương trình “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng 2022”, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức tối 30/10, đến từ nhiều ngành, nghề, địa phương khác nhau, song đều có một điểm chung, đó chính là việc nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn bản lĩnh, kiên cường, sẵn sàng hy sinh “tận hiến vì dân”.

Họ đã bền bỉ thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, vượt qua khó khăn, thách thức để giữ vững niềm tin và thực hiện khát vọng phát triển đất nước.

Một trong những người như thế là Thiếu tá Bàn Văn Bắc, Trưởng Công an xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Anh cho biết: “Mỗi cán bộ, chiến   sĩ (CBCS) Công an đều mang trong mình niềm khát vọng làm thế nào để người dân luôn được sống trong hòa bình và môi trường ANTT được đảm bảo. Mỗi cá nhân chúng tôi đều luôn sẵn sàng cùng với nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như lời dạy của Bác với CBCS Công an luôn gần gũi với nhân dân, luôn đi sâu đi sát quần chúng nhân dân để được nhân dân tin yêu, hiểu và giúp đỡ”.

co lai.jpg -0
“Người lái đò” Quách Thị Bích Nụ chia sẻ về những “chuyến đò yêu thương” đưa học sinh tới trường.

Anh chia sẻ với phóng viên Báo CAND: “Với vai trò là Trưởng Công an xã, bản thân tôi đã thực hiện 4 cùng với đồng bào: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng đồng bào. Việc vinh dự được tôn vinh là điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vô cùng có ý nghĩa, là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng phấn đấu, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Câu chuyện về học ở Bác tinh thần vì dân phục vụ, chăm lo cho dân từ những việc nhỏ nhất của Thiếu tá Thào Pù Páo (cán bộ Đồn Biên phòng huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai). Lù Dì Sán trước đây từng là thôn “3 không” - không điện, không đường, không nước sạch. Bà con vẫn còn nhiều hủ tục, nạn tảo hôn vẫn diễn ra, tình trạng vượt biên sang diễn ra phức tạp. Năm 2017, Thiếu tá Thào Pù Páo được đơn vị giới thiệu tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Sán Chải, trực tiếp phụ trách thôn Lù Dì Sán.

Thiếu tá Thào Pù Páo đã cùng lãnh đạo thôn và BĐBP vận động bà con phát triển đàn trâu bò, tăng thu nhập. Chỉ sau vài năm, từ phát triển chăn nuôi rộng khắp, Lù Dì Sán đã có nhiều ngôi nhà xây mới khang trang, trị giá vài trăm triệu đồng. Đặc biệt, với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác vận động quần chúng, Thiếu tá Thào Pù Páo đã vận động, cảm hóa Ma Seo Ký, người được bà con trên địa bàn đặt biệt danh “kỷ lục gia vượt biên” ở lại quê hương, trở thành “kỷ lục gia chăn nuôi đại gia súc” trong thôn. Qua đó đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của bà con trong thôn, giảm tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.

Anh chia sẻ với phóng viên Báo CAND: “Việc vinh dự được tôn vinh là điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là động lực to lớn và hết sức quan trọng để chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt công việc của cá nhân mình trên địa bàn biên giới... Không phải là có được sự biểu dương hôm nay là chúng tôi thấy thỏa mãn với thành tích của mình, đó không phải là sự thỏa mãn mà vừa là sự căn dặn chúng tôi cần phải tiếp tục phấn đấu hơn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, làm sao phấn đấu học tập rèn luyện theo đúng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày một thiết thực hiệu quả và ngày một trở thành nhu cầu thực sự  của cuộc sống.”.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho mỗi người dân Việt Nam. Với những ai có may mắn trong đời được gặp Bác, lời Bác dạy đã trở thành kim chỉ nam, tiếp thêm sức mạnh, vực họ đứng lên, đi qua gian khó và tiếp tục thắp lên những ngọn lửa của niềm tin và hi vọng.

Đó là trường hợp Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Tiến, nguyên Giám đốc Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa. Lần đầu tiên được gặp Bác khi vẫn còn cái tên Bùi Thị Hảo, được nghe Bác dạy, thấm thía với câu nói “Các cháu cố gắng học tập thật tốt để sau này phục vụ nhân dân”. Đến nay, ở tuổi gần 80, thay vì nghỉ ngơi, TS Bùi Thị Hồng Tiến, Giám đốc Quỹ Khuyến học, khuyến tài tỉnh Khánh Hòa vẫn cùng hội đồng quản lý quỹ trăn trở, miệt mài làm cầu nối giúp các tân sinh viên nghèo hiếu học được tiếp tục đến trường…

Hay như mô hình “Tủ bánh mỳ 0 đồng” của thầy giáo Vũ Văn Tùng, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), hỗ trợ bữa ăn sáng cho hơn 200 em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại đặt tại khu lẻ điểm trường làng Bi Giông của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp và các trường học lân cận trên địa bàn xã Pờ Tó vào các sáng thứ hai, thứ tư, thứ sáu hằng tuần. Tủ bánh mì này đã giúp các em học sinh ấm bụng mỗi buổi đến trường để học con chữ.

Và không thể không nói đến chuyến đò yêu thương của cô giáo Quách Thị Bích Nụ, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Ruộng, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. 17 năm qua, thầm lặng mỗi sáng, chiều, mưa bão, cô đã cần mẫn chèo lái hàng vạn chuyến đò đưa học sinh vùng hồ Hòa Bình đến trường.

Nhân dân xã Đồng Ruộng sống rải rác ven theo các triền đồi ven bờ sông nên việc đi lại chủ yếu phải sử dụng thuyền. Chính vì vậy, tỷ lệ học sinh chuyên cần không cao. Khi được phân công về học việc tại xóm Nhạp của Trường Mầm non Đồng Ruộng, cô Nụ đã có ý kiến với các hộ gia đình là sẽ tình nguyện đưa đón các em đến trường để phụ huynh yên tâm.

Năm 2017, trận mưa lũ lịch sử quét qua xã Đồng Ruộng gây hậu quả vô cùng nặng nề, trong đó có gia đình cô Nụ. Toàn bộ nhà bè, lồng cá trên sông của gia đình cô mất trắng. Với tinh thần vượt khó, cô vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, hằng ngày vẫn đều đặn những chuyến đò đưa các em đến trường.

Mỗi người con đất Việt nỗ lực từng ngày - kết thành bức trường thành vững chắc cho Tổ quốc. Vượt ra khỏi biên giới của đất nước, người Việt Nam luôn khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tài năng của mình - trở thành những sứ giả của hòa bình và tiến bộ.

Điều này phần nào được thể hiện trong câu chuyện 8 năm tham gia gìn giữ hòa bình của Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chị là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam xung phong đi làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Nam Sudan. Tháng 5/2022, chị lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Nam Sudan với vai trò là Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 4...

Cùng với việc khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chị còn tích cực, chủ động tổ chức và tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo ở Nam Sudan, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo đói. Kết thúc nhiệm kỳ công tác, chị đã được Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan tặng thưởng 2 Huy chương vì sự hòa bình và ổn định của Liên hợp quốc…

Khổng Hà-Xuân Trường
.
.