Khắc ghi lời Bộ trưởng căn dặn để tạo sự chuyển mình rõ rệt của bản làng biên cương

Thứ Hai, 18/10/2021, 08:55

"Tôi đã công tác tại Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp từ năm 2012, được lãnh đạo tin tưởng giao đảm trách nhiều nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới.

Tuy nhiên, các hoạt động tham mưu, đề xuất của mình vẫn còn thiếu thực tiễn. Việc điều động cán bộ công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ về Công an xã biên giới, trọng điểm, phức tạp về ANTT là cơ hội mà Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã mở ra cho những cán bộ trẻ như tôi...".

Niềm tin lính trẻ ngày rời thành phố

Khắc ghi lời Bộ trưởng căn dặn để tạo sự chuyển mình rõ rệt của bản làng biên cương -0
Trung úy Trần Nam Sơn (bìa trái) cùng đồng đội ở Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Trên đây là những dòng chữ chân thành, mộc mạc của Đại úy Khuất Bảo Trung, cán bộ Phòng 5, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp thể hiện trong "Đơn xung phong". Khi bài báo này được đăng tải thì anh cùng gần 400 cán bộ tăng cường về xã đều đã có mặt tại địa bàn được phân công. Ba ngày qua, những chuyến xe của Công an các địa phương chở đầy hy vọng đã đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đón các đồng chí từ cơ quan Bộ về cơ sở; những chuyến bay mà điểm đáp đã có cán bộ tổ chức địa phương chờ tiếp nhận; những cái bắt tay, lời chào tạm biệt, lời chúc lên đường mạnh khỏe, "chân cứng đá mềm", hoàn thành tốt nhiệm vụ... tạo nên không khí rộn ràng của một đợt tăng cường CBCS về nơi trọng yếu.

Dù cán bộ tăng cường đợt này đều là những người trẻ (từ 24 đến 34 tuổi) nhưng tinh thần sẵn sàng đã toát lên từ trong suy nghĩ, hành động của họ. Như Đại úy Khuất Bảo Trung lý giải, anh có bác ruột là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ, một bác là Đại tá Quân đội nhân dân, chú ruột là Thiếu tướng và bố đẻ là Đại tá CAND, đã từng công tác, chiến đấu tại nhiều địa bàn khó khăn, gian khổ. Nên, hơn ai hết anh mong muốn được tiếp bước truyền thống gia đình, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng, Tổ quốc và nhân dân cần đến. Hai con còn nhỏ (cháu lớn hơn 5 tuổi, cháu nhỏ 2,5 tuổi) anh đành phó thác cho vợ, bởi ông bà hai bên cũng đã già yếu.

"Từ khi cưới, vợ đã xác định tư tưởng, chồng đứng trong hàng ngũ CAND thì sẽ sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ. Lần này vợ có hơi lo lắng, nhưng mình chuẩn bị tốt mọi thứ và động viên nên vợ yên tâm", anh chia sẻ.

Sáng sớm 16/10 lên đường đi xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nghĩa là tối hôm trước anh đã phải chào tạm biệt hai con. Những cái ôm thật chặt của con trẻ bi bô tối hôm đó và hình ảnh hai con say ngủ trong chăn ấm, đệm êm lúc tinh mơ sẽ theo anh lên biên giới, tiếp thêm động lực để anh bám địa bàn, hòa nhập với công việc ở một nơi "lạ nước, lạ cái".

Khắc ghi lời Bộ trưởng căn dặn để tạo sự chuyển mình rõ rệt của bản làng biên cương -0
Đại úy Khuất Bảo Trung (giữa) trong một lần tham gia hoạt động từ thiện.

Do có lợi thế công tác tại Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp nên hành trang anh mang theo ngoài tư trang, vật dụng cá nhân còn có một số tài liệu về Công an xã, đặc biệt là cuốn sách "Văn hóa ứng xử của Công an xã" của Nhà xuất bản CAND vừa ra mắt - "cẩm nang" giúp anh nghiên cứu, học tập để thích nghi, phù hợp với môi trường mới.

Khác với Đại úy Khuất Bảo Trung, Đại úy Hoàng Chí Anh đang là "lính phòng không", chưa vướng bận gia đình. Nhưng anh cho biết đang rất yêu thích công việc hiện tại ở Cục Kỹ thuật nghiệp vụ với không khí làm việc, lãnh đạo và đồng nghiệp tâm lý, tạo điều kiện... "Khi được thông báo chủ trương, tôi đã tình nguyện xung phong với mong muốn đem hết sức mình, vận dụng những kinh nghiệm đã học hỏi, đúc rút được từ lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ để phối hợp với Công an địa phương thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm ANTT; xây dựng, củng cố phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ bình yên, hạnh phúc cho nhân dân trên địa bàn", anh bày tỏ.

Chọn về xã để thay đổi môi trường, để rèn luyện, thử thách bản thân, cũng là một sự hy sinh nhất định khi những mục tiêu phấn đấu, mơ ước hiện tại phải tạm dừng. Song các cán bộ cũng bày tỏ tin tưởng, hưởng ứng chủ trương chung của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, hiểu rằng đây là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ triển khai nhằm sắp xếp lại tổ chức bộ máy phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; góp phần quan trọng cùng toàn lực lượng thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

"Tự hào là một trong những CBCS được Bộ Công an điều động, tăng cường về địa bàn xã biên giới, trọng điểm, phức tạp về ANTT trong đợt này, tôi coi đây là một cơ hội quý báu để trau dồi, tôi luyện bản thân khi được tiếp cận với thực tiễn", Thượng úy Nguyễn Tiến Trung, cán bộ Ban Điện tử, Bí thư Chi đoàn Báo CAND, Cục Truyền thông CAND tâm sự.

Trong quá trình công tác, với chuyên môn về truyền thông, báo chí, thủ lĩnh Đoàn sinh năm 1994 này đã nhiều lần tiếp cận hình ảnh các CBCS Công an tại cơ sở thông qua các bức ảnh, thước phim, cũng như được làm việc với bà con trong những dịp đi công tác. Tuy nhiên, đợt tăng cường lần này là một trải nghiệm hoàn toàn mới khi anh được trực tiếp "bám dân, bám địa bàn", tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con vùng biên, qua đó có thể tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo đơn vị, địa phương nhiều chủ trương mới, góp phần tạo chuyển biến tích cực về ANTT tại cơ sở.

Nỗ lực để chuyển biến địa bàn

Theo Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an, trên cơ sở tiêu chí, số lượng cán bộ được phân bổ, đến nay 52/52 đơn vị trực thuộc Bộ đã lập danh sách cử 391 cán bộ (vượt 2 cán bộ) về Công an các xã. Qua tổng hợp có 73 đồng chí thuộc 17 đơn vị có đơn tình nguyện xung phong; có đơn vị cử số lượng vượt chỉ tiêu Bộ giao là Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng với 27 cán bộ/25 chỉ tiêu. Đơn vị có số lượng cán bộ tăng cường nhiều nhất là Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) với 31 đồng chí.

Khắc ghi lời Bộ trưởng căn dặn để tạo sự chuyển mình rõ rệt của bản làng biên cương -0
Đại úy Hoàng Chí Anh (bìa phải) và Thượng úy Nguyễn Tiến Trung là hai trong số cán bộ tăng cường đợt đầu tiên.

Là một trong 10 cán bộ vinh dự được đại diện lên bục nhận quà của Bộ trưởng Tô Lâm lại buổi gặp mặt chiều 15/10, Thượng úy Nông Anh Toàn (SN 1989), cán bộ Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao, Bộ Tư lệnh CSCĐ rưng rưng xúc động. "Vinh dự lắm, vì có phải ai cũng được Bộ trưởng trao tận tay thế đâu. Hai hôm nay mình mày mò tìm hiểu, làm quen với máy tính bảng để khi đến địa bàn có thể sử dụng ngay vào công việc", anh hào hứng kể.

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là người dân tộc Tày ở huyện Na Hang, Tuyên Quang, từ nhỏ Thượng úy Toàn đã thông thạo cả tiếng Tày và tiếng Kinh, hiện anh có thể giao tiếp thêm bằng tiếng Dao. Do đó, được điều động về xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang thì ngôn ngữ dường như không phải là trở ngại đối với anh trong việc làm quen địa bàn. Song tiếp cận, học hỏi công việc của một cán bộ Công an xã, trải nghiệm thực tế là điều quan trọng nhất sau chục năm gắn bó với công việc bảo vệ mục tiêu các đại sứ quán ở Thủ đô.

Trong số những cán bộ tăng cường đợt này, Thượng úy Nông Văn Toàn có hoàn cảnh khá đặc biệt khi bố bị tai biến, vừa mất đột ngột dịp tháng 5 vừa qua. Nhà có hai anh em, anh trai lập gia đình ở riêng, giờ mẹ chỉ còn một mình ở quê nhà. Đặc thù công việc tại đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, lại trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 nên nhiều tháng liền anh không được về thăm mẹ, lần gần đây nhất cũng là dịp nghỉ chịu tang bố. "Xác định lên đây nhiều khó khăn, mẹ thương nhưng cũng ủng hộ, vì mẹ muốn mình va vấp, trưởng thành hơn. Thương mẹ, ngày nào mình cũng gọi điện hỏi thăm, động viên mẹ, nỗ lực từng ngày để đền đáp", anh tâm sự.

Sáng sớm 17/10, khi nghe điện thoại của phóng viên thì Trung úy Trần Nam Sơn (SN 1993), cán bộ Trại tạm giam T16, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thức dậy ở một nơi xa, đó là xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Quê Thái Bình, vợ con ở Hà Nội, công việc gắn với văn phòng, trại giam quanh năm suốt tháng nên anh chưa có cơ hội trải nghiệm thực tế, do vậy khi nghe tin về việc tăng cường Công an xã, anh đã làm đơn.

"Nhớ mãi từ khi vào ngành, mình đã đặt bút viết đơn tình nguyện "đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì" nên ngay lúc này Bộ có chủ trương, xã đang cần người thì mình về thôi. Mới về cứ ngỡ là xa lạ, nhưng Công an tỉnh đón tiếp nhiệt tình, giúp đỡ mình nhiều lắm, tình cảm như bát nước đầy", Trung úy Sơn vui vẻ nói. Vậy là gác lại hạnh phúc riêng tư với gia đình nhỏ, hai con thơ nhờ ông bà ngoại giúp đỡ, anh lên đường về với thôn, bản.

Khắc ghi lời Bộ trưởng căn dặn để tạo sự chuyển mình rõ rệt của bản làng biên cương -0
Thượng úy Nông Anh Toàn và Thượng úy Trần Quốc Doanh trên đường lên Hà Giang nhận nhiệm vụ mới.

Phát biểu động viên và giao nhiệm vụ cho gần 400 cán bộ tăng cường về Công an xã biên giới, trọng điểm, phức tạp về ANTT chiều 15/10, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu mỗi cán bộ khi về địa bàn phải nắm bắt ngay tình hình, bắt tay ngay vào công việc, xác định mình sẽ làm được gì cho địa bàn, cho bà con nhân dân nơi ấy, để sau hai năm có thể tự nhìn nhận, đánh giá lại kết quả, góp phần cùng địa phương tạo sự đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt mục tiêu của mình. Bộ trưởng căn dặn, phải có mối quan hệ thật tốt với quần chúng, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là với Công an xã, Công an xã bán chuyên trách, những già làng, trưởng bản, người có uy tín, bởi đây là những chỗ dựa quan trọng để giúp mình triển khai thuận lợi các mặt công tác.

"Về địa phương, các đồng chí phải khiêm tốn, học hỏi, phối hợp, đồng thời "nói đi đôi với làm", thực chất là hành động cụ thể. Mong rằng, tình hình địa bàn vùng biên giới nói chung, những nơi trọng điểm, phức tạp sẽ chuyển biến tích cực về ANTT; những địa bàn gian khổ, khó khăn sẽ chuyển thành an ninh, an toàn khi có dấu chân các đồng chí để lại", Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng.

Đã có nhiều cán bộ làm đơn và nhiều cán bộ không làm đơn nhưng luôn tình nguyện tuân thủ sự phân công, điều động của tổ chức. Tất cả đang rời phố, rời trung tâm để tỏa ra nơi biên giới, trọng điểm chung tay, góp sức giữ bình yên phên giậu Tổ quốc, đồng thời nỗ lực in dấu lên sự chuyển mình của bản làng, thôn xóm như mong muốn của người đứng đầu Bộ Công an đã tâm huyết dặn dò, gửi gắm hôm nay...

Quỳnh Vinh
.
.