Phạm nhân được xét đặc xá tại trại giam Hồng Ca (Cục V26):

Gần lại ngày về

Thứ Ba, 25/08/2009, 09:37

Phó Giám thị Trại giam Hồng Ca (Cục V26 - Bộ Công an), Thiếu tá Trần Văn Tải không cần nhìn giấy vẫn đọc vanh vách từng cái tên trong số 69 phạm nhân được đề nghị xét đặc xá dịp 2/9 tới đây.

Mỗi cái tên - Một cuộc đời

Trước cửa mỗi buồng giam tại Trại Hồng Ca đều niêm yết công khai tên tuổi những người đủ điều kiện được xét đặc xá kèm theo cả tỷ lệ phiếu bầu của chính các phạm nhân.

"Tiêu chuẩn xét đặc xá đã được phổ biến từ lâu, bản thân phạm nhân cũng thuộc nằm lòng rồi. Đối chiếu với những cái gạch đầu dòng đã quá chi tiết đó, họ sẽ tự nghiên cứu, rồi bỏ phiếu kín bình chọn cho nhau", Đại úy Vũ Văn Hưởng - Phó đội trưởng Đội giáo dục cười tươi nói. "Phạm nhân bây giờ rất ý thức được quyền của mình, lại nắm chắc các quy định, nên trong quá trình xét đặc xá, giả dụ có dấu hiệu nào đó bất thường, chưa thỏa đáng, họ sẽ lập tức "ý kiến", bày tỏ thái độ ngay", Đại úy Hưởng giải thích thêm.

Tại Trại Hồng Ca, dù trên 50% phạm nhân là người dân tộc thiểu số, một phần trong đó chưa hề nhận biết được mặt chữ quốc ngữ, nhưng áp dụng các điều khoản xét đặc xá vào trường hợp của cá nhân mình, thì tất cả vẫn tỏ tường, am hiểu. Có tên trong danh sách đương nhiên là vui và ngập tràn hạnh phúc, nhưng nếu chưa thể hội tụ các yếu tố theo yêu cầu, những người ở lại cũng an lòng chấp nhận và tự nhủ: Mình cần cố gắng nhiều nữa, tích cực cải tạo tốt hơn để sẵn sàng chuẩn bị cho lần sau.

Đây chắc chắn là những ngày đọng nhiều dấu ấn nhất của Hà Văn May trong hơn hai năm qua. Sinh năm 1992, May là phạm nhân trẻ nhất tại Trại Hồng Ca được đề nghị xét đặc xá. Năm 2007, vừa qua tuổi 15, Hà Văn May đã a dua chúng bạn, đem tuổi thanh xuân của mình "đặt cược" vào một tội lỗi cực kỳ đáng lên án. Bản án 3 năm 6 tháng tù giam mà TAND huyện Than Uyên (Lai Châu) tuyên xử đầu năm 2008 đã đưa cậu thiếu niên người dân tộc Thái tới Trại Hồng Ca. Vẫn hồn nhiên và chân chất, May luôn chăm chỉ lao động, nhập tâm những lời thủ thỉ tâm tình của các quản giáo để xóa nhòa mặc cảm, tích cực học tập những mong sớm được trở về với bố mẹ, với dân bản.

Ở lô đội khác, nhưng Tưởng Văn Cường cũng phạm cùng tội danh như May. Ít nói lại hay bẽn lẽn, Cường chỉ xăm xắn làm việc, tham gia các hoạt động của Trại, gắng gượng đi qua một đoạn đời buồn. Tháng 8 năm ngoái, khi trận lũ lụt lịch sử nhấn chìm một phần đất rộng lớn của tỉnh Yên Bái, cùng các cán bộ chiến sỹ trong Trại, Cường và nhiều phạm nhân khác đã đằm mình giữa dòng nước dữ, kịp thời giúp đỡ cho bà con quanh vùng. Trong một khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc, Cường phản xạ tức thì, quăng mình xuống dòng nước xiết, giành lại mạng sống cho một người dân đang chấp chới giữa biển nước mênh mang. Trở về buồng giam, cậu im lặng, quên ngay câu chuyện lẽ ra nên nhớ đó. Chỉ đến khi người thương binh thoát chết đến Trại gửi lời cảm ơn, các cán bộ và cả bạn tù mới vỡ lẽ về cậu. Đó cũng là "điểm son" giúp Cường được các bạn chung buồng giam bỏ phiếu bầu chọn.

Nhìn gương mặt ngờ nghệch, lành lành, ít ai dám mường tượng, Lò Văn Lả từng bị khép tội "giết người". "Vì rượu thôi, say vào rồi không biết gì nữa, chứ mình cũng có mâu thuẫn gì với người ta đâu", Lả ngượng nghịu ngoái về quá khứ. Qua khỏi cơn say oan nghiệt đem đến cho mình mức án 17 năm tù, Lả lại trở về với bản tính thường nhật của một người nông phu chất phác, cần cù. Ở trại Hồng Ca, Lả có tiếng là chăm và hiền: "Mình phải tự răn mình thôi, để giữ cho các thầy và cả vợ con nữa".

Sinh năm 1964 ở một bản người Thái tại Than Uyên, sau 7 năm trong Trại, ngoài đời, Lả đã có thêm con rể và cháu ngoại. "Vợ, con, cả con rể và cháu ngoại đều mong mình về mà", giọng Lả nghèn nghẹn. Ngoài nỗ lực của bản thân, Lò Văn Lả được xét đặc xá còn vì có anh trai là liệt sỹ…

Hơn 10 năm, không một phạm nhân trốn trại

Lọt thỏm giữa ba bề bốn bên là rừng lẫn núi, Trại giam Hồng Ca luôn phải chịu đựng sự đỏng đảnh thất thường của thời tiết. Có những ngày, sương giăng giăng từ tinh mơ tới chiều tà. Mùa đông, rét cắt da cắt thịt. Mùa mưa, hiểm họa lũ quét luôn rình rập bủa vây. Đất canh tác thiếu, đường đi lối lại khó khăn, công việc chủ yếu của các phạm nhân là trồng chè và chăn nuôi…

Nằm ở lưng đèo Nghĩa Lộ quanh co bập bềnh, chỉ 30 cây số đường ôtô từ thành phố Yên Bái vào Trại cũng là thách thức đáng kể với tiền đình của những người say xe. Nơi vùng cao khí lạnh, cán bộ chiến sỹ Trại Hồng Ca còn là chỗ dựa không thể thiếu của bà con các dân tộc sinh sống rải rác xung quanh. Ở gần Trại, tức có các chiến sỹ Công an bên cạnh, người dân cũng yên tâm hơn mỗi khi nước lũ tràn về, lúc cháy rừng hay nhỡ không may xảy ra các tai ương bất thường trong cuộc sống. Tội phạm các nơi cũng sợ bóng Cảnh sát trại giam không dám bén mảng lẩn quất tới vùng này.

Chốn đèo heo hút gió, người với người gần nhau hơn. Bà con nhìn phạm nhân cũng như một con người đang tỉ mẩn viết lại từng trang đời mình, chứ không chỉ định kiến về những kẻ giang hồ máu lạnh, những trùm ma túy đã từng dọc ngang gây tội ác trước đây. Ngược lại, người dân địa phương cũng là "tai mắt" của Trại Hồng Ca. “Thế nên, từ năm 1998 đến nay, không một phạm nhân nào trốn Trại mà thoát được", Thượng tá Phạm Văn Khá tự tin bày tỏ…

H. Sen - L. Thúy
.
.