Chiến sỹ Công an và những câu chuyện cảm động ở chốt gác cách ly

Thứ Sáu, 13/03/2020, 15:37
“Các anh Công an ơi! Mua giúp em 1 bát cháo cho 1 em bé với ạ! Em cám ơn” là nội dung trên tờ giấy A4 được người phụ nữ giơ lên qua cửa kính. Đồng chí Cảnh sát tay đeo găng, mặt bịt khẩu trang đứng bên ngoài cánh cửa giơ tay ra hiệu “ok”. Đó là hình ảnh tại điểm cách ly khách sạn Vanda (Đà Nẵng) sau khi xác định, đây là nơi hai du khách người Anh dương tính với COVID-19 từng lưu trú.

Ngày 12-3, những bức ảnh này lan truyền trên facebook và nhận được nhiều tình cảm của cộng đồng mạng. Đó chỉ là một trong rất nhiều chuyện bên lề tại các chốt gác ở khu vực cách ly mà lực lượng Công an đã và đang có mặt 24/24h.

1. Khách sạn Vanda, quận Hải Châu bị cách ly từ sáng 7-3 sau khi thông tin hai du khách người Anh dương tính được công bố. 30 khách lưu trú, cùng 7 nhân viên khách sạn phải cách ly tại chỗ. Cùng với các biện pháp y tế, Công an Đà Nẵng bố trí một tổ công tác thường trực cả ngày lẫn đêm tại đây. 

Ngoài việc kiểm soát, chốt chặn khu vực này, các chiến sỹ Công an còn kiêm thêm việc hỗ trợ vận chuyển thực phẩm cung cấp cho gần 40 người đang bị “cấm túc”, trong đó có một cháu bé 5 tuổi. Lời thỉnh cầu của người phụ nữ không chỉ được Trung úy Tán Thanh Tùng tiếp nhận mà còn lập tức bố trí người mua cháo mang đến cho cháu nhỏ. Hành động “Em ở trong cửa kính, anh ở ngoài cửa kính” của người bị cách ly và chiến sỹ trẻ rất đỗi bình dị nhưng trong hoàn cảnh chống chọi với “giặc COVID-19”  trở nên thật đặc biệt. 

Hình ảnh xúc động về cuộc "giao tiếp" hỗ trợ của chiến sĩ Công an trực mục tiêu và người dân tại điểm cách ly. Ảnh: Hoài Thu.

Nó cho thấy, tinh thần đồng lòng chống sự lan truyền virus Corona của người dân và chính quyền Đà Nẵng qua hàng loạt các hoạt động như xác định gần chục điểm hai du khách người Anh dừng chân; xác định những người tiếp xúc gần với hai vị khách này cũng như cô nhân viên siêu thị Điện máy xanh (người đã lây nhiễm từ du khách người Anh). 

Để lần theo dấu chân của hai vị khách du lịch lẫn như tìm ra những người tiếp xúc F1, F2, F3… với người dương tính COVID-19, hàng trăm chiến sỹ Công an đã vào cuộc để phối hợp với cơ quan y tế điều tra dịch tễ. Việc tổ chức ứng trực 24/24h chỉ là một trong rất nhiều hoạt động của cơ quan Công trong mùa dịch.

Tại Hà Nội, khu vực cách ly trên phố Trúc Bạch, quận Ba Đình cũng luôn có các chốt bảo vệ của Công an. Hình ảnh chiến sỹ Cảnh sát hỗ trợ các lực lượng chức năng chuyển thực phẩm đến 66 hộ dân đang cách ly tại đây trở nên quen thuộc. Không chỉ vậy, khi có người thân quen đến gửi nhu yếu phẩm cho các hộ cách ly, các anh đều tiếp nhận và là “người vận chuyển” đến tận cửa cho họ. 

Mới đây, khi xuất hiện bệnh nhân thứ 35 là một hướng dẫn viên du lịch trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thì lập tức khu vực gần nhà bệnh nhân này được phong tỏa. Thế là, tại đây lại xuất hiện những chiến sỹ Công an có mặt 24/24h đồng hành cùng người cách ly vượt qua những ngày “cấm túc”.

Công an phường Trúc Bạch đã tổ chức rà soát 100% các cơ sở lưu trú, nhà cho thuê, tuyên truyền, áp dụng các biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhiễm, tiếp xúc với người nhiễm và đi qua các vùng nhiễm dịch. Ảnh: Xuân Trường.

Ngày 4/3, điểm cách ly xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) hết lệnh phong tỏa. Nhưng dư âm về những ngày 500 cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh này cắm chốt tại đây và phòng khám Đa khoa Quang Hà để đảm bảo việc cách ly cho hơn hàng nghìn người dân cùng các bệnh nhân dương tính vẫn còn. 

Đó là việc, hai đồng chí Thiếu úy tuổi đời mới ngoài 20 của Công an huyện Bình Xuyên phải hoãn cưới để đi làm nhiệm vụ. Đó là đồng chí Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Anh Tuấn. Ngày cưới được hai bên gia đình chọn đầu tháng 3 nhưng ngày 13-2, Sáng nhận được lệnh đi phòng chống dịch tại Sơn Lôi. Ảnh cưới đã chụp, thiệp mời đã mua, cỗ cưới đã chuẩn bị nhưng thời gian chống dịch chưa biết bao giờ kết thúc nên anh xin phép bố mẹ hai bên cho phép … hoãn cưới. 

Đồng chí Tuấn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chỉ có khác một chút là vợ chưa cưới của anh… dỗi mất mấy ngày. Khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, hai chú rể hụt không được về nhà ngay mà vẫn ứng trực 24/24h tại vị trí làm việc để tiếp tục chống dịch. Đến nay, khi tình hình đỡ căng hơn, hai anh được lãnh đạo đơn vị cho nghỉ phép vào đầu tháng 4 để cưới vợ. Hẳn là, ngày cưới của hai chiến sỹ Cảnh sát trẻ sẽ tràn ngập niềm vui và râm ran câu chuyện bên lề cuộc “chống giặc COVID-19”.

2. Còn rất, rất nhiều chuyện đời thường bên lề việc tham gia phòng chống dịch COVID-19 của các chiến sỹ Công an. Đó là chuyện chiến sỹ nhận được lệnh điều động đêm tân hôn, là người chỉ huy rời nhà từ mùng Hai Tết rồi cả tháng không về. 

Hay đó là 11 cán bộ chiến sỹ, Đồn Công an cửa khẩu Nội Bài bị cách ly, trong đó có 2 đồng chí đã tiếp xúc gần với hành khách dương tính với virus Corona phải cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới; là rất nhiều đồng chí đã ăn, ở tại sân bay Nội Bài cả tháng…

Đại úy Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Trưởng Công an phường Trúc Bạch kiểm tra các chốt làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly. Ảnh: Xuân Trường.

Công tác Công an trong phòng chống dịch COVID-19 có rất nhiều, rất nhiều việc rất khó kể hết được. Nói như Đại tá Đinh  Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc, đó là hàng loạt các biện pháp Công an, trong đó đặc biệt nhất là phối hợp với cơ quan y tế làm điều tra dịch tễ. 

Để điều tra dịch tễ 11 người dương tính tại Vĩnh Phúc, cơ quan Công an đã “xới tung” mối liên quan của hàng nghìn người. Ví dụ này cho thấy, để làm với những trường hợp khác cũng khó khăn, phức tạp không kém. Trường hợp xác định hành khách đi cùng với bệnh nhân thứ 17 trên chuyến bay VN0054 về Nội Bài sáng 2/3 cũng vậy. Hàng trăm hành khách, đến từ nhiều quốc gia nhập cảnh vào Việt Nam đã đến đâu, đi đâu là câu hỏi khó nhưng phải có đáp án sớm. Bởi, việc cách ly, khoanh vùng với họ càng sớm, thì việc xác định bệnh cũng như ngăn chặn nguy cơ lây lan càng có kết quả. 

Và như chúng ta đã thấy, không chỉ danh tính mà bước chân của hơn 100 hành khách này đi đến đâu, tiếp xúc với ai, họ ở mức độ F1, F2 hay F3 đều được xác định. Làm được điều này, là sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành cũng như các lực lượng chức năng khác.

Lực lượng Công an ứng trực tại Sơn Lôi trong những ngày địa phương này phải cách ly. Ảnh: Phong Trâm.

Tại cuộc Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng chống, dịch bệnh COVID-19 ngày 10-3, ông Nguyễn Thành Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá cao vai trò của lực lượng Công an và Quân đội, đặc biệt lực lượng CAND đã làm tốt công tác cách ly, ứng trực làm tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT. Ông cũng nêu trường hợp Sơn Lôi là bài học điển hình về công tác phối hợp giữa các lực lượng, trong đó có lực lượng CAND. 

Tại hội nghị này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu, mỗi CBCS phải xung kích với ngành y tế và chính quyền địa phương, trở thành một kênh thông tin tuyên truyền tại cơ sở để người dân nắm và thực hiện tốt. BCĐ phòng chống dịch của Bộ Công an phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, triển khai thực hiện; tạo tâm lý bình tĩnh, không hoang mang trong nhân dân. Đặc biệt, đồng chí Bộ trường nhấn mạnh rằng: “CAND phải là một trong những điểm tựa vững vàng về tinh thần cho quần chúng nhân dân trong thời điểm này”.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nước ta không phải ngoại lệ. Lực lượng CAND đang hàng ngày, hàng giờ cùng với hệ thống chính trị và nhân dân nỗ lực phòng, chống dịch bệnh này. Mong rằng, mùa dịch sẽ sớm đi qua…

Cao Hồng
.
.