Thất bại của cử tạ Việt Nam tại Olympic 2016:

Không thể ngụy biện

Thứ Ba, 09/08/2016, 08:38
Hai niềm hy vọng số 1 của đội cử tạ Việt Nam dự Olympic 2016 là Vương Thị Huyền (48kg nữ) và Thạch Kim Tuấn (56kg) đều thất bại. Thất bại của họ càng đáng nói khi cả 2 không hoàn thành được kết quả trong thi đấu và phải ra về ở vị trí cuối cùng với con số 0 tròn trĩnh…

Khó lý giải về Thạch Kim Tuấn

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Hồng Minh khi gặp chúng tôi trò chuyện trong tối 7-8 đã tâm sự bằng con mắt nghề ông rất tin Thạch Kim Tuấn đạt được một kết quả huy chương khả quan.

Bước sang ngày 8-8, ông Minh chia sẻ rằng mình quá buồn bởi sau khi trực tiếp theo dõi lực sĩ nam này thi đấu (qua màn hình tivi) thì ít ai tin Kim Tuấn lại thất bại chóng vánh như thế. Vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) – ông Đỗ Đình Kháng đã coi đây là thất bại… kinh hoàng.

Ông Kháng là người quản lý trực tiếp môn cử tạ và cũng trực tiếp có mặt dõi theo VĐV Thạch Kim Tuấn thi đấu hạng 56kg tại Olympic 2016. Mặc dù, HLV Huỳnh Hữu Chí cho rằng, thất bại ấy của Tuấn là vì tâm lý và còn đau do chấn thương. Thế nhưng, sự lý giải trên không được nhiều người đồng thuận bởi vì trong sự đảm bảo tốt nhất của đoàn Việt Nam dành cho mũi nhọn số một là Kim Tuấn, những yêu cầu của đội cử tạ được đưa ra thế nào đều được đáp ứng ngay.

Năm 2012, Kim Tuấn không giành được vé dự Olympic tổ chức tại London (Anh). Suốt quãng thời gian 3 năm sau, lực sĩ của TP Hồ Chí Minh quyết tâm phải giành ngôi vị số một Việt Nam và có vé trực tiếp dự Olympic. Những thành tích quá tốt như 294kg tổng cử tại ASIAD 2014 và đoạt HCB rồi 296kg tổng cử giải vô địch cử tạ thế giới 2014 là cột mốc đảm bảo Tuấn đủ năng lực tranh huy chương Olympic 2016.

Năm 2015 là nét trầm của Kim Tuấn. Vắng mặt gần hết các giải đấu và chỉ lộ diện ở giải vô địch thế giới cử tạ 2015 (đoạt HCĐ với 287kg tổng cử), Kim Tuấn được giữ gìn tuyệt đối để phục vụ mục tiêu Olympic. Chuẩn bị cho Olympic 2016, 80 ngày lực sĩ này cùng một số tuyển thủ chủ chốt của cử tạ nam và HLV Huỳnh Hữu Chí tập huấn tại Mỹ trước khi đi Brazil thi đấu là sự rèn quân đáng kể.

Thế nhưng, vì sao trong lúc thi đấu quyết định, Kim Tuấn lại thất bại không thể thành công trong cả 3 lần cử đẩy rồi đứng cuối hạng 56kg tại Olympic 2016 đầy tức tưởi, bộ môn và liên đoàn cử tạ Việt Nam phải có trách nhiệm lý giải. Mũi nhọn có khả năng, có triển vọng đạt kết quả Olympic cần được đầu tư tương xứng là chính đáng. Nhưng phải chăng, vì sự quá tự tin nên bản thân HLV và VĐV không hiểu năng lực thật sự của mình ở đâu. Đặc biệt, thi đấu Olympic chưa bao giờ dễ dàng và nó khác tính chất hoàn toàn trong giải vô địch thế giới cử tạ hay ASIAD.

Thạch Kim Tuấn đã thất bại trong sự kỳ vọng cao.

Mong đừng bị ấn tượng xấu

“Cử tạ là môn có truyền thống và được thể thao chúng ta nhắm vào hạng nhẹ để rèn luyện tranh chấp huy chương quốc tế. Con người của chúng ta có nhưng tự bản thân tuyển thủ phải nỗ lực thì mới thành công”, ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ thêm. H

ạng 56kg luôn là nội dung mà môn cử tạ của Việt Nam đầu tư nhiều nhất. Sau giai đoạn Hoàng Anh Tuấn giành HCB Olympic 2008, nội dung này ở Việt Nam tiếp tục có Trần Lê Quốc Toàn (Đà Nẵng) và Thạch Kim Tuấn (TP Hồ Chí Minh) triển vọng. Bây giờ, tài năng trẻ Nguyễn Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) đang ở thời kỳ chuẩn bị được thử lửa mạnh mẽ nhất.

Nếu tranh chấp HCV tại SEA Games, ASIAD và Olympic, các lực sĩ Việt Nam (vào lúc này) chỉ đủ tự tin ở hạng 56kg. Hạng cân nhẹ phù hợp tầm vóc, thể trạng của VĐV Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đầu tư mãi mà không đạt kết quả, ngành Thể thao sẽ phải xem lại định hướng. 

Từ thực địa thi đấu tại Rio de Janeiro (Brazil) của môn cử tạ, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2016 – ông Trần Đức Phấn cũng rất ngỡ ngàng với chia sẻ rằng mình đã tin chiếc HCĐ nằm trong khả năng của Thạch Kim Tuấn nhưng đáng tiếc, may mắn không đến và thành công không có. 

Cách đây một ngày, nữ lực sĩ Vương Thị Huyền cũng làm nhiều người thất vọng vì thất bại cả 3 lần cử giật rồi không đạt kết quả nào tại Olympic 2016.

Các HLV cùng nhà quản lý cử tạ Việt Nam biết Huyền có điểm yếu tâm lý dễ bị xao động phân tâm nếu chịu áp lực. Tiếc là, cô có nhiều tháng tập trước khi tranh tài Olympic nhưng không HLV nào hóa giải được điểm yếu này cho Vương Thị Huyền. 

Nếu không, ít nhất Huyền đã có thể đứng trong tốp 3 nhận huy chương. Hai ngôi sao quan trọng nhất thất bại, cử tạ từ hy vọng số một trở thành sự thất vọng hàng đầu. Mong sao, kết quả yếu kém ấy không làm nhà quản lý thay đổi ý định về sự đầu tư mạnh mẽ trong tương lai.

Chỉ còn trông vào 2 môn bắn súng và vật

Cử tạ không thành công, đoàn thể thao Việt Nam trong những ngày còn lại ở Olympic 2016 còn kỳ vọng vào bắn súng và vật nữ. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV bài bắn 10m súng ngắn hơi nam, nhưng anh và đồng đội Trần Quốc Cường vẫn thi đấu tiếp nội dung 50m súng ngắn bắn chậm tại Olympic 2016.

Nội dung này diễn ra vòng loại lúc 19 giờ ngày 10-8 (rạng sáng ngày 11-8 theo giờ Việt Nam). Đây là nội dung mà xạ thủ Trần Quốc Cường đạt kết quả rất ổn định và có chỉ số cao trong nhiều giải quốc tế trong năm 2016. Nguyễn Thị Lụa (vật nữ 53kg) sẽ thi đấu ngày 18-8 và nếu có một lá thăm thuận lợi, có triển vọng lọt sâu vào những trận tranh chấp huy chương.

DP

Diệu Phương
.
.
.