HLV Mai Ðức Chung người cha bao dung của bóng đá nữ

Thứ Ba, 21/01/2020, 11:50
Thời khắc chiếc máy bay chở đoàn thể thao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài chiều 11/12 là một giây phút đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta được đón cùng lúc cả 2 tấm Huy chương vàng của bóng đá nam và bóng đá nữ SEA Games.

Nhưng niềm vui chia sẻ thật khó để giống nhau. Với bóng đá nam, đây là lần đầu tiên, còn với những cô gái, vinh quang này đã là lần thứ 6. Công bằng khi so sánh là một ranh giới mong manh nhưng thực tế cũng không quá quan trọng, đặc biệt với một người cha bao dung như HLV Mai Ðức Chung.

Tiếng nói của một người im lặng

Sau chiến công tại SEA Games 30, thầy Chung được các mạnh thường quân tặng một chiếc xe hơi. Ðây là một sự động viên rất lớn cả về tinh thần lẫn vật chất, cũng là lần đầu tiên chiến lược gia 68 tuổi được tặng một vật phẩm giá trị đến vậy. Nhìn sang HLV Park Hang Seo, ông cũng được tặng một chiếc xe hơi tương tự và đây đã là chiếc thứ 4 kể từ lúc đặt chân đến Việt Nam, trong 2 năm qua.

Ở đây, câu chuyện hoàn toàn không phải so sánh xem ai có nhiều công trạng hơn. Ở đặc thù của từng nội dung, từng hoàn cảnh thì sẽ xuất hiện những hệ quả tương ứng. Cuộc chơi vốn dĩ chỉ công bằng ở mức tương đối, con người dù muốn cũng không thể đòi hỏi hơn được. Nhưng tác giả đặc biệt tâm đắc với câu nói quen thuộc của thầy Chung, dùng cho nhiều câu hỏi về khó khăn: “Chúng tôi đã quen rồi”.

Thầy Chung bắt đầu làm bóng đá nữ từ năm 1997, cho đến nay đã 22 năm rồi. Trong quãng thời gian đủ dài để khiến một con người thay đổi, thầy Chung vẫn miệt mài như ngày đầu tiên làm việc. HLV là những người bị đánh giá dựa vào kết quả trên sân, dù nó có công bằng hay không, thì vẫn là quy luật của cuộc chơi. Và xét về cuộc chơi thì thầy Chung là một tay chơi cừ khôi, khi góp công vào 6 tấm HCV SEA Games cho bóng đá nữ, trong đó có 4 lần ông làm HLV trưởng.

Sẽ không quá khi nói thành tích của HLV họ Mai là vô tiền khoáng hậu, giống như Sir Alex Ferguson của Manchester United, là một người không chỉ đưa tập thể lên đến đỉnh cao, mà còn tạo ra nhiều thế hệ kế cận để bảo vệ và duy trì đỉnh cao đó, trong ròng rã hơn 2 thập kỷ. Người như vậy quá xứng đáng để được tôn vinh đấy chứ.

Thế nhưng thực tại là gì? Thầy Chung có thêm một biệt danh là Chung “gái”, và hàng ghế khán đài cổ vũ cho tuyển nữ Việt Nam đấu Thái Lan ở vòng bảng cũng chỉ có đúng một khán giả. Nhìn cảnh tượng đó, người có lương tri làm sao mà không xót xa. Nhưng khi hỏi thầy Chung thì ông bảo “ông quen rồi”, “các cô gái cũng quen rồi”.

Thành công của bóng đá nam trong 2 năm qua khiến người hâm mộ khởi sắc và bắt đầu yêu trở lại môn thể thao vua. V.League nhộn nhịp hơn, các sân bóng đông đúc trở lại và mỗi dịp thầy trò Park Hang Seo thi đấu là một ngày hội thực sự với cả nước. Trong sự thăng hoa đó, một nửa của thế giới vẫn bình yên đến lạ. Các cô gái của thầy Chung vẫn tập luyện, thi đấu, chấn thương, đau đớn, sung sướng, vô địch... trong im lặng.

Sẽ có người “trách” thầy Chung, tại sao ông không đứng lên, nói ra hết những khó khăn cho vơi đi phiền muộn. Nhưng ông không phải là người nói nhiều, chỉ biết “quen” với khó khăn và làm thật tốt việc của mình. Ðến bây giờ, dường như sự im lặng của ông đã được nghe thấy.

“Ông Sơn” của bóng đá nữ

Có lẽ chưa bao giờ hiệu ứng về tuyển nữ Việt Nam lại mạnh mẽ đến vậy trên truyền thông. Hình ảnh của Hoàng Thị Loan, Chương Thị Kiều, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Phạm Hải Yến, Huỳnh Như... ngập tràn các bản tin, các trang báo lớn nhỏ. Hay như chia sẻ của Chương Thị Kiều thì cô và các đồng đội chưa bao giờ được thi đấu trên sân có nhiều khán giả cổ vũ đến vậy, trong trận chung kết với người Thái.

Thầy Chung có thêm một biệt danh là Chung “gái”.

Có sự ủng hộ cả đời mới thấy một lần, dù rách da, chảy máu, chân băng bó chằng chịt, Kiều vẫn thi đấu trọn 120 phút thử thách giới hạn của con người. Trên khán đài hay theo dõi qua màn ảnh nhỏ, hàng vạn người đã rơi nước mắt sau mỗi lần Kiều, Dung, Như, Yến ngã xuống rồi lại đứng lên. Nhưng đau lòng cho con ai bằng cha.

Một người điềm đạm như thầy Chung cũng đã gắt lên với các bác sỹ vì băng bó chưa chặt cho Kiều, khiến các vết thương chưa kịp khô đã lại bật ra, hở miệng, chảy máu. Kiều đau nhưng thầy Chung cũng đau, nỗi đau kéo dài theo từng vết nhăn nheo chạy dọc đuôi mắt.

Mỗi HLV có một phong cách riêng. Thầy Park thì sung mãn, tràn đầy sinh lực, luôn phản ứng mạnh mẽ trước từng diễn biến trên sân. Nhưng có vẻ như đó là cách làm phù hợp với các cậu con trai. Còn với những đứa con gái, một người thầy giản dị, tình cảm, ân cần vỗ vễ như thầy Chung thì đã là người cha thứ hai rồi.

Chắc hẳn độc giả ở đây ít nhiều đã xem qua bộ phim nổi tiếng “Về nhà đi con”. Phim nói về một gia đình có 3 cô con gái. Chị cả Thu Huệ đảm đang, dịu dàng, điềm đạm; cô hai Anh Thư xinh đẹp, sắc sảo, thực dụng; cô út Ánh Dương bộc trực, hoang dã như một cậu con trai. Quản lý 3 cá tính khác hẳn nhau này đã là chuyện khó, giúp họ vượt qua từng biến cố kéo đến trong cuộc đời còn là chuyện khó gấp bội. Vậy mà người cha – ông Sơn, lại phải làm một mình.

Ông Sơn không thực sự giỏi trong các vấn đề cụ thể, đôi khi bị nói là nhu nhược, không dám nhẫn tâm. Nhưng chỉ đến khi kết phim, khán giả mới thấy có lẽ chỉ mình ông Sơn mới hợp làm cha của 3 cô con gái khác nhau của mình, bởi sợi dây liên kết xuyên suốt giữa những người họ luôn được ông giữ gìn: Tình cảm.

Chỉ có thực sự quan tâm tới nhau, biết chia sẻ, cảm thông, lắng nghe, thấu hiểu thì một người cha mới có thể nói “về nhà đi con” bất cứ khi nào những đứa trẻ cần một mái ấm. Sau khoảnh khắc ghi bàn thắng vàng ở hiệp phụ trận chung kết, người mà Hải Yến tìm về đầu tiên là thầy Chung, để được ôm vào lòng người thầy – người cha đã luôn cất giữ đức tin chiến thắng cho những cô con gái nhỏ.

Thầy Chung là “ông Sơn” của đại gia đình bóng đá nữ Việt Nam. Một người giản dị, không quá xuất sắc nhưng luôn có thể ở bên khi cần. Sau tất cả, thầy đã làm rất tốt mọi thứ rồi. Bây giờ, các cô con gái vàng có thể nói thật to: “Về nhà thôi, cha!”

Đơn Ca
.
.
.