Loay hoay khắc phục xe bỏ bến, chuyển chạy "dù"
Thất thu thuế, ùn tắc, nguy cơ mất an toàn giao thông đang là những hệ lụy do các nhà xe "bỏ bến" ra chạy dù, hay xe "Limousine", xe hợp đồng "trá hình" hoạt động như xe khách tuyến cố định tạo ra. Dù cơ quan chức năng liên tục lập kế hoạch rà soát, kiểm tra, thậm chí cả lập chuyên đề xử lý vi phạm nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Xe bỏ bến ngày càng phổ biến
Cuối tháng 8/2023, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu và đình chỉ khai thác chuyến xe (slot xe) đối với 11 phương tiện của 7 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải theo tuyến cố định. Căn cứ để ra quyết định là do các phương tiện này không hoạt động trên tuyến trong 60 ngày liên tục, vi phạm Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Đây không phải là lần đầu tiên Sở GTVT Hà Nội ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu, đình chỉ khai thác tuyến, slot xe đối với các phương tiện do lỗi trên. Tình trạng này đã diễn ra liên tục trong khoảng 4-5 năm trở lại đây.
Đại diện bến xe Giáp Bát cho biết, hiện bến có gần 100 slot xe của hàng chục doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động với tỷ lệ rất thấp. Phần lớn xe bỏ slot hoạt động trên các tuyến đi Thanh Hóa, Nam Định và Ninh Bình. Phó Giám đốc bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam cũng thông tin, tình trạng xe bỏ bến xảy ra từ năm 2018 đến nay. Hiện, bến xe Nước Ngầm có gần 200 slot xe bỏ bến, chưa kể một số slot có tần suất hoạt động rất thấp. Còn tại bến xe Mỹ Đình, không ít nhà xe hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ hoặc bỏ bến. Các nhà xe đều đưa ra lý do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn…
Tuy nhiên, thực tế là không ít nhà xe bỏ bến ra ngoài chạy "dù". Trong số các nhà xe vi phạm, điển hình là các phương tiện của nhà xe Hải Bình và Trần Anh. Các nhà xe này đã tự chấm dứt hợp đồng tại bến xe Nước Ngầm và lập văn phòng phía ngoài, trên đường Trần Thủ Độ, Ngọc Hồi để gom khách, hoạt động như tuyến cố định.
Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội (đơn vị phụ trách địa bàn có bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm) cho biết, qua thực tế điều tra, nắm bắt, việc các phương tiện dừng đỗ đón khách chủ yếu tập trung vào một số đầu xe thuộc các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Từ đầu năm đến nay, Đội CSGT số 14 đã xử lý gần 1.000 xe khách vi phạm, do đưa đón khách sai quy định, sai luồng tuyến...
"Theo đơn vị quản lý bến xe phía Nam, số lượng xe ở các tỉnh này quá nhiều dẫn tới tần suất dày, trung bình hơn 6 phút có 1 chuyến xuất bến. Ngoài ra chất lượng xe xuống cấp, dịch vụ không được nâng cao, trong khi đó các loại xe dịch vụ khác cạnh tranh đưa đón tận nơi, chất lượng và giá cả phù hợp nên mỗi khi xuất bến, xe khách chỉ có 1-3 hành khách. Để đảm bảo lợi nhuận, người điều khiển phương tiện chọn cách bắt khách ở ngoài, di chuyển rùa bò để tận dụng khách qua đường gửi đồ để bù các chi phí cao như bến bãi, cầu đường, xăng dầu…", Thiếu tá Phạm Đức Hoàng cho hay.
Nhiều quy định xử phạt đã không còn phù hợp
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số xe đăng ký kinh doanh vận tải theo tuyến cố định chỉ khoảng 21.000 xe nhưng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (chủ yếu là xe Limousine) lên đến hơn 180.000 xe (gấp hơn 8 lần).
Xe đăng ký tuyến phải nộp thuế, phí vào bến, trong khi xe hợp đồng "trá hình" chạy tuyến cố định không phải nộp loại phí này. Một bộ phận hành khách ngại di chuyển ra bến, muốn được đưa đón tận nhà, đón xe dọc đường hoặc ở các điểm tập trung (bến "cóc") khiến vi phạm càng trở nên phổ biến. Lực lượng chức năng mỏng, không đủ người để bố trí chốt chặn hết tại các khu vực, tuyến đường, trong khi các nhà xe vi phạm luôn tìm đủ cách để đối phó, thậm chí có lực lượng cảnh giới cơ quan chức năng. Tình trạng xe "dù", bến "cóc" chỉ lắng xuống khi thanh tra giao thông, Công an tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý.
Vi phạm nhiều nhưng việc kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng chưa tương xứng nên xe hợp đồng "trá hình" hoạt động như xe khách tuyến cố định càng có cơ hội phát triển đến mức khó kiểm soát. Thực trạng này đã và đang tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gián tiếp đẩy các nhà xe đang hoạt động trong bến bỏ ra ngoài, tìm cách "lách" luật để hoạt động, gây ra nhiều hậu quả như thất thu thuế, ùn tắc giao thông, tăng nguy cơ tai nạn, mất mỹ quan đô thị…
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, nhiều quy định của pháp luật về vấn đề này không còn phù hợp. Các điều kiện, yêu cầu quản lý đối với vận tải hành khách theo hợp đồng quá lỏng lẻo. Vì vậy, cần mở rộng quyền chủ động cho các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định và bến xe, nhất là việc tăng, giảm tần suất chạy xe trên tuyến để phù hợp cung - cầu thị trường. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm. PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho rằng, các biện pháp xử lý hiện nay chưa đủ nghiêm nên "xe dù" vẫn chạy loạn xạ dưới hình thức xe trá hình, xe hợp đồng, bến cóc mọc lên dưới nhiều hình thức.
Theo đại diện Phòng CSGT TP Hà Nội, công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách mà nòng cốt là Sở GTVT các địa phương còn nhiều hạn chế. Hiện nay theo Quyết định 24/2020 của Chủ tịch UBND thành phố quy định về hoạt động của phương giao thông trên địa bàn thành phố, có quy định cấm các xe ôtô hợp đồng từ 10 chỗ trở lên hoạt động trong giờ cao điểm sáng chiều, tuy nhiên theo Nghị định 100 không có quy định chế tài xử lý vi phạm lỗi chạy sai giờ đối với xe khách dẫn đến xe hợp đồng vi phạm nhưng không xử phạt được.
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng từng đề xuất Sở GTVT Hà Nội sắp xếp lại số lượng phương tiện chạy tuyến cố định cho phù hợp, đảm bảo tần suất hợp lý để khai thác hiệu quả, đặc biệt là sắp xếp lại các xe khách chạy tuyến cố định của các tỉnh thường xuyên vi phạm và ngược lại. Đồng thời sửa đổi các quy định của pháp luật (sửa Nghị định số 10, Thông tư số 12) theo hướng tăng hình thức, mức xử phạt chính và xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm về hoạt động vận tải hành khách và xử phạt đối với chủ doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm, tái phạm như đã nêu ở trên. Bổ sung chế tài xử lý xe khách không chạy đúng thời gian quy định (chạy sai giờ) theo Nghị định 100.