Trò chuyện Chủ nhật

Kết nối lại hoạt động giao thông vận tải - thận trọng và có lộ trình

Chủ Nhật, 17/10/2021, 09:31

Để có những chuyến xe đảm bảo an toàn cả về giao thông và phòng, chống dịch, lực lượng chức năng đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc ban hành các quy định tạm thời cho từng giai đoạn.

 

Sau một thời gian dài dừng hoạt động, đến nay hoạt động vận tải trên cả 3 lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt đang dần khôi phục. Có thể nói, để có những chuyến xe đảm bảo an toàn cả về giao thông và phòng, chống dịch, lực lượng chức năng đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc ban hành các quy định tạm thời cho từng giai đoạn. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn việc địa phương mỗi nơi áp riêng môt kiểu quy định, khiến doanh nghiệp cũng như người dân còn e dè, hoạt động giao thương còn bị gián đoạn. Để bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Kết nối lại hoạt động giao thông vận tải - thận trọng và có lộ trình -0
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.

PV: Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã và đang có những dấu hiệu tích cực tại nhiều địa phương. Chính vì vậy, việc kết nối lại hoạt động giao thông vận tải là điều cần thiết. Thế nhưng, thực tế nhiều địa phương lại chỉ mở theo kiểu cho phép đi lại trong nội tỉnh, còn bên ngoài thì lại “cài then”. Đồng chí Thứ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Hiện nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của chúng ta đang đạt được những chuyển biến hết sức tích cực, công tác tiêm phủ vaccine cho người dân đang được gấp rút triển khai trên phạm vi toàn quốc, chính vì vậy, Chính phủ đã cụ thể hóa quan điểm chuyển đổi trạng thái phòng, chống dịch tại Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong giai đoạn hiện nay, để chúng ta thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Thực tế, ngay từ cuối tháng 9, Bộ GTVT đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời tổ chức vận tải hành khách 5 lĩnh vực đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; hướng dẫn này đã tiếp thu đầy đủ những hướng dẫn về y tế của Bộ Y tế, sau đó Bộ đã ban hành quy định tạm thời tổ chức vận tải hành khách lĩnh vực hàng không, đường bộ và đường sắt, thời gian tổ chức thí điểm đến ngày 20/10.

Qua theo dõi và trao đổi với các địa phương, chúng tôi nhìn nhận rằng các địa phương cũng đã sẵn sàng mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn băn khoăn và cẩn trọng khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đối với hành khách khi đến địa phương mình, đặc biệt là với những hành khách, người dân đi về từ vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao (như: vẫn yêu cầu phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày). Điều đó đã gây tâm lý e ngại đối với người dân có nhu cầu đi lại cấp thiết và có thể phát sinh thêm chi phí.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, chúng ta có thể thông cảm với các địa phương, vì chúng ta đều đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi trạng thái, tư duy chống dịch mới. Chính vì vậy, sau khi Bộ Y tế có những hướng dẫn cụ thể hơn về các tiêu chí phân loại, đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn y tế, tôi tin tưởng rằng các địa phương sẽ có đầy đủ căn cứ và có thời gian để chuẩn bị phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.

PV: Vận tải trên cả 3 lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt đã chính thức được hoạt động trở lại. Song có một thực tế là nhiều chuyến bay đã phải huỷ vì không có khách; doanh nghiệp vận tải đang dè chừng trong việc chạy lại vì lo xe rỗng; đường sắt cũng chỉ dám chạy lại 1-2 đôi tàu. Biết rằng, trong giai đoạn này an toàn phòng, chống dịch luôn phải được đặt lên hàng đầu. Song, liệu có phải các quy định về điều kiện bắt buộc phải có khi lưu thông của ta đang quá khắt khe dẫn đến tình trạng “khơi thông” mà vẫn “tắc”?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Quan điểm của Bộ GTVT là hoàn toàn chia sẻ những khó khăn, áp lực của các địa phương sau một thời gian dài phải căng mình chống dịch.  Chính vì vậy, chúng tôi cũng xác định khi mở lại các hoạt động vận tải hành khách cũng phải hết sức thận trọng, có lộ trình và phải làm thí điểm, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Căn cứ các hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng tôi đã đưa ra những tiêu chí, điều kiện đối với hành khách trong giai đoạn thí điểm từ ngày 10/10 đến ngày 20/10 được coi là hành khách “xanh” (khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine/ là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nhanh kháng nguyên có hiệu lực trong vòng 72h). Chúng tôi quy định và hướng dẫn tổ chức cảng hàng không, bến xe, nhà ga cũng là khu vực xanh, nhân viên phục vụ trên phương tiện cũng “xanh”, và xác định mỗi hành trình là “hành trình xanh”.

Việc lựa chọn đối tượng hành khách như vậy cũng đảm bảo việc hành khách khi đến các địa phương khác không phải cách ly tập trung, chính là đảm bảo tính linh hoạt đối với nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân trong giai đoạn này. Việc tính toán như vậy cũng được các chuyên gia, người dân ghi nhận và ủng hộ.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn những lúng túng nhất định ban đầu, nhất là trong khâu phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan cũng như một số địa phương vẫn có yêu cầu y tế cao hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân/lái xe đã tiêm đủ 2 liều vaccine còn hạn chế… Chính vì vậy, việc tổ chức thí điểm chưa đạt được những hiệu quả như kỳ vọng.

PV: Dù ở giai đoạn nào thì mục đích cuối cùng sẽ vẫn là để tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thưa Thứ trưởng, tới đây Bộ GTVT sẽ tiếp tục có những giải pháp và đề xuất gì để hỗ trợ doanh nghiệp trên cả 3 lĩnh vực đạt được mục tiêu nói trên, cũng như việc dần kết nối khôi phục kinh tế của cả nước?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Bộ GTVT sẽ đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn thí điểm, từ đó chỉ ra được ưu điểm, hạn chế, đồng thời khẩn trương rà soát, nghiên cứu những quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 để tiếp thu, chỉnh sửa các Quy định, hướng dẫn của Bộ GTVT cho phù hợp với tình hình thực tế và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, góp phần khôi phục kinh tế của địa phương, của đất nước trong giai đoạn bình thường mới; đúng với tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

PV: Trong giai đoạn tiếp theo, khó khăn vẫn đang còn ở phía trước. Cơ quan chức năng cũng đang gắng hết sức thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Còn về phía người dân, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự đồng lòng, chung tay góp sức của họ để đạt được mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Như Thủ tướng Chính phủ đã luôn chỉ đạo công tác “chống dịch như chống giặc”, do đó đòi hỏi tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đều phải vào cuộc. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, với mục tiêu lấy “xã phường là pháo đài” trong phòng, chống dịch thì vai trò của cơ sở và người dân càng quan trọng. Chúng tôi luôn mong muốn mỗi người dân luôn đồng lòng, chung sức, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương làm sao cho xướng đáng mỗi người dân đều là “hạt nhân” là “chiến sỹ” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

27 địa phương nối lại vận tải khách liên tỉnh, một tuyến bị dừng

Thông tin từ Bộ GTVT, đến nay đã có 27 địa phương đồng ý tái khởi động tuyến vận tải khách liên tỉnh theo hướng dẫn thí điểm tạm thời của Bộ GTVT. Cụ thể gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Điện Biên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Long An, Đắk Nông, Phú Thọ, Phú Yên, Lai Châu, Kon Tum, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Nam Định, Bình Dương.

Cùng đó, có 11 Sở GTVT đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến, gồm: Cần Thơ, Hà Giang, Gia Lai, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hậu Giang. Trong số 27 tỉnh đồng ý, đã có 22 tỉnh chính thức có phương án tái khởi động vận tải khách với 247 tuyến đăng ký, chạy thực tế là 128 tuyến. Đáng chú ý, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở GTVT địa phương này đã có văn bản đề nghị Sở GTVT TP Hồ Chí Minh dừng thí điểm tuyến Đắk Lắk - TP Hồ Chí Minh từ 18h00 ngày 15/10.

Nguyên nhân qua kiểm tra, Sở GTVT Đắk Lắk và lực lượng chức năng phát hiện một số trường hợp phương tiện hoạt động không đúng quy định, không đáp ứng các quy định theo hướng dẫn của Bộ GTVT, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Do vậy, địa phương đề nghị dừng thí điểm tuyến Đắk Lắk - TP Hồ Chí Minh.

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.