Sau 10 ngày thí điểm mở trở lại các đường bay nội địa:

Chỉ một nửa số chuyến bay cất cánh

Thứ Ba, 19/10/2021, 09:30

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong những ngày đầu thực hiện thí điểm mở lại bay nội địa, tỷ lệ chuyến bay thực hiện theo kế hoạch rất thấp, chỉ đạt 49%.

Theo đó, 5 ngày đầu tiên, 4 hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines chỉ thực hiện được 98 chuyến bay một chiều (trong tổng số 200 chuyến bay theo kế hoạch) trên 16 đường bay (trong 20 đường bay theo kế hoạch) đi/đến 16/22 cảng hàng không gồm: Điện Biên, Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, Cam Ranh, Pleiku, Tân Sơn Nhất, Rạch Giá và Phú Quốc.

Tổng số hành khách vận chuyển được là 5.924 người. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hãng hàng không chỉ có thể triển khai mở bán trên hệ thống kèm các điều kiện vận chuyển hành khách sau khi có các văn bản chính thức của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam.

Chỉ một nửa số chuyến bay cất cánh -0
Các hãng hàng không mong muốn sớm được bỏ giãn cách ghế trên máy bay.

Những ngày đầu, nhiều hành khách chưa kịp tiếp cận thông tin có chuyến bay, không kịp lên kế hoạch để di chuyển. Ngoài ra, nhiều đường bay có nhu cầu thấp nên hãng hàng không chưa thể khai thác hoặc hạn chế khai thác như: Thanh Hóa - Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh - Cà Mau, Đà Nẵng - Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh - Rạch Giá, Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột... Các đường bay đi/đến các địa phương phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An còn bị hạn chế. Đặc biệt đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh chỉ được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày, không đáp ứng nhu cầu hành khách giai đoạn hiện tại.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 tại nhiều địa phương (ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) còn thấp nên hành khách không thể đáp ứng điều kiện về tiêm đủ liều. Tương tự, nhiều nhóm gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine (theo quy định của Bộ Y tế) nên không thể di chuyển dù có nhu cầu. Sau giai đoạn thí điểm, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ yêu cầu giãn cách ghế trên máy bay. Đây cũng là đề xuất được các hãng hàng không liên tục gửi đến cơ quan quản lý trong thời gian qua.

Về điều kiện vận chuyển hành khách, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) giai đoạn hiện tại áp dụng các chuyến bay xuất phát từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo thông báo tại địa chỉ: nguyco.antoancovid.vn. Hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Chuyến bay xuất phát từ các địa bàn khác, hành khách cần đáp ứng một trong ba điều kiện: Có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; Hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị hướng dẫn thủ tục lập hãng hàng không

Ông Nguyễn Hạnh (tức Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ nhân chuỗi cửa hàng đồ hiệu nổi tiếng thế giới tại Việt Nam), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần IPP Air Cargo vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị hướng dẫn các thủ tục thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hoá.

Trước đó, doanh nghiệp này nhận được văn bản số 7241 của Văn phòng Chính phủ trả lời về việc kiến nghị thành lập hãng hàng không của Công ty, trong đó hướng dẫn IPP Air Cargo tiếp tục làm việc với Bộ GTVT về việc xin cấp phép bay theo đúng quy định. Ông Nguyễn Hạnh cho biết, thấu hiểu sự khó khăn của các hãng hàng không và các giải pháp của Bộ GTVT trong giai đoạn dịch COVID-19, IPP Air Cargo sẵn sàng chia sẻ với các hãng bay trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, chiến lược của Công ty là thành lập một hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa với mục tiêu góp phần tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không hàng hóa của Việt Nam trên các đường bay quốc tế, góp phần vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam cũng như góp phần bình ổn giá cước vận chuyển hàng hóa, ổn định chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu, giảm thiểu việc ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.

Trong lúc chờ thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022) như báo cáo của Bộ GTVT, IPP Air Cargo xin được đề xuất Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn Công ty các thủ tục xin cấp phép bay và các công tác chuẩn bị về điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành. Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT, Công ty sẽ khẩn trương hoàn thành các bước chuẩn bị và thủ tục để xin cấp phép theo quy định trong năm 2022. IPP Air Cargo hy vọng được phê duyệt dự án đầu tư, lấy được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III/2021; lấy chứng chỉ nhà khai thác vào quý V/2021; thực hiện chuyến bay thương mại vào quý II/2022.

Đặng Nhật
.
.
.