Xe quá tải băm nát những con đường ở Tây Nguyên

Thứ Hai, 26/01/2015, 09:32
Mùa áp tết, xe tải vận chuyển hàng hóa tấp nập qua các cửa khẩu Bờ Y, Lệ Thanh và tràn qua khắp các ngả đường trên tuyến quốc lộ 14, 19... qua địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; làm xuống cấp trầm trọng nhiều tuyến đường. Cùng với lượng lớn hàng hóa như gỗ, mì (sắn) nhập từ các nước Lào và Campuchia về Việt Nam còn có lượng lớn hàng hóa thu hoạch nở rộ trong nước như cà phê, mía... đã làm cho tình trạng quá tải “nóng” lên từng ngày.

Tài xế xe tải Nguyễn Văn T. thổ lộ, dù biết chở quá tải sẽ bị phạt nặng nếu phải bắt buộc qua cân tải trọng, nhưng cố tránh được trạm cân sẽ kiếm thêm tiền để chi phí. Có hai cách để vượt trạm cân không bị phạt, đó là “chung chi” từ trước để khỏi lên cân, hoặc né trạm bằng những đường tránh...

Xe quá tải trên địa bàn Tây Nguyên.

Sau nhiều ngày đêm quan sát trên các tuyến đường giao thông qua các trạm cân ở Gia Lai, Kon Tum cho thấy có một lượng lớn xe tải không qua trạm cân mà tìm cách tránh hoặc vượt trạm cân. Có tình trạng xe lên cân nhưng báo lỗi nên không xác định trọng tải. Tại trạm cân Sao Mai (Kon Tum), những phiếu xe cân không nhìn thấy biển số của chiếc xe trong phiếu, không có chữ ký nhà xe nên khó phát hiện tiêu cực ở đây... Trong khi đó tại Trạm cân Song An (Gia Lai), lượng xe chở mía, gỗ, mì rất lớn nên các nhân viên trạm cân cho biết, chỉ bắt buộc cân những xe nghi quá tải. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, thực trạng cân tải trọng ở đây không đáp ứng được yêu cầu cân liên tục. Có tài xế chạy xe qua nhanh là xe không cân được. Có những xe phải bắt quay đầu cân đi cân lại nhiều lần mới có kết quả.

Trung tá Võ Đình Tuấn, Tổ trưởng Tổ CSGT tại Trạm cân Song An, cho biết: “Chúng tôi cố gắng hết sức để xử lý xe quá tải, quá khổ, tuy nhiên nhiều tài xế chống đối, gây khó khăn như bỏ xe đi không trình giấy tờ cho trạm cân, hạ tải đối phó hoặc tìm cách tránh né... Trạm cân Song An nhiều lúc bị lỗi, không đáp ứng được nhu cầu cân xe. Khi chúng tôi có mặt lúc cân xe đầu kéo BKS 77C-081.16 phải cân đi cân lại 3 lần, bảng điện tử mới báo được trọng tải xe”.

Trên tuyến quốc lộ 19B, khu vực biên giới huyện Đức Cơ, Gia Lai mùa cao điểm, mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở mì từ cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) về cảng Quy Nhơn (Bình Định). Một tài xế cho biết, một tấn mì từ biên giới về đến cảng Quy Nhơn là 500 ngàn đồng, nếu không liều chở thêm vài tấn thì lấy đâu “chung chi”.

Để giải quyết thực trạng trên, Phòng CSGT, Công an tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Công an huyện Đức Cơ tiến hành kiểm tra xe tải vận chuyển quá khổ, quá tải ngay từ gốc, đặt trạm cân ở khu vực làng Bi, Ia Dom gần cửa khẩu. Đại tá Lê Đức Đạo, Trưởng Công an huyện Đức Cơ cho biết, ngoài lập trạm cân lưu động xử lý ở đầu mối trung chuyển hàng hóa, Công an huyện còn lập tổ Cảnh sát giao thông hỗ trợ để kiểm tra xử lý những trường hợp xe tải sau khi qua trạm cân chất thêm hàng hóa... Nhờ đó, trong đợt cao điểm gần tết đã xử lý hàng trăm trường hợp xe quá tải từ cửa khẩu Lệ Thanh qua địa bàn huyện, buộc hạ tải hàng chục tấn hàng hóa các loại. Trong đó, đáng chú ý có nhiều xe chở quá tải đến 100% tải trọng cho phép...

Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp xe quá khổ, quá tải tìm cách trốn tránh bằng cách tập trung tại các bãi hoặc nhiều tuyến đường trên khu vực cửa khẩu và đi vòng các đường dân sinh. Đáng chú ý ở các khu vực có nhà máy đường, xe quá tải chở mía vẫn còn nhiều và đi qua các đường dân sinh nên rất khó kiểm soát và xử lý một cách toàn diện...

Ngành Giao thông vận tải các tỉnh Tây Nguyên đang đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền cho người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tiến hành ký kết với các nhà xe không chở quá khổ, quá tải. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt mà các chủ xe, tài xế vẫn bất chấp vi phạm, từ đó còn kéo theo những hệ lụy, bất cập ở các trạm cân và dễ nảy sinh tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các đơn vị chức năng.

N.Như
.
.
.