Vì sao xe buýt ngày càng… ế(?)

Thứ Bảy, 03/09/2016, 08:48
Trước thực trạng ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên các ngả đường, ngành GTVT TP Hồ Chí Minh khuyến khích người dân và công viên chức sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, thế nhưng nhiều năm qua tình trạng này đã không cải thiện.

Hiện toàn thành phố có trên 3.200 xe buýt. Từ năm 2013 đến 2017, kế hoạch của ngành GTVT TP thay thế xe buýt cũ, đầu tư xe mới thêm 1.800 chiếc. Hoạt động của xe buýt diễn ra trên 150 tuyến, vươn dài đến tận Cần Giờ, Củ Chi và nhiều khu vực vùng ven, vùng sâu khu vực ngoại thành. 

Kinh phí đầu tư nhiều, từ xe mới, cung cách phục vụ chú trọng nâng chất lượng, chuyên nghiệp, thiết bị hiện đại, tiện ích… thế nhưng, số lượng người sử dụng phương tiện xe buýt cũng chỉ hơn 11%, chủ yếu là công nhân, học sinh sinh viên.

Quan sát xe buýt ra vào các trạm đón trả khách trong các làn xe hỗn hợp sẽ nhìn thấy ngay nghịch lý: đường quá hẹp, nếu là hai chiều thì diện tích sử dụng cho một chiều càng hẹp hơn, thân xe buýt dài 12m, rộng 2,5m cùng lưu thông với số lượng xe hai bánh rất đông, các loại ôtô khác, các ngã cho phép rẽ chuyển hướng lưu thông… tắc đường xảy ra là chuyện không tránh khỏi. 

Nếu xe buýt tranh thủ chạy nhanh lập tức gây ra TNGT, va quệt và từng có thời kỳ được người dân gọi là “hung thần” trên đường phố. 

Xe buýt không lối thoát.

Ngay trong phương án đầu tư mới 1.800 xe buýt, đã có đến 600 xe loại 80 ghế ngồi, trừ các tuyến lưu thông dài trên các xa lộ, quốc lộ ra, còn lại các tuyến đường hẹp nội thành không phù hợp với xe buýt to này.

Tại các điểm nóng về nạn kẹt xe trầm kha của thành phố như: đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu, vòng xoay cầu vượt Lăng Cha Cả, Cộng Hòa, Tân Kỳ Tân Qúy, ngã 6 Gò Vấp, ngã tư Xa Lộ Hà Nội đến cầu vượt Cát Lái… bao giờ và lúc nào cũng thấy lô nhô những xe buýt bị bao vây bốn bề bởi các phương tiện giao thông khác. Cảnh khách vội vàng nhảy ra khỏi xe buýt, kéo va ly sềnh sệch trên vỉa hè để chạy vào sân bay cho kịp giờ là những cảnh thường xuyên diễn ra. 

Các con đường dẫn vào sân bay hiện đang thông nối với đường Phạm Văn Đồng hứa hẹn sẽ góp phần đáng kể giải quyết ùn tắc và tương lai là cầu vượt, hầm chui nút giao thông Trường Sơn. 

Việc phân luồng tại khu vực này hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý xoay quanh các trục đường như: Phổ Quang, Huỳnh Lan Khanh, Hồng Hà, Trần Quốc Hoàn, Trường Sơn… khi lưu thông từ hướng nhà ga quốc nội ra để tỏa đi Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng, Cộng Hòa, Phan Đình Giót khiến cho luồng giao thông dễ xảy ra ùn ứ, tắc nghẽn khi các xe quay đầu chuyển hướng vì đường một chiều. 

Xe buýt không có đường chạy là một thực trạng hàng ngày trên QL13 từ cầu vượt Bình Phước về bến xe Miền Đông vào các buổi sáng giờ cao điểm trong suốt tuần, trừ thứ bảy và chủ nhật. 

Các tuyến xe buýt đi nhiều nơi trên QL13 thường xuyên nối nhau cập vào trạm đón trả khách, xe máy cắt ngang đầu để vượt lên và chuyển hướng, dừng chờ đèn đỏ và tàu lửa qua, hợp giao các luồng xe từ hướng Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân phía Thủ Đức đổ dồn về… nên xe buýt thường bị nhốt trong vòng vây ùn tắc và không thể thoát đi, chậm trễ mất nhiều thời gian. 

Tình trạng này còn thê thảm hơn nếu trời mưa, ngập nước, dòng xe kẹt dài từ phía Hàng Xanh ra bến xe Miền Đông và kẹt từ ngã tư Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng càng khiến cho nạn ùn tắc, kẹt xe cục bộ khu vực này xảy ra dây chuyền như hiệu ứng domino.

Có chủ trương, đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng, trong khi hạ tầng giao thông vẫn còn trong vòng lúng túng, loay hoay tìm các giải pháp, đầu tư xe buýt to, rộng trong khi đường lưu thông rất hẹp, nhiều làn xe lưu thông hỗn hợp, do đó việc phát huy hiệu quả sử dụng phương tiện công cộng khi lưu thông trong thành phố vẫn còn là bài toán nan giải.

Hoàng Châu
.
.
.