TP HCM khởi động nhiều tuyến giao thông đường thủy

Thứ Năm, 27/02/2020, 09:23
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông đường bộ và tạo ra các sản phẩm thu hút du lịch, tháng 4 năm nay Sở GTVT dự kiến sẽ đưa vào khai thác tuyến phà biển vận chuyển hành khách, hàng hóa từ huyện đảo Cần Giờ đi Vũng Tàu và ngược lại.

Đồng thời Sở GTVT cũng tính toán đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách cố định và phục vụ ngành Du lịch trên tuyến đường thủy từ TP HCM đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Về tuyến vận tải hành khách bằng phà biển từ Cần Giờ đi Vũng Tàu, với cự ly tuyến khoảng 15km, thời gian hành trình trên tuyến sẽ mất khoảng 30 phút. 

Phương tiện tham gia hoạt động trên tuyến là phà biển có sức chở hơn 250 hành khách, 100 xe máy và 15 xe ôtô các loại, tần suất khai thác dự kiến là 24 lượt mỗi ngày. Với việc đưa vào khai thác tuyến phà biển này, thời gian di chuyển của người dân và du khách từ  Vũng Tàu đến Cần Giờ được rút ngắn khoảng 3 giờ so với đi bằng ôtô. Người dân từ các tỉnh Long An, Tiền Giang muốn đến Vũng Tàu, nếu đi qua hướng phà Cần Giờ - Cần Giuộc, sau đó đi phà biển để đến Vũng Tàu thời gian cũng rút ngắn chỉ còn khoảng 2 giờ 30 phút.

Phương tiện hoạt động trên tuyến buýt sông số 1.

Để giảm tải hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trước tình hình ùn tắc giao thông hiện nay, Sở GTVT sẽ tập trung rà soát, đánh giá lại hoạt động logistics trên địa bàn để phối hợp với các sở ngành, quận huyện đề xuất thành phố các giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. 

Tình hình khai thác hàng hóa tại cảng Hiệp Phước cũng sẽ được rà soát, đánh giá lại nhằm đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác của cảng này. Sở GTVT sẽ cho phép tiếp tục khai thác khu cảng Trường Thọ trong thời gian đầu tư xây dựng cảng ICD Long Bình để phục vụ di dời cảng này. 

Ngoài ra, Sở GTVT thành phố cũng đẩy mạnh việc quy hoạch phát triển cảng cạn ICD Củ Chi; tập trung thực hiện các dự án kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển đối với khu cảng Hiệp Phước và khu cảng Cát Lái. Đẩy mạnh triển khai các phương án khai thác vận tải tuyến đường thủy từ TP HCM đi Bình Dương, Tây Ninh...

Với tuyến buýt sông số 1 từ bến Bạch Đằng đi bến Linh Đông, sau hơn 2 năm đi vào khai thác, theo đại diện DN đầu tư tuyến này, đến cuối năm vừa qua lượng hành khách đi lại tuyến buýt sông này đã đạt gần 300 ngàn lượt, nhưng khách du lịch đi lại trên tuyến vẫn chiếm chủ yếu; người dân chưa có thói quen đi lại hằng ngày bằng buýt sông nên hiệu quả góp phần kéo giảm ùn tắc cho đường bộ chưa nhiều.

Năm qua, sản lượng vận chuyển trên các tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa từ thành phố về khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng trưởng không đáng kể, chiếm chưa đến 25% so với lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tại thành phố. 

Do đó, việc phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng và các tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy khác, nhất là các tuyến từ thành phố đi các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở GTVT và chủ đầu tư cần có giải pháp thu hút hành khách, hàng hóa một cách hiệu quả.

Đ.Thắng
.
.
.