Năm 2015 sẽ dùng biện pháp mạnh để giảm TNGT nông thôn

Thứ Sáu, 02/01/2015, 12:23
Năm 2014 tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, dù có giảm nhưng chúng ta không thể chủ quan. Năm 2015 cũng cần tập trung vào giao thông nông thôn, bởi đây vẫn là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất.

PV: Năm 2014 có thể coi là một năm thành công  trong việc kéo giảm tai nạn. Ông đánh giá như thế nào về công tác đảm bảo ATGT trong năm vừa qua?

Ông Khuất Việt Hùng: Được sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong năm 2014 có nhiều bước tiến triển đáng khích lệ. Cụ thể, từ ngày 16/12/2013 đến 15/12/2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ, giảm 373 người chết, giảm 5.083 người bị thương.

Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Kết quả này được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, tạo cơ sở vững chắc để Quốc hội giao nhiệm vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2015 là giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí, đặc biệt là trên tất cả tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

PV:  Trên thực tế, tai nạn giao thông ở đô thị, thành phố lớn giảm, nhưng ở nông thôn lại gia tăng. Xin ông cho biết, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ông Khuất Việt Hùng: Tai nạn giao thông ở đô thị luôn giảm nhanh hơn so với nông thôn. Đây cũng là lý do tại sao năm 2015 chúng ta tập trung về cơ sở, về nông thôn từ kiện toàn bộ máy đến truyền thông. Ngoài đẩy mạnh quá trình cứng hóa kết cấu hạ tầng thì phải nâng cao ý thức của người dân ở tất cả các vùng miền, dân tộc, tôn giáo.

Đây cũng là lý do tại sao công tác truyền thông luôn nói cuối cùng nhưng luôn luôn là biện pháp để đưa tất cả những giải pháp trên vào cuộc bởi có con đường, có biển báo, có vạch sơn nhưng người dân không biết biển báo kia là gì, không biết con đường kết nối đến đâu, không biết xe nào đi trên đường này thì sẽ xảy ra tai nạn.

Chúng ta có thể không có tiền để làm đường, có thể lực lượng Cảnh sát giao thông quá mỏng không tăng cường kiểm tra kiểm soát được nhưng nhiệm vụ giáo dục tuyên truyền vận động luôn phải làm không bao giờ ngừng nghỉ.

Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn cũng là một trong những biện pháp ngăn ngừa, kéo giảm TNGT.

PV: Có ý kiến cho rằng, nhiều địa phương vấn “ém” số liệu tai nạn giao thông để “lấy thành tích” đã dẫn đến con số “vênh”, hay nói rõ hơn là có sự “giảm ảo”. Ông có nhận định thế nào về vấn đề này?

Ông Khuất Việt Hùng: Hiện nay, số liệu kênh tai nạn giao thông đầu tiên là của lực lượng Cảnh sát giao thông, kênh thứ hai là từ các Ban ATGT địa phương gửi lên đồng thời tính minh bạch càng ngày càng cao, nhất là sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông. Với độ “mở” như thế này thông tin về tai nạn giao thông sẽ khác.

Năm nay, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bảo hiểm để chia sẻ thông tin với nhau. Năm 2015 sẽ có sự kiểm tra chéo lẫn nhau để khắc phục được các vấn đề về thông tin. Ủy ban ATGT quốc gia sẽ thống kê tai nạn giao thông theo tiêu chuẩn quốc tế dần dần sẽ khớp vào hệ thống chung. Vì vậy vấn đề về số liệu, tôi khẳng định sẽ ngày càng tốt hơn.

PV: Để khắc phục những tồn tại của năm 2014, đồng thời tiếp tục kéo giảm TNGT, đảm bảo TTATGT ,  trong năm 2015, Ủy ban ATGT quốc gia đã có kế hoạch và đề ra nhiệm vụ trọng tâm là gì, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Khẩu hiệu năm 2015 sẽ tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu tính mạng con người là trên hết. Kế hoạch triển khai hành động cụ thể thì Ban ATGT các địa phương sẽ triển khai.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải có kế hoạch cụ thể thực hiện năm ATGT. Năm tới sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải để định hình thị trường vận tải gắn với tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện để đưa thị trường vận tải trở về đúng cơ cấu của nó.

Các phương thức vận tải trở về đúng vị trí trong hệ thống vận tải 5 phương thức đường sắt - đường sông - đường thủy - đường bộ - hàng không -hàng hải.Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an cũng như các ban ngành đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đưa ra là lấy an toàn của người tham gia giao thông, lấy cái thuận lợi an toàn của đơn vị kinh doanh vận tải trong hoạt động kinh doanh của mình làm tôn chỉ mục đích để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

PV: Xin cảm ơn ông!

Xe chở quá tải có thể bị phạt từ 7 đến 36 triệu đồng

Từ ngày 1/1/2015, theo Nghị định 107/2014 của Chính phủ, người điều khiển xe ôtô tải, máy kéo và các loại xe tương tự chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 đến 8 triệu,đồng thời phải hạ phần hàng quá tải và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng.

Chủ xe ôtô để người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng quá tải sẽ bị phạt tiền 32-36 triệu đồng với tổ chức, 16-18 triệu đồng với cá nhân. Trường hợp tổng trọng lượng xe vượt tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100% cũng sẽ bị phạt với mức như trên, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

39 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch

Chiều 1/1, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, trong ngày đầu tiên của năm 2015, cả nước đã xảy ra 39 vụ TNGT, làm 20 chết và bị thương 25 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 38 vụ, làm chết 19 người, bị thương 25 người.

 Đường sắt xảy ra 1 vụ làm chết 1 người. Cũng trong ngày này, các lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 13.265 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước 7 tỷ 740,8 triệu đồng; tạm giữ 22 ôtô, 1603 xe môtô. 

Đặng Nhật
.
.
.