Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc kiểm tra sức khoẻ lái xe

Thứ Sáu, 31/05/2019, 08:15
Mặc dù từ đầu năm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu ngành Y tế, Giao thông và Công an vào cuộc chỉ đạo các đơn vị của bộ và sở y tế các địa phương phối hợp tổ chức tổng kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định. Thế nhưng, sau nhiều tháng, tình trạng doanh nghiệp coi nhẹ chuyện kiểm tra sức khoẻ lái xe vẫn cứ tiếp diễn.


Sở GTVT Hà Nội cho biết, để đảm bảo trật tự, ATGT, đồng thời tăng cường kỷ cương, siết chặt quản lý hoạt động vận tải, giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến phương tiện tham gia kinh doanh vận tải, từ đầu năm 2019, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn thành phố tổ chức tổng kiểm tra khám sức khỏe định kỳ cho lái xe thuộc đơn vị quản lý tại các cơ sở y tế đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế; Phối hợp với cơ sở y tế giám sát chặt chẽ quá trình xét nghiệm 4 loại chất gây nghiện: Morphin/Heroin, Amphetamin, Methamphentamin, Marijuana (cần sa) và tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn với lái xe trên đường.

Ngày 24-5-2019, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục có thông báo về việc tăng cường tổng kiểm tra khám sức khỏe cho lái xe của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô trên địa bàn thành phố gửi các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể kinh doanh vận tải bằng ôtô trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Sở GTVT Hà Nội mới nhận được 223 báo cáo về kết quả kiểm tra sức khỏe lái xe. Hiện còn 7.789 đơn vị kinh doanh vận tải chưa nộp báo cáo về kết quả kiểm tra sức khỏe theo yêu cầu. Do vậy, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải nghiêm túc thực hiện việc tổng kiểm tra khám sức khỏe cho các lái xe của đơn vị và tổng hợp báo cáo kết quả khám sức khỏe gửi về Sở trước ngày 15-6-2019.

Đối với các đơn vị không chấp hành nghiêm túc yêu cầu về việc khám sức khỏe cho lái xe, Sở GTVT tải sẽ tạm ngừng cấp đổi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô và cấp mới (đổi) các loại phù hiệu, biển hiệu do không đáp ứng quy định của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và sẽ giải quyết cấp đổi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô và cấp mới (đổi) các loại phù hiệu, biển hiệu khi đơn vị chấp hành đầy đủ các quy định này.

Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở Hà Nội. Trước đó, tai TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở GTVT TP cũng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tổ chức khám sức khoẻ và gửi báo cáo trước tháng 3. Tuy nhiên, đến hạn nộp sở này mới chỉ nhận được hồ sơ của 30 DN vận tải. Trước sự chậm trễ này, Sở tiếp tục gửi văn bản cho các DN gia hạn đến hết ngày 31-3, thế nhưng đến thời điểm này Sở mới chỉ nhận được 400 báo cáo về kết quả khám sức khoẻ của doanh nghiệp với hơn 4.000 tài xế.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), cho biết trong trường hợp đến hạn mà các doanh nghiệp vẫn chưa báo cáo hết thì Sở tiếp tục có văn bản đốc thúc. Sau đó Sở sẽ tổng hợp những doanh nghiệp chưa báo cáo và đưa vào danh sách cần thanh tra, kiểm tra. Theo ông Hải, việc khám sức khoẻ cho tài xế là quy định bắt buộc và phải thực hiện hằng năm.

Tuy nhiên, lần này UBND TP yêu cầu doanh nghiệp gửi hồ sơ để Sở kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định hay chưa. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông cho các tài xế, kiên quyết không tuyển dụng những tài xế không đảm bảo sức khỏe, sử dụng chất kích thích khi lái xe.

Được biết, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 6.779 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.128 người, bị thương 5.254 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 711 vụ (giảm 9,49%), số người chết giảm 348 người (giảm 10%), số người bị thương giảm 508 người (giảm 8,82%). Song nhận định về tình hình ATGT, lãnh đạo Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, mặc dù tai nạn giao thông tháng 5 năm 2019 tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2018; tình hình giao thông cơ bản được đảm bảo, thông suốt.

Tuy nhiên, để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội, đáng báo động là tình trạng lái xe sử dụng ma tuý, vi phạm về nồng độ điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (điển hình là 3 vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Bình Định, thành phố Hà Nội).

Đặng Nhật
.
.
.