Xung quanh việc điều chuyển luồng tuyến bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm:

Doanh nghiệp không muốn đi vì lo xáo trộn

Thứ Sáu, 01/07/2016, 09:30
Nguyên nhân việc điều chuyển dựa trên việc tổ chức lại giao thông của thành phố Hà Nội, nhằm mục tiêu giảm thiểu sự ùn tắc và tai nạn giao thông, đảm bảo hướng tuyến và lượng xe khách đi xuyên tâm... Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa lãnh đạo Sở GTVT cùng các doanh nghiệp (DN) vận tải khách mới đây, tất cả các ý kiến đều cho rằng, Hà Nội nên cho DN ở lại bến xe Mỹ Đình vì như thế vừa thuận cho DN vừa thuận cho khách.


Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thẳng thắn cho biết, thời điểm này, Hà Nội quyết liệt chỉ đạo việc điều chuyển bến xe là do “lỗi của anh em mình”. Lỗi là vành đai 3 làm ra để cho xe đi vào trung tâm, tuy nhiên các doanh nghiệp chấp hành không tốt, ngang nhiên đón trả khách trên vành đai 3, trên đường Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng… gây bức xúc cho người dân và thành phố.

Có mặt tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Uy, Giám đốc bến xe Mỹ Đình nêu quan điểm hiện nay các DN đang hoạt động trong bến khá ổn định và lượng khách cũng đã quen. Bến Mỹ Đình cũng đã khang trang, sạch sẽ hơn. “Quan trọng là chúng tôi vẫn còn khả năng tiếp nhận xe mới chứ không hề quá tải”, ông Uy nhấn mạnh.

Theo dự kiến xe đi Nghệ An, Hà Tĩnh ở Mỹ Đình sẽ điều chuyển về Nước Ngầm.

Với vai trò là bến tiếp nhận, ông Nguyễn Quang Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho hay: “Trước nay khi điều chuyển xe đi Nghệ An, Hà Tĩnh từ Giáp Bát về Nước Ngầm, nhiều người tỏ ra lo ngại sự ùn tắc, mất khách. Thế nhưng, đến nay chúng tôi đã làm khá tốt, các tuyến đã hoạt động ổn định. Bến cũng thừa khả năng tiếp nhận các tuyến xe khác. Để chia sẻ khó khăn với DN điều chuyển, trong 1, 2 tháng đầu, chúng tôi có thể không thu bất kỳ khoản gì để hỗ trợ DN. Còn với hành khách, chúng ta sẽ huy động lượng xe trung chuyển vận chuyển hành khách từ bến Mỹ Đình ra bến Nước Ngầm”.

Trong khi đó, đại diện các DN có xe nằm trong diện điều chuyển giai đoạn 1 đều thể hiện quan điểm không muốn dời đi.

Cụ thể, đại diện của Hiệp hội vận tải Nghệ An (có 65 xe nằm trong diện điều chuyển) phát biểu: Hiện giờ các xe đang quen khách, nếu chuyển đi sẽ gây khó cho cả dân và DN. Người dân, học  sinh ở mạn Mỹ Đình nay muốn về Nghệ An sẽ phải tăng thêm chi phí bắt xe ra Nước Ngầm. Vì thực tế, nếu mang vác nhiều ba lô, va li, hàng hóa thì xe buýt không nhận chở, còn nếu bắt taxi thì cũng đến tiền trăm, lấy đâu ra.

Song nếu bắt buộc phải điều chuyển thì mong cho DN hoãn đến năm 2020. Một DN khác ở Nghệ An thì than khó, DN vừa phải đầu tư mấy tỷ để mua xe chạy, nay điều đi, chắc chắn sẽ gặp khó khăn, lấy gì trả ngân hàng. Còn nói mục đích để giảm tải ùn tắc thực tế có phải xe Nghệ An gây ùn tắc, mà do các tuyến khác. 

Vì thế, theo vị này cần xử lý nghiêm các DN có xe hoạt động sai luồng tuyến đón trả khách, không cho những DN làm ăn chộp giật kiểu này vào bến. Cơ quan chức năng làm nghiêm thì sẽ không để ảnh hưởng đến DN khác. Như thế sẽ làm hài hòa lợi ích chung của DN và người dân.

Cùng quan điểm, đại diện của 3 DN có tuyến chạy Hà Nội - Đắk Lắk thẳng thắn hơn: “Việc bến Nước Ngầm đề xuất là hỗ trợ phí nói thật là không đáng. Khách của chúng tôi chủ yếu là từ phía Tây Bắc đi Mỹ Đình. Vì thế, chúng tôi đề xuất được ở lại bến Mỹ Đình để ổn định khai thác”.

Trước các ý kiến của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, các DN không nên đưa lý do vay ngân hàng ra để trì hoãn việc thay đổi điều chuyển. Hà Nội cũng là địa phương xử lý được nhiều xe khách vi phạm nhất cả nước trong thời gian vừa qua, tuy nhiên việc tái phạm vẫn diễn ra. Song vị này cũng hứa sẽ tập hợp lại các ý kiến và có văn bản báo cáo thành phố.

Phạm Huyền
.
.
.