Viết tiếp bài “Báo động dịch vụ cung cấp giấy phép lái xe siêu nhanh, siêu rẻ”:

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu trên địa bàn cả nước để thống nhất quản lý

Thứ Tư, 21/06/2017, 09:37
PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an) về “dịch vụ” cung cấp GPLX siêu nhanh.

Báo CAND số 4333 có bài viết “Báo động dịch vụ cung cấp giấy phép lái xe siêu nhanh, siêu rẻ” phản ánh về tình trạng quảng cáo dịch vụ cung cấp giấy phép lái xe (GPLX) siêu nhanh, siêu rẻ, không do cơ quan có thẩm quyền cấp và những nguy cơ tiềm ẩn đi kèm.

Để có thêm những thông tin liên quan, nhất là trong việc tìm ra các giải pháp ngăn chặn tình trạng “học giả, bằng thật”, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an).

PV: Xin đồng chí cho biết, tình trạng mua bán, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp (hay còn gọi là GPLX giả) cũng như tình trạng “học giả, bằng thật” trong thời gian qua?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Qua theo dõi báo cáo của 63 địa phương từ năm 2014 đến nay, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã phát hiện 4.873 trường hợp lái xe sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đó là chưa kể đến số lượng GPLX giả bị thu giữ thông qua công tác cấp đổi GPLX do các Sở Giao thông Vận tải địa phương quản lý và số GPLX giả chưa được phát hiện xử lý. Trong đó, những địa phương phát hiện nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả là: Tiền Giang, Bình Phước, An Giang, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Lạng Sơn…

Tình trạng mua bán, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp (hay còn gọi là GPLX giả) đang diễn ra phức tạp.

Việc phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới sử dụng GPLX giả xảy ra đối với tất cả các hạng xe (cả môtô và ôtô). GPLX giả tập trung nhiều ở các lái xe khách chạy đường dài Bắc - Nam, hoặc các lái xe container, xe tải hạng nặng…

Hiện nay, nhiều đối tượng sử dụng đồng thời nhiều GPLX với các hạng khác nhau điều khiển một loại phương tiện để đối phó cơ quan chức năng khi vi phạm Luật Giao thông bị kiểm tra.

Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, xử lý, lực lượng CSGT phát hiện nhiều đối tượng sử dụng ma túy, đối tượng bị truy nã nhưng vẫn được cấp đổi GPLX, thậm chí có những đối tượng không biết chữ vẫn được thi và cấp GPLX…

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật.

PV: Nguyên nhân vì đâu, tình trạng rao bán GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng như tình trạng “học giả, bằng thật” tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp như hiện nay?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Theo tôi vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song tựu lại là những nguyên nhân cơ bản sau. Trước hết, do công tác quản lý nhà nước trong việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX còn một số bất cập, từ việc quản lý học viên, sát hạch, cho đến việc quản lý lái xe.

Đơn cử như việc cấp đổi GPLX có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng người tham gia giao thông cứ báo mất là được cấp lại GPLX, nhiều trường hợp bị CSGT giữ bằng xử lý vi phạm nhưng bỏ luôn không đến chấp hành quyết định xử phạt, do đã có GPLX khác hoặc sau một thời gian báo mất để xin cấp lại.

Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng mua, bán GPLX giả, GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp xảy ra ở nhiều địa phương, nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để. Thực tế cho thấy, có rất ít trường hợp người sử dụng GPLX giả bị khởi tố theo tội danh theo quy định hiện hành, chủ yếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đến với mỗi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn còn hạn chế.

Nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả là những đối tượng có trình độ học vấn thấp, nhận thức, kiến thức xã hội còn hạn chế, thậm chí nhiều người không biết chữ nên việc học và thi để được cấp GPLX thực sự gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, lợi dụng tâm lý hoàn cảnh này mà những đường dây mua bán trái phép GPLX giả vẫn tồn tại hoạt động để cung cấp GPLX giả cho các đối tượng có nhu cầu.

PV: Theo đồng chí, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mua bán, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, qua đó đẩy lùi vi phạm, tai nạn giao thông, tới đây, lực lượng CSGT cũng như các cơ quan chức năng cần phải triển khai những giải pháp cụ thể ra sao?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Về mặt quản lý Nhà nước, tôi cho rằng cần xem xét học hỏi vận dụng kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới và khu vực trong công tác sát hạch, cấp GPLX. Cần phân định rõ chức năng đào tạo và chức năng quản lý Nhà nước trong sát hạch đào tạo cấp GPLX.

Theo đó, cơ quan thực hiện nhiệm vụ sát hạch cấp GPLX đồng thời phải là cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Nên nghiên cứu để chuyển giao công tác sát hạch, cấp giấy phép trở lại cho Bộ Công an.

Ngành Giao thông Vận tải vẫn tiến hành đào tạo lái xe nhưng việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe phải do Bộ Công an đảm nhiệm. Có như vậy, công tác quản lý, đào tạo sát hạch và cấp GPLX mới được quản lý thống nhất, chặt chẽ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin về GPLX trên địa bàn cả nước để thống nhất quản lý. Trên cơ sở đó, có căn cứ xử lý đối với những lái xe thường xuyên vi phạm có thể bị tước GPLX có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Đối với các cơ sở đào tạo thông qua khai thác cơ sở dữ liệu về GPLX, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có cơ sở để đánh giá làm rõ chất lượng của cơ sở đào tạo để có hình thức xử lý, nâng cao trách nhiệm trong công tác đào tạo hiện nay. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Kiên quyết xử lý những cơ sở vi phạm quy chế đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Về mặt pháp lý, cần phải điều chỉnh các chế tài đủ sức răn đe các đối tượng phạm pháp như môi giới, cung cấp, làm giả, sử dụng GPLX. Trong đó, cần xem xét nâng cao hình phạt cho hành vi của các đối tượng mua và sử dụng GPLX giả. Bởi lẽ, đa phần ngay từ đầu, người mua GPLX giả để sử dụng cũng đã nhận thức đây là việc làm phạm pháp nhưng vẫn cố tình thực hiện. Do vậy, phải xử lý nghiêm.

Thêm vào đó, các cơ quan chức năng phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức pháp luật về ATGT để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không mua bán, sử dụng GPLX giả, GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, góp phần bảo đảm TTATGT.

PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Trần Huy
.
.
.