Cần kiểm soát chặt hơn để người dân lưu thông an toàn

Thứ Bảy, 30/11/2019, 09:51
Sau nhiều nỗ lực và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tai nạn giao thông (TNGT) đã được kìm chế và kéo giảm với con số thấp nhất trong 20 năm trở lại đây.

“Tuy nhiên, TNGT vẫn có những diễn biến phức tạp, do đó thời gian tới cần áp dụng nhiều giải pháp, đặc biệt là giải pháp hiện đại liên quan đến công nghệ để  người tham gia giao thông tại Việt Nam thực sự được an toàn”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2019 diễn ra ngày 29-11. 

Tai nạn giao thông mỗi năm làm thiệt hại tới 2,5% GDP toàn cầu

Phát biểu khai mạc Hội nghị ATGT, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT). Thiệt hại từ TNGT chiếm khoảng 2,5% GDP toàn cầu, tương đương 1.500 tỷ USD/năm.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Với các nước đang phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, GDP còn thấp như Việt Nam, thiệt hại do TNGT gây ra là rất nghiêm trọng. Từ năm 2011 đến nay, 5 nghị quyết đã được ban hành với mục tiêu đến năm 2020, số người chết và bị thương do TNGT được kéo giảm bằng 50% so với năm 2010. Nếu như năm 2010, TNGT ở Việt Nam cướp đi sinh mạng của khoảng 12.000 người, đến năm 2018, con số này chỉ còn khoảng 8.000 người. 11 tháng năm 2019, số người tử vong do TNGT là 6.975 người/ 15.800 vụ TNGT. 

"Dự kiến, năm 2019 sẽ là năm đầu tiên trong 20 năm qua, Việt Nam sẽ kéo giảm số người thiệt mạng do TNGT xuống con số dưới 8.000 người”, Bộ trưởng nói.

Mặc dù mục tiêu kéo giảm 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT, song, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, TNGT vẫn có những diễn biến phức tạp, mỗi ngày ở Việt Nam vẫn có 20 người chết và 50 người bị thương do TNGT. 

Nhiều vấn đề bức xúc như: lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn tái diễn, trong khi đó việc ứng dụng khoa học vào giám sát, xử phạt còn kém. “Đây là vấn đề Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và các cấp chức năng Việt Nam rất quan tâm. Vì vậy, Hội nghị ATGT Việt Nam 2019 thực sự có ý nghĩa trong việc công bố nhiều kết quả nghiên cứu khoa học về ATGT, tìm các giải pháp để ứng dụng công nghệ từ nghiên cứu vào thực tiễn, giúp kéo giảm TNGT ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung”, Bộ trưởng cho hay. 

Ông cũng bày tỏ hi vọng, Hội nghị ATGT năm 2019 sẽ giúp Việt Nam giải quyết được các vấn đề cốt lõi như: giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, hình thành hệ thống giám sát tự động để kiểm soát hoạt động vận tải trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam; Nghiên cứu các cửa ngõ, trục giao thông quan trọng, quy hoạch giao thông của các đô thị lớn như: đường cao tốc nội đô, đường trên cao để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông; Tìm giải pháp giảm khí thải của các phương tiện, từ nhiên liệu, thiết bị, vòng đời sử dụng, đảm bảo không khí môi trường tốt trong môi trường đông đúc phương tiện; Đưa các nội dung giáo dục văn hóa giao thông vào công sở, trường học bằng các phương tiện truyền thông để vận động mỗi người chấp hành quy định pháp luật ATGT, đảm bảo tính mạng cho mình và người khác.

Tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ chiếm tỷ lệ cao nhất

Theo số liệu báo cáo của Cục CSGT, trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2016-2018 xảy ra 59.382 vụ TNGT đường bộ. Từ số liệu này, phân tích cho thấy TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là các tuyến đường nội thị và tỉnh lộ. 

Cụ thể, đường cao tốc có 284 vụ chiếm 0,6%; Quốc lộ 18.808 vụ chiếm 37,0%; tỉnh lộ 7.351 vụ chiếm 14,5%; đường nội thị là 17.549 vụ chiếm 34,5%; đường nông thôn là 5.704 vụ chiếm 11,2%. Phương tiện gây TNGT ở nước ta chủ yếu vẫn là mô tô, xe máy và ôtô. Trong đó mô tô, xe máy chiếm 66%; ôtô 27,9% và 6,1% dành cho các phương tiện khác. 

Đáng chú ý hơn cả, người bị TNGT trong độ tuổi từ 27-55 (50,4%) và 18-27 (32,7%) chiếm tỉ lệ cao nhất. Khung giờ từ 12-18h (31,1%) và từ 18-24h (39,4%) là khoảng thời gian xảy ra TNGT nhiều nhất trong ngày. Ngoài các đặc điểm nói trên, theo Thượng tá PGS.TS Lê Huy Trí (Học viện  Cảnh sát nhân dân) thì điều kiện chiếu sáng cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là trong điều kiện trời tối, thời tiết xấu. Trước thực tế trên, Thượng tá PGS.TS Lê Huy Trí cũng đưa ra 8 giải pháp để giảm thiểu TNGT đường bộ. Cụ thể là lấy công tác cưỡng chế xử lý vi phạm làm trung tâm và thước đo đánh giá kết quả các hoạt động khác, cũng làm cơ sở để điều chỉnh chính sách, biện pháp bảo đảm; tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp kiểm soát tải trọng xe; xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện; quan tâm đầu tư kinh phí, xây dựng các trung tâm nghiên cứu bảo đảm trật tự ATGT có chất lượng, hiệu quả để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ATGT quốc gia, kết nối giữa các bộ ngành và các địa phương trên toàn quốc…

Trước thống kê cho rằng xe máy là phương tiện gây TNGT nhiều nhất, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức-Chuyên gia tư vấn cao cấp về giao thông lại đưa ra nhận định: dựa theo số liệu tính toán thì điều đó đúng theo nghĩa tổng số TNGT do xe máy gây ra nhiều nhất, nhưng khả năng gây rủi ro TNGT của một chiếc xe máy thấp hơn nhiều so với một chiếc ôtô. 

Thực tế mức độ gây TNGT của ôtô gấp nhiều lần xe máy (khoảng 4,4 lần xét theo số xe lưu hành hay 6,7 lần theo số đăng ký). Vị chuyên gia đưa ra giải pháp, để giảm TNGT do xe máy cần giảm sự gia tăng nhanh chóng số lượng xe. Đồng thời cần tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên ưu tiên phát triển giao thông công  cộng không thể chỉ ở việc gia tăng số lượng xe, giảm giá vé… 

Những điều này là cần thiết nhưng sẽ không đủ nếu trong tổ chức giao thông trên đường, phương tiện giao thông công cộng chưa được ưu tiên để đảm bảo hiệu quả. 

“Việc cấm/hạn chế xe ở khu vực này, đoạn đường kia cũng là biện pháp ngắn hạn. Nhưng tổ chức giao thông theo nguyên tắc “ưu tiên đủ cho giao thông công cộng” mới là chủ trương lâu dài”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức bày tỏ.

Huyền Hương
.
.
.