Phim Việt xuất ngoại: Chập chững lội ngược dòng

Thứ Bảy, 20/04/2019, 08:23
Thay vì chỉ lập các kỷ lục đáng nể về doanh thu phòng vé, nhiều nhà sản xuất phim Việt đã, đang bắt đầu hành trình tìm kiếm, mở rộng cơ hội phát hành phim tại nước ngoài.


Không dừng ở các buổi chiếu giao lưu hay đơn thuần tham gia giới thiệu tại các Liên hoan phim, phim Việt đã đặt những bước đi đầu tiên vào thị trường điện ảnh nước ngoài, mang đến nhiều tín hiệu vui, dù rằng, đây vẫn là cuộc lội ngược dòng nhiều chật vật.

Những ngày này, khi “Lật mặt” phần 4, chủ đề “Nhà có khách” đang trở thành hiện tượng phòng vé ở trong nước, nhà sản xuất – vợ chồng đạo diễn Lý Hải, Minh Hà đã thông báo tin vui mới. Sau những hiệu ứng tốt từ trong nước, đối tác phát hành bên Mỹ đã quyết định mở rộng thêm cơ hội cho bộ phim này. Thay vì chiếu ở những cụm rạp đã ấn định trước đó, phim sẽ tăng thêm địa điểm chiếu. 

Để phục vụ tốt nhất khi ra rạp, cả nhà sản xuất và đơn vị phát hành thống nhất rời lịch chiếu tại Mỹ theo kế hoạch cũ (ngày 19-4) sang ngày 10-5. Đây là thời điểm cận với Ngày của mẹ (ngày 12-5). Nội dung phim đề cao tình mẫu tử thiêng liêng nên ê kíp làm phim kỳ vọng “Lật mặt:  Nhà có khách” phát hành dịp này sẽ thu hút thêm lượng khán giả đến rạp. Riêng kế hoạch phát hành tại Úc, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi.

Phim “Lật mặt: Nhà có khách” trên poster tại Mỹ.

Thực tế, đã có không ít phim Việt xuất ngoại. Tuy nhiên, hầu hết việc đưa phim ra nước ngoài mới dừng ở hoạt động chiếu giao lưu, giới thiệu hoặc gửi tham gia dự giải tại các Liên hoan phim. Sự xuất hiện của phim Việt tại những giải thưởng lớn, dù có khi chỉ… thấp thoáng bên lề cũng nhận được sự ủng hộ, sự chia sẻ và cả niềm hứng khởi cho người yêu điện ảnh nước nhà. 

Một số dự án điện ảnh khác được công bố phát hành dưới dạng DVD nhưng không có thống kê chính xác về doanh thu: Dòng máu anh hùng, Lửa Phật, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Hotboy nổi loạn, cô gái điếm, thằng cười và con vịt… Hoạt động đưa phim phát hành tại hệ thống rạp ở nước ngoài với những công bố rõ ràng, minh bạch về doanh thu chưa nhiều. Trước “Lật mặt: Nhà có khách” mới có “Bẫy rồng”, “Hai Phượng”…

Việc đưa được phim Việt phát hành trong hệ thống rạp chiếu ở nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển không dễ. Như nhà sản xuất Minh Hà chia sẻ thì phía Việt Nam phải mất khá nhiều thời gian đầu tư tìm hiểu nhu cầu về nội dung, công nghệ cũng như hành trình “tiếp thị” không ít khó khăn. Lý do là các nhà sản xuất phim Việt đều “chưa là gì” trong mắt các nhà phát hành, đặc biệt là các “ông lớn” về phát hành phim ở nước ngoài. 

Để tiếp cận với các nhà phát hành này, cặp đôi Lý Hải – Minh Hà liên tục tham gia nhiều Liên hoan phim quốc tế, vừa giới thiệu sản phẩm, vừa tìm hiểu thị hiếu, cung cách làm việc, đồng thời rút kinh nghiệm cho các dự án phim tiếp theo. 

Dù thành công từ 3 phần phim trước nhưng phải đến “Lật mặt” phần 4, bộ đôi mới mạnh dạn giới thiệu dự án phim cho các đối tác. Vì múi giờ lệch nhau nên chuyện thức đêm để chờ hồi âm và trao đổi là chuyện rất bình thường. Rất may là hiện nay phương tiện liên lạc đã dễ dàng hơn. Sau khi gửi mail, công việc còn lại của nhà sản xuất phim là chờ đợi…

Tham gia các liên hoan phim và các hoạt động điện ảnh mang tính quốc tế để tiếp cận các nhà sản xuất, phát hành phim ở nước ngoài cũng là con đường chung của rất nhiều nhà làm phim Việt lâu nay. 

Đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim độc lập – Lương Đình Dũng cho hay, sau 2 năm liên tục đưa tác phẩm dự thi các liên hoan phim quốc tế, anh nhận thấy, từng ban tổ chức liên hoan, quốc gia, nhà sản xuất, phát hành có những tiêu chí đặc thù riêng, đòi hỏi người làm phim Việt phải nắm bắt được và đáp ứng đúng yêu cầu của họ. 

Với anh, các liên hoan phim còn là kênh quảng bá hữu hiệu về bản thân, công ty, dự án, vừa là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, giao lưu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát hành. 

Sau dự án phim đầu tay “Cha cõng con” được đưa đi “1 vòng thế giới” tham gia nhiều liên hoan phim khác nhau, bên cạnh việc gặt hái nhiều giải thưởng, Lương Đình Dũng nhận ra bài học cho riêng mình khi dấn thân với điện ảnh, từ chuyện nghề đến cơ hội hợp tác, kể cả huy động vốn. 

Nhờ hành trình tham gia các liên hoan phim, với hai dự án tiếp theo là “Thành phố ngủ gật” và “578”, Lương Đình Dũng nhận được sự hỗ trợ khá nhiều từ người làm điện ảnh có uy tín của nước ngoài. 

Như phần nhạc phim của “Thành phố ngủ gật”, nếu chưa có sự tìm hiểu và thông cảm lẫn nhau thì người hỗ trợ ê kíp làm phim vốn là một gương mặt có uy tín ở nước ngoài sẽ khó đồng ý hợp tác so với số kinh phí mà anh có thể bỏ ra. Phim “578” có vốn đầu tư đến 60 tỷ đồng, huy động đóng góp từ nhiều phía, trong đó, nhiều nhà đầu tư đồng ý hợp tác cũng nhờ cầu nối là các liên hoan phim. Đây cũng là 2 dự án phim mà Lương Đình Dũng dự kiến phát hành ở nước ngoài, thậm chí coi những thành quả đạt được ở ngoài nước như một kênh quảng bá hữu hiệu trước khi phát hành phim trong nước.

Dù đặt nhiều kỳ vọng phim Việt phát hành ở nước ngoài không chỉ mang lại doanh thu, uy tín và sau đó là huy động vốn làm phim lớn hơn cho các dự án sau, nhưng hầu hết  các nhà sản xuất phim Việt đều cho rằng, con đường này sẽ còn lắm gian nan. 

Nhà sản xuất Minh Hà kỳ vọng, sau khi thành công ở thị trường nước ngoài, phim Việt không chỉ có cơ hội được đầu tư vốn sản xuất lớn, không phải là 1 triệu USD như hiện nay mà là nhiều triệu USD. Điện ảnh cũng sẽ là kênh quảng bá hữu hiệu và nhanh nhất hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. 

Làm được điều này, phim Việt không thể chạy theo điện ảnh các nước, càng không thể cạnh tranh bằng công nghệ mà phải khẳng định được nét riêng có của điện ảnh Việt Nam. Tất nhiên, trước đó, phim sẽ phải đáp ứng những điều kiện nhất định về công nghệ và nhà sản xuất phim Việt khó có thể đáp ứng ngay lần đầu, thậm chí phải trao đổi, chỉnh sửa, cân nhắc rất kỹ và rất nhiều…

Phim “Lật mặt: Nhà có khách” trên poster tại Mỹ.
Phim “Lật mặt: Nhà có khách” trên poster tại Mỹ.
Ngọc Nguyễn
.
.
.