Chuyển đổi số để người dân ĐBSCL nâng cao chất lượng cuộc sống

Thứ Bảy, 29/10/2022, 17:25

Ngày 29/10, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Báo Tiền Phong tổ chức hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở ĐBSCL”.

ĐBSCL có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước, đặc biệt là trong phát triển nông nghiệp. Chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Việc thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giảm rủi ro thiên tai, nâng cao hiệu quả chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, chất lượng cao.

2.jpg -0
Các đại biểu tham dự hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở ĐBSCL”.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số, trong đó xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

TP Cần Thơ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số cấp thành phố. Các ngành, địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh, UBND TP đã phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trên cơ sở Đề án, các ngành, các cấp xác định nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý để triển khai thực hiện theo lộ trình đề ra.

1.jpg -0
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nhận định: “Để người dân ĐBSCL được nâng cao chất lượng cuộc sống thì phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh cảnh được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái.

Điều này cần chuyển đổi số để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hoá sản vật với mảnh vườn nhà mình; truy xuất nguồn gốc hàng hóa sử dụng công nghệ số blockchain để tránh hàng giả, hàng nhái, đưa người dân lên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử”.

Ngoài ra, tại khu vực ĐBSCL, bác sĩ giỏi vừa thiếu, vừa tập trung không đồng đều giữa nông thôn – thành thị.

3.jpg -0
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ TT-TT đề xuất CĐS trong y tế bằng cách ứng dụng bác sĩ AL có thuật toán khám, chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác, hoàn toàn tự động.

Đối với giáo dục, chuyển đổi số bằng cách chọn nền tảng dạy, học trực tuyến, học sinh nông thôn cũng được giảng dạy bởi giáo viên tốt nhất ở thành thị/nước ngoài, học sinh mọi miền đều có cơ hội tiếp cận học liệu như nhau.

Vùng ĐBSCL nên cân nhắc chọn chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là ưu tiên số một để phát triển nhanh nhân lực số.

Văn Vĩnh
.
.
.