Vượt sông, băng rừng đến với bà con Đan Lai

Thứ Năm, 09/03/2023, 16:40

Chiếc thuyền máy đang vật vã ngược dòng nước xiết thì cạn dầu, tiếng máy nổ yếu dần rồi tắt lịm. Con sông Giăng ngạo ngược, gầm réo, chực nuốt chửng con thuyền mỏng manh. Nhanh như sóc, Đại úy Lay Văn Thìn cùng anh em Công an xã với tay túm lấy mấy bụi cây trên sông, gồng người để ghìm con thuyền đứng yên tại chỗ, gấp gáp nói: “Chúng cháu cố định thuyền rồi, bác đổ dầu đi”.

Như đã thành quen, ông lão lái thuyền thoăn thoắt đổ can dầu dự phòng. Rồi con thuyền lại nổ máy tiếp tục hành trình...

13-1.jpg -0
Xã Môn Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV.

“Bà con không ra, thì mình vào”

Đó là một tình huống đáng nhớ khi đoàn công tác chúng tôi quyết tâm theo chân anh em Công an xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An ngược dòng vào với dân bản Cò Phạt. Đây là điểm bản về địa giới hành chính thì thuộc xã Môn Sơn, nhưng vị trí địa lý lại nằm sâu trong lõi rừng Pù Mát.

“Bản Cò Phạt cách trung tâm xã Môn Sơn khoảng 20km. Trước đây, muốn vào bản thì vượt sông ngược lên thượng nguồn là độc đạo. Giờ đã có thêm đường bộ, xe máy, xe tải nhỏ có thể vào được. Con đường gập ghềnh, khúc khuỷu đã nối gần khoảng cách giữa tộc người Đan Lai nơi thâm sơn cùng cốc với cuộc sống văn minh. Cả huyện Con Cuông chỉ có bản Cò Phạt và bản Búng thuộc xã Môn Sơn nằm biệt lập trong rừng Pù Mát. Vì thế, chúng tôi phải thường xuyên vào với bà con”, Đại úy Lay Văn Thìn – Trưởng Công an xã cố nói lớn để át tiếng xuồng máy đang nổ phành phạch.

Sau gần hai giờ đồng hồ, thuyền chạm bờ đất thoai thoải. Men theo con đường đất nhỏ là đến đoạn đường lát gạch, hai bên là ruộng nương xanh mướt. Xa xa, những nóc nhà sàn lúp xúp lẫn trong tán cây rừng. “Bản Cò Phạt đấy”, Đại úy Thìn thốt lên. Đó là một không gian sâu hun hút, xa vời vợi, vắng lặng như tờ, thực sự là ốc đảo hoàn toàn tách biệt.

Vừa đến đầu bản, ông La Văn Tâm – người đàn ông Đan Lai vạm vỡ vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa lớn tiếng chào: “Các anh Công an ngoài xã vào với bà con đấy à”. Cứ thế, câu chuyện giữa các cán bộ Công an và người dân trở nên sôi nổi. Đại úy Thìn chia sẻ với chúng tôi: “Tất cả bà con ở Cò Phạt đều thuộc tộc người Đan Lai – một tộc người thiểu số mà UBND huyện Con Cuông đang có chính sách bảo tồn. Năm 2020, đã từng có kế hoạch di dời các hộ dân ra khỏi 2 bản nằm sâu trong rừng ra xã Thạch Ngàn. Nhưng bà con quen sống với rừng, giờ đi nơi khác họ nhớ nơi cũ, công việc canh tác lạ lẫm, nên nhiều hộ lại đưa nhau trở lại. Bà con không ra, thì chúng tôi phải vào với bà con thôi”.

Anh nhớ lại thời điểm năm 2020, lần đầu tiên cán bộ Công an xã chính quy vượt sông vào bản Cò Phạt để vận động một gia đình phá bỏ chòi lá trong rừng. Chiếc chòi đó người dân dựng lên để hằng ngày thắp hương cho người đã khuất. Vừa thấy bóng sắc phục Công an, bà con lạ lẫm và sợ hãi, bảo nhau chạy vào rừng, nhất định không gặp mặt. “Chúng tôi quyết định ở lại bản đêm ấy. Sáng hôm sau, gặp bà con, chúng tôi giải thích rõ với người dân rằng chúng tôi tôn trọng tập tục của bà con. Nhưng nếu dựng chòi thắp hương trong rừng thì dễ dẫn đến cháy rừng, gây nguy hiểm cho cuộc sống của chính bà con. Đó là lần đầu tiên người dân biết đến Công an chính quy về xã. Ngày hôm sau, họ tự nguyện dỡ chòi. Bây giờ thì khác rồi, bà con đón tiếp chúng tôi nhiệt tình, còn mời ăn cơm nữa. Tuy núi sông cách trở, nhưng chúng tôi tham gia hầu hết các hoạt động chung của bà con. Dịp lễ tết, cưới hỏi, người dân lặn lội từ trong bản ra mời chúng tôi, còn in cả thiếp mời gửi các anh Công an xã. Khi bà con đã mời thì chúng tôi chắc chắn sẽ đến chung vui”, Đại úy Thìn sôi nổi kể.

Cả đoàn đến thăm nhà ông La Văn Linh - Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, là người có uy tín đối với bà con dân bản. Trong ngôi nhà vững chãi và đẹp nhất Cò Phạt, ông Linh vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Nhà chỉ có hai ông bà, 6 người con, 4 gái 2 trai đều vượt khỏi bản làng đi làm ăn kinh tế. Gắn bó cả cuộc đời ở lõi rừng này, ông lão Đan Lai trải lòng: “Ngày trước, vì bà con sống co cụm trong rừng sâu nên dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu lắm. Giờ thì khá hơn nhiều rồi. Người dân đã biết làm ruộng nương, trồng rau. Chi bộ của chúng tôi có 12 đảng viên, có 2 quần chúng đang chuẩn bị được kết nạp Đảng. Có các anh Công an xã vào sinh hoạt chi bộ với thôn bản, tuyên truyền mọi mặt nên bà con yên tâm hơn. Rồi ông lão khoe rằng các cháu nhỏ ở đây đã biết đọc biết viết, được ăn ở sạch sẽ tại điểm trường. Mong rằng khi lớn lên, lũ trẻ sẽ được đi xa để mở mang đầu óc, không phải quẩn quanh nơi lõi rừng heo hút này.

13-2.jpg -0
Đại úy Lay Văn Thìn – Trưởng Công an xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An giúp người dân khắc phục hậu quả trận lũ lịch sử tháng 10/2022.

Vành đai nơi biên giới

Rời bản Cò Phạt, chúng tôi ngồi xuồng máy xuôi dòng ra trung tâm xã Môn Sơn. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Công an xã Môn Sơn là trụ sở... quá đẹp. Khu nhà mới dành cho Công an xã khang trang, rộng rãi. Núi non, sông hồ ngút ngát ngay trước mắt.

Giọng nói ấm, nụ cười dễ mến và sự tận tâm vì cuộc sống bình yên của người dân – đó là ấn tượng của chúng tôi về Đại úy Lay Văn Thìn – người con của đồng bào dân tộc Thái. Đã hơn ba năm Đại úy Thìn từ Công an huyện Con Cuông về làm Trưởng Công an xã Môn Sơn. Lúc đầu chỉ có 3 đồng chí Công an chính quy, chưa có trụ sở riêng, về địa bàn có dân số đông nhất huyện Con Cuông. Bà con dân tộc Thái, Kinh và tộc người Đan Lai sống rải rác ở 14 thôn bản, trong đó có hai bản nằm trong lõi rừng. Nhiệm vụ mới, địa bàn công tác mới, nhưng những khó khăn, thách thức đặt ra không làm anh và đồng nghiệp nản lòng.

Về xã, Đại úy Thìn và anh em Công an xã dành nhiều ngày để nắm bắt “địa bàn khổng lồ” Môn Sơn. Là xã có đường biên giới chung dài 36,5km với nước bạn Lào, địa hình chủ yếu là đồi núi, nhiều khe suối, Môn Sơn được xác định là địa bàn tiềm ẩn phức tạp về hình sự, đặc biệt là hoạt động của tội phạm về ma túy. Trước đây, có nhiều đối tượng vi phạm pháp luật rủ rê, lôi kéo người dân phạm tội, khiến đời sống của bà con luôn bất ổn, gây nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Bởi thế, ngay khi về Môn Sơn, Đại uý Thìn đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải ổn định đời sống cho bà con. Công an xã đã phối hợp tổ chức 6 buổi tuyên truyền lưu động về phòng chống ma túy, tổ chức 5 diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; thông báo đường dây nóng tới 14 thôn bản và treo 28 băng rôn, khẩu hiệu về phòng chống ma túy; mở hòm thư tố giác tội phạm. Trong giải quyết các vấn đề liên quan đến ANTT, Công an xã chú trọng đến việc nắm bắt tâm lý, từ đó giải thích, tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, chấp hành pháp luật. Những kiến thức pháp luật, xã hội tuyên truyền cho bà con qua những buổi anh em Công an xã giúp dân gặt lúa, chạy lũ, hay những lần quyên góp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đại úy Thìn cho chúng tôi biết, năm 2022 là một năm nhiều dấu ấn trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn xã khi bắt 4 vụ, 4 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy; bắt 2 vụ, 2 đối tượng tàng trữ pháo nổ, vận động thu hồi 9 khẩu súng tự chế, 11 bộ kích điện và thu hồi 4 bình ắc quy kích điện,…

Với người đã chấp hành án trở về địa phương, Công an xã lập hồ sơ theo dõi, quản lý, giúp đỡ họ. Đặc biệt, mô hình “Điển hình tiên tiến tái hòa nhập cộng đồng” là một sáng kiến nhằm mục đích giúp đỡ các đối tượng có quá khứ lỗi lầm tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2017, Lô Văn Thuyên (sinh năm 1975, trú tại xã Môn Sơn) bị bắt về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Năm 2019, sau khi Thuyên chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương, Công an xã đã lập hồ sơ quản lý, thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền. Nhờ đó, anh Thuyên vượt qua mặc cảm, tu chí làm ăn, tích cực tham gia phong trào tố giác tội phạm.

Năm 2022, Công an xã đã tham mưu UBND xã Môn Sơn ra mắt mô hình “Điển hình tiên tiến tái hòa nhập cộng đồng”. Anh Thuyên chính là gương điển hình của mô hình này, được tặng một phần quà và gà giống để phát triển kinh tế. Cũng trong năm 2022, Công an xã Môn Sơn đã triển khai thành công mô hình “Xã biên giới sạch về ma tuý”, tạo lập “vành đai biên giới” vững chắc phía Tây Nghệ An.

Huyền Châm
.
.