Những người lính nén nỗi đau riêng cùng đồng đội lao vào tâm dịch

Chủ Nhật, 26/09/2021, 07:46

Dịch COVID-19 quá khốc liệt, nó không chỉ gây ảnh hưởng về kinh tế mà còn gây ra bao nhiêu mất mát đau thương không gì bù đắp được. Người người bị ảnh hưởng, nhà nhà bị ảnh hưởng, ngay cả những người trên tuyến đầu chống dịch cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng này, trong đó có lực lượng Công an, quân đội.

Người thân mất, gia đình bị nhiễm bệnh. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau người thân mất nhưng không thể về chịu tang nhìn mặt lần cuối. Tuy vậy đối với những cán bộ chiến sĩ CAND hay quân nhân, họ phải nén đau thương, gắng gượng để hoàn thành nhiệm vụ của mình…

truc chot 1.jpg -0
Những chiến sĩ Công an nén nỗi đau riêng để tiếp tục xông pha trên tuyến đầu chống dịch.

Tại khu vực phía Nam, Long An là một trong những địa bàn có số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2, số người mắc bệnh, số người tử vong cao. Là vùng dịch, ngoài lực lượng Công an, quân đội đóng trên địa bàn thì còn có hàng trăm cán bộ chiến sĩ CAND, quân đội được điều động về tham gia chống dịch.

Những ngày dịch bùng phát dường như mặt trận tuyến đầu này làm việc 24/24h, ăn ngủ tại ngay nơi làm việc. Họ phải xa gia đình, người thân, vợ con để dốc sức chiến đấu, đến nỗi khi người thân mất, họ cũng chỉ biết bái vọng từ xa vì dịch bệnh căng thẳng, vì nhiệm vụ chưa hoàn thành. Có những nỗi đau mà họ chỉ biết giấu kín vào trong để không gây ảnh hưởng đến công sức chống dịch của tập thể.

Chiếc bàn thờ được Công an huyện Đức Hòa lập vội ngay trụ sở Công an huyện để Thiếu tá Đoàn Chí Tâm-Phó Đại đội trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ có thể bái vọng mẹ từ xa. Thiếu tá Tâm là cán bộ được điều động tăng cường về Đức Hòa tham gia công tác phòng, chống dịch.

Trong lúc làm nhiệm vụ hay tin mẹ mất, Thiếu tá Tâm không về được bởi dịch bệnh phức tạp, nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đứng cạnh tấm di ảnh mẹ, Thiếu tá Tâm nghẹn ngào: “Mẹ tôi sinh cả thảy 6 anh chị em, một số người theo đường binh nghiệp.

Mẹ mất, dịch bệnh, công tác nên anh chị em một số không về được. Đã 5 tháng nay tôi chưa một lần về thăm mẹ, thăm gia đình nhỏ của mình. Mẹ mất, nhưng nhiệm vụ vẫn còn đang dang dở nên chỉ biết giấu đi nỗi buồn. Mong sao dịch mau chóng được ngăn chặn để tôi được về thắp cho mẹ nén nhang!”.

Thượng tá Nguyễn Sơn-Trưởng Công an huyện Đức Hòa chia sẻ với nỗi đau mất người thân của Thiếu tá Tâm. Trước khi được tăng cường về Đức Hòa, Thiếu tá Tâm được tăng cường 3 tháng ở Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Khi làm nhiệm vụ ở Đức Hòa, Thiếu tá Tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hồi tháng 8, khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực thị trấn Đức Hòa, Thiếu tá Tâm cùng đồng đội kịp thời hỗ trợ 1 sản phụ bị mất nhiều máu do sinh non tại nhà đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - khu vực Hậu Nghĩa cấp cứu và được Giám đốc Công an tỉnh động viên, tặng giấy khen.

Chiếc bàn thờ được đặt giữa trụ sở UBND xã Phước lợi, huyện Bến Lức được cán bộ chiến sĩ Công an huyện lập lên để Đại úy Nguyễn Thanh Trạng-Phó Trung đội trưởng, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ Tây Nam bộ bái vọng mẹ ở quê nhà Hậu Giang.

Dù rất nóng lòng được về chịu tang mẹ nhưng vì nhiệm vụ chống dịch, Đại úy Trạng đành nén đau thương tiếp tục ở lại cùng đồng đội làm nhiệm vụ. Được điều động về làm nhiệm vụ ở Bến Lức, nhiều tháng nay, Đại úy Trạng luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Xa mẹ, xa gia đình nhỏ, mỗi lần nhớ nhà, Đại úy Trạng chỉ có thể nhìn thấy họ khi gọi điện thoại.

Giống như lực lượng CAND, lực lượng Quân đội cũng được điều động về Long An để tham gia chống dịch, nhiều cán bộ, chiến sĩ còn trẻ mới lập gia đình đều lao vào công tác để vơi đi nỗi buồn nhớ nhà. Với họ dịch bệnh được dập sớm thì ngày trở về nhà sẽ gần hơn.

Tuy nhiên có những nỗi đau không nói thành lời mà chỉ biết giấu nhẹm trong tim khi người thân của mình mất mà không thể về chịu tang. Đại úy Đặng Quang Sung, trợ lý tham mưu, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Huệ được tăng cường đến huyện Đức Hòa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Trong lúc làm nhiệm vụ, Đại úy Sung nhận được tin mẹ qua đời. Đức Hòa -Đức Huệ, 2 huyện cách nhau chẳng bao xa nhưng do làm nhiệm vụ ở “vùng đỏ” lo lắng khi về nhà sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người cha già, phá đi biết bao công sức bảo vệ “vùng xanh” của địa phương nên Đại úy Sung đành nén đau thương lập bàn thờ bái vọng mẹ từ xa.

Tình cảnh tương tự Đại úy Sung, trong lúc đang cùng đồng đội chống dịch COVID-19 khu vực biên giới, Trung tá Văn Văn Kiệt, Phó Đội trưởng trinh sát, Tổ trưởng Tổ Kiểm soát lưu động Rạch Chanh, Đồn Biên phòng Tuyên Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) đau đớn khi hay tin người mẹ vừa qua đời tại thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Dù nhà trong tỉnh Long An nhưng Trung tá Kiệt không thể về chịu tang mẹ.

Trung tá Kiệt chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, tôi chưa một lần về thăm nhà dù gia đình ở ngay trong tỉnh. Các đồng đội đang kiên cường ngày đêm bám đường biên giới, cột mốc, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho nhân dân thì sao có thể vì chuyện riêng để về nhà! Chỉ mong dịch bệnh được ngăn chặn, tôi được về nhà thắp cho mẹ nén nhang!”.

Không chỉ cha mẹ già mất, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ, chiến sĩ còn mất đi những người vợ hiền, con thơ bị nhiễm bệnh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được cơ quan xem xét để về quê chịu tang, tuy nhiên với tâm thế của một chiến sĩ CAND, một quân nhân họ biết dịch bệnh rất phức tạp, làm nhiệm vụ tại những nơi dễ mắc bệnh thì việc họ trở về dễ mang mầm bệnh sẽ lây cho người thân, nhất là con nhỏ.

Nỗi đau của những người lính được giấu kín cho riêng mình, họ chấp nhận những mất mát, hy sinh để tập trung chiến đấu với dịch bệnh. Có cán bộ, chiến sĩ nhớ con, quay quắt tranh thủ ghé ngang nhà nhưng chỉ đứng nhìn con từ xa rồi lặng lẽ quay lại đơn vị tiếp tục công tác.

Anh Thư
.
.