Nhớ những ngày vào chiến dịch cấp căn cước công dân

Thứ Sáu, 20/08/2021, 09:55

Trong quãng thời gian thực hiện "chiến dịch" cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, là người trực tiếp tham gia “4 cùng” với các đồng chí đồng đội (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng đồng hành), tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện xúc động, thấy được rất  nhiều hình ảnh đẹp "vì nhân dân phục vụ" từ những con người dung dị giữa đời thường.

Những câu chuyện dưới đây được tôi ghi lại tại các đơn vị thuộc Công an tỉnh Thanh Hoá - tỉnh có dân số lớn thứ 3 cả nước, được Bộ Công an chọn là một trong 10 địa phương trọng điểm cấp CCCD gắn chíp điện tử.

Xúc động được Bộ trưởng tới thăm, động viên

Mường Lát là huyện biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có đường biên giới dài trên 100km, giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào), 95% dân số của huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều vùng có địa hình núi đồi cheo leo, giao thông đi lại rất gian nan. Tuy nhiên, “trong gian khó, tỏ lòng người”, Mường Lát trở thành điểm sáng cả về tiến độ, chỉ tiêu cấp CCCD gắn chíp điện tử. Những địa bàn vùng sâu, vùng xa đã được hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp điện tử từ rất sớm.

Trong chuyến công tác trao nhà mẫu và kinh phí hỗ trợ xây dựng 600 căn nhà cho các hộ nghèo ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 21/3/2021, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tới thăm tổ công tác cấp CCCD gắn chíp lưu động của Công an huyện Mường Lát tại Nhà văn hóa bản Khằm 2, xã Trung Lý. Đây là cuộc ghé thăm khá bất ngờ vì không nằm trong kế hoạch như dự kiến ban đầu của Bộ trưởng. Nhưng khi hay tin cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Mường Lát đang tổ chức cấp CCCD gắn chíp lưu động tại bản Khằm 2, Đại tướng Tô Lâm đã quyết định ghé thăm, động viên tổ công tác trước khi tiến hành buổi lễ trao nhà mẫu và kinh phí hỗ trợ. Chính điều này đã đem lại những cảm xúc và góc nhìn chân thực về hoạt động cấp CCCD gắn chíp tại một địa bàn vùng sâu, vùng xa; là món quà rất ý nghĩa đối với cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Thanh Hóa nói chung và Công an huyện Mường Lát nói riêng.

Nhớ những ngày vào chiến dịch cấp căn cước công dân -0
 Bộ trưởng Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo kiểm tra công tác cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử tại bản Khằm II, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (tháng 3/2021).

Hôm đó vào sáng chủ nhật, tiết trời đang chuyển lạnh, mưa nhẹ và sương mù giăng khắp bản, khung cảnh núi rừng trông giống như một bức tranh thủy mặc khiến tôi liên tưởng đến những câu trong bài thơ "Tiếng hát con tàu" của nhà thơ Chế Lan Viên:

Nhớ bản sương giăng,

nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua

lòng lại chẳng yêu thương

 Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

 Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

Mặc dù thời tiết khắc nghiệt là vậy nhưng theo lịch đã thông báo với bà con xã Trung Lý, cán bộ chiến sỹ Công an huyện Mường Lát vẫn đến từ rất sớm, chuẩn bị lắp đặt các thiết bị, giấy tờ, bàn đón tiếp, nước uống… phục vụ người dân. Sương mờ còn chưa tan, xe của Bộ trưởng đã dừng lại trước lối rẽ vào sân nhà văn hoá bản Khằm. Tại đây, đồng chí Bộ trưởng bắt tay động viên cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ cấp CCCD gắn chíp, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ, đề xuất, những kinh nghiệm, cách làm hay, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm "bám dân, bám bản" để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Chứng kiến người dân đang xếp hàng và làm các thủ tục cấp CCCD, Bộ trưởng ân cần thăm hỏi sức khoẻ, tìm hiểu đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Bộ trưởng đến từng bàn, từng bộ phận để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chiến sỹ. Bộ trưởng yêu cầu đồng chí Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an cấp huyện bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD và mong cán bộ, chiến sỹ tiếp tục khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mường Lát là địa bàn xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, để hoàn thành chỉ tiêu đã được giao còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, không có món  quà tinh thần nào ý nghĩa hơn là được nhân dân tin tưởng, yêu thương và cấp trên ghi nhận những nỗ lực cố gắng của mình.

Nhớ những ngày vào chiến dịch cấp căn cước công dân -0
Công an Thanh Hóa sử dụng ôtô lưu động cấp CCCD cho người dân. 

Những câu chuyện lay động trái tim

Qua quá trình “4 cùng” với các đồng đội, tôi thực sự xúc động khi nhiều cán bộ, chiến sĩ đã gác lại việc riêng để gánh vác việc chung cùng đơn vị. Điển hình như Thiếu úy Lê Đình Hoàng và Thiếu úy Bùi Thị Bình Triệu là sinh viên cùng tốt nghiệp Học viện ANND, nhận công tác tại Công an huyện Ngọc Lặc đúng thời điểm triển khai 2 dự án. Do cả hai đã “thuận lòng” và chờ đợi ngày ra trường để nên duyên nên ngay sau khi nhận quyết định điều động của Giám đốc Công an tỉnh về công tác tại Công an huyện, hai bên gia đình đã gặp gỡ, thống nhất ấn định ngày cưới và tiến hành xong các thủ tục cần thiết.

Tuy nhiên, ngày về công tác tại Công an huyện cũng là lúc cả hai nhận nhiệm vụ tham gia 2 dự án với chuỗi thời gian khá dài, khối lượng công việc và tinh thần sục sôi của "chiến dịch thần tốc" không chậm chễ nên cả hai quyết định thống nhất với gia đình gác lại việc riêng để lo việc chung cùng đơn vị.

Hay trường hợp của Thiếu úy Đặng Châu Oanh, cán bộ đảm nhiệm công tác cấp, quản lý  CCCD - Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Ngọc Lặc đã có kinh nghiệm 4 năm công tác tại đơn vị, được đánh giá là cán bộ có chuyên môn tốt, thành thạo trong công tác cấp CCCD. Dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2021, Oanh không may bị ngã xe gãy chân, phải sử dụng nạng để di chuyển. Tuy nhiên, chỉ ít ngày nằm điều trị, Oanh báo với chỉ huy rằng “thấy anh em làm việc cần mẫn suốt ngày đêm, mình có kinh nghiệm về làm CCCD mà ôm chân nằm điều trị thế này lòng như lửa đốt”.

Thế rồi, Oanh đề nghị lãnh đạo đơn vị cho phép mình tham gia cùng đồng đội làm các phần việc sử dụng phần mềm vi tính, ít di chuyển. Vậy là, với sự trợ giúp của đồng đội, lúc đưa đón bằng ôtô, lúc xe máy, người cán bộ lọc cọc nạng gỗ vẫn tham gia đầy đủ các ca làm việc và phát huy tối đa sở trường kinh nghiệm công tác của mình. Tiếng nạng gỗ lọc cọc mỗi sáng mai ở các trạm cấp CCCD lâu dần nên quen, có đồng đội thấy vậy đùa vui “có ngày chưa nghe tiếng nạng kêu lại thấy hình như thiếu đi điều gì đó".

Thực là, trong gian nan, thử thách càng toát lên sự sáng tạo, sự cần mẫn, sự gánh vác chia sẻ khó khăn. Ngày nay, trong guồng quay đời sống mới với bao mối lo toan, chúng ta đã từng nghĩ phải chăng đã qua rồi cái thời “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, qua rồi cái thời thanh niên nắn nót viết những châm ngôn sống vì nghĩa lớn, việc chung mà gác lại  việc riêng tư. Nhưng thực tiễn trong công tác, chiến đấu của lực lượng CAND mà "chiến dịch" cấp CCCD là một điển hình đã toát lên biết bao câu chuyện xúc động, nhân văn từ những con người chân thực, dung dị giữa đời thường. Chỉ có những con người trong cuộc, chỉ có những người kinh qua môi trường giáo dục, luyện rèn mới khẳng định, toát lộ bản chất,  làm ngời sáng màu áo CAND vốn giản dị, chân phương…

Vừa cấp CCCD vừa chống dịch COVID-19, chính vì thế nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác cấp CCCD gắn chíp sẽ nặng nề và khó khăn hơn. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, hơn 5 tháng "vừa chạy, vừa xếp hàng" đã để lại rất nhiều kỷ niệm, cùng nhau vượt qua mọi gian khó nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua nổi, lưu giữ trong tim mình những hình ảnh thật đẹp với nhiều cung bậc cảm xúc; một khoảng thời gian rất tuyệt vời trong sự nghiệp.

Sau này chúng tôi có thể tự hào kể cho mọi người nghe “chiến dịch” này hào hùng như thế nào. Người lính dưới thời bình đã đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ và cả máu cùng nước mắt để đặt nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai, góp phần xây dựng hoàn thiện đúng như câu Slogan chạm tới cảm xúc của tất cả mọi người: "Dữ liệu dân cư kiến tạo chính phủ số - CCCD đặt nền tảng công dân số".

 Lê Thị Quỳnh Hương
.
.