Hồi ức người lính cứu hỏa vùng ban trắng

Thứ Hai, 04/10/2021, 08:19

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp được gặp gỡ người thủ lĩnh Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy năm xưa - ông Nguyễn Xuân Huy, ở tổ 7 phường Quyết Tâm, TP Sơn La, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh Sơn La.

Qua câu chuyện kể của ông về chuyện đời, chuyện nghề, chúng tôi như được quay ngược thời gian về cách đây mấy thập kỷ, khi chàng thanh niên quê Phú Thọ đang là sinh viên Trường Công an Trung ương II ở Việt Bắc đã cùng 13 đồng chí lên Sơn La phục vụ công tác chiến đấu và gắn bó với mảnh đất này cho đến tận bây giờ.

Năm 1966, ông được phân công công tác tại Phòng Cảnh sát nhân dân, trải qua nhiều vị trí công tác, đến năm 1986, ông được điều động về làm Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Lúc bấy giờ đơn vị chỉ có 12 cán bộ, chiến sỹ, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, trình độ của cán bộ, chiến sỹ còn non trẻ, hầu như chưa được đào tạo chuyên nghiệp, phương tiện chữa cháy chưa có, ngày ấy tất cả cán bộ, chiến sỹ đi công tác xuống địa bàn cơ sở rất vất vả, giao thông đi lại khó khăn và đều phải đi bằng phương tiện vận tải hành khách. Nhưng không vì thế anh em nhụt chí mà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhấp ngụm nước trà, ông say sưa kể tiếp, vào cuối năm 1986, Bộ Công an trang cấp cho đơn vị 2 xe chữa cháy, quân số được bổ sung thêm 20 đồng chí đều là những chiến sỹ từ các đơn vị khác chuyển về, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy thì đầu năm 1987 xảy ra vụ cháy lớn ở khu vực bản Lầu, thị xã Sơn La (nay là TP Sơn La). Đây là một bản đông dân cư, người dân sống chủ yếu trong những ngôi nhà tranh vách nứa và nhà sàn có chứa nhiều chất dễ cháy nên đám cháy lan rất nhanh.

Ngay sau khi nhận được thông tin, ban lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã chỉ huy cán bộ, chiến sỹ sử dụng 2 xe chữa cháy đi thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sỹ vừa chữa cháy vừa huy động bà con nhân dân và các lực lượng khác leo lên dỡ những mái nhà tranh để tạo khoảng cách ngăn lửa không cho cháy lan sang những ngôi nhà khác.

Hồi ức người lính cứu hỏa vùng ban trắng -0
Đồng chí Nguyễn Xuân Huy bên gia đình.

Chiến đấu với giặc lửa trong nhiều giờ, hình ảnh những người lính cứu hỏa với gương mặt đen nhẻm vì khói, lửa, người ướt đẫm mồ hôi nhưng ai nấy đều khẩn trương, trách nhiệm làm hết sức mình. Đến 23h, đám cháy mới được khống chế, các cán bộ, chiến sỹ lại tiếp tục tiếp cận hiện trường, dập tàn tro.

Ông cho biết, đau xót nhất là khi tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà bị thiêu rụi, thi thể người chết cháy. Hôm đó gió lào rất to, đám cháy lan nhanh đã thiêu rụi 180 ngôi nhà tranh của các hộ dân nhưng nếu không có những người lính cứu hỏa có những phương án chữa cháy cũng như lựa chọn con đường cơ động nhanh nhất để đón đầu không cho đám cháy lan sang các khu vực khác thì không biết thiệt hại sẽ nặng nề như thế nào.

Sau đó 1 năm lại xảy ra vụ cháy tại khu rừng Pú Thẳm Cọng, xã Chiềng An. Nguyên nhân do 4 cháu học sinh vào rừng lấy củi, đốt lửa nướng sắn vô ý để lửa cháy lan vào rừng làm thiệt hại hơn 10ha rừng loi núi đá xen lẫn gỗ tái sinh.

Khi đám cháy xảy ra, hàng trăm người từ các lực lượng gồm Kiểm lâm, Công an, lực lượng chữa cháy của HTX Bó Cá, xã Chiềng An và HTX Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm và người dân tổ chức dập lửa cứu rừng, làm đường băng cản lửa không cho đám cháy lan xuống các bản, làng xung quanh đồi Thẳm Cọng. Với tinh thần trách nhiệm, kịp thời tổ chức chữa cháy, kết quả đã nhanh chóng dập tắt được lửa rừng, hạn chế được thiệt hại tài nguyên rừng, bảo vệ được nhà cửa và tài sản của nhân dân.

Sau vụ cháy tại khu vực bản Lầu và vụ cháy rừng Thẳm Cọng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành, các huyện, thành phố đã quan tâm hơn đến công tác PCCC, rõ rệt nhất là từ sau tổng kết 30 năm thực hiện pháp lệnh PCCC (4/10/1991), Ban chỉ đạo PCCC các cấp, lực lượng PCCC dân phòng các xã, bản, cơ quan, đơn vị được thành lập và đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Lực lượng này không chỉ trực tiếp tham gia vào công tác chữa cháy mà còn làm tốt công tác tuyên truyền vận động bà con nhân dân thực hiện tốt các quy định về phòng cháy chữa cháy, từ đó phòng ngừa hiệu quả các vụ cháy xảy ra trên địa bàn.

Năm 1990, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh Sơn La, trên cương vị mới ông đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, có thời điểm đơn vị cử có 5-6 cán bộ đi học cùng lúc, đào tạo chuyên sâu về kỹ chiến thuật phòng cháy, chữa cháy bài bản góp phần nâng cao chất lượng công tác, chiến đấu.

Bên cạnh đó ông cùng với tập thể lãnh đạo đơn vị đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, trong đó tập trung hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân về công tác phòng cháy chữa cháy; kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ chữa cháy cơ sở, dân phòng; đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy tại cơ sở cũng như tăng cường luyện tập sẵn sàng chiến đấu. 

Giờ đây sau hơn 30 năm nỗ lực vượt khó vươn lên, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Sơn La đã được kiện toàn về lực lượng và được đầu tư thêm nhiều trang thiết bị kỹ thuật chữa cháy hiện đại, cơ sở vật chất khang trang hơn, cán bộ, chiến sỹ được đào tạo chính quy, tinh nhuệ hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đến nay, mặc dù đã nghỉ hưu được 18 năm, nhưng ông Nguyễn Xuân Huy thỉnh thoảng vẫn về thăm lại đơn vị xưa nơi ông đã từng gắn bó 18 năm, động viên, khích lệ và truyền lại những kinh nghiệm quý báu cho cán bộ, chiến sỹ trẻ. Trong đôi mắt ấy luôn ánh lên niềm tự hào về lớp thế hệ trẻ đang ngày một trưởng thành hơn trong công tác, chiến đấu.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, người thủ lĩnh năm nào luôn mong muốn đơn vị giữ được tinh thần đoàn kết, gắn bó, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu vươn lên, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành.

Minh Phượng
.
.