Chuyện Công an xã vận động người dân xóa bỏ hủ tục “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc”

Thứ Tư, 15/03/2023, 08:08

Thời gian qua, bên cạnh công tác đảm bảo tình hình ANTT, giúp đỡ người dân ứng phó thiên tai, sạt lở đất, Công an xã Ba Lế, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) còn tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục có hiệu quả, nhất là hủ tục “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc”.

Với sự nỗ lực, cố gắng của mình, Công an xã Ba Lế đã vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu. Đặc biệt, Công an xã Ba Lế được công nhận là gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua đặc biệt kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có Sáu điều dạy CAND (11/3/1948-11/3/2023).

Từ thị trấn Ba Tơ, sau gần một giờ đồng hồ di chuyển trên con đường liên xã xuống cấp, trơn trượt do những cơn mưa rừng rả rích, vượt qua cầu Nước An, cầu Sông Liên 1 và Sông Liên 2, PV Báo CAND cũng đã đến được trụ sở Công an xã Ba Lế nằm cùng khuôn viên khu hành chính của xã.

Đứng đợi trong dãy nhà làm việc cũng là nơi sinh hoạt ăn ở của Công an xã, Thượng úy Lê Văn Ân, Phó trưởng Công an xã Ba Lế niềm nở đón tiếp chúng tôi. Rót chén trà ấm nóng, anh chia sẻ: Ba Lế là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ba Tơ, cách trung tâm huyện hơn 12km về hướng tây nam; địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối, trong đó có dòng sông Liên. Toàn xã có 502 hộ, 1.835 nhân khẩu; trong đó dân tộc Hrê có 472 hộ, 1.753 nhân khẩu; diện tích tự nhiên là hơn 9.521ha được chia làm 4 thôn, 6 khu dân cư. Hiện, Công an xã Ba Lế có 1 Phó trưởng Công an xã phụ trách; 3 Công an viên chính quy và 4 Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo đảm ANTT tại 4 thôn trên địa bàn xã. “Dù lực lượng khá mỏng, trong khi khối lượng công việc lớn và địa hình rộng, song tập thể Công an xã Ba Lế chúng tôi vẫn luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Thượng úy Lê Văn Ân chia sẻ.

Hầu hết người dân xã Ba Lế là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn và còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, trong đó có hủ tục “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc”. Theo cách nghĩ của đồng bào, “đồ độc” là tạp chất gồm đất được lấy từ mộ của người chết, xương động vật, chén mẻ, lông trâu… trộn lẫn vào nhau. Khi muốn hại người khác thì dùng “đồ độc” đụng vào người hoặc cho ăn, uống và nguyền rủa thì nạn nhân sẽ chết. Dù chưa ai từng nhìn thấy “đồ độc”, nhưng đó là điều rất đáng sợ và bám sâu vào tâm thức của người dân miền núi. Phần lớn các nghi kỵ xảy ra khi có người chết, trâu bò chết hoặc đau ốm, dịch bệnh.

2.jpg -0
Công an xã Ba Lế giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng do mưa bão năm 2022.

Trước thực tế đó, Công an xã Ba Lế đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục. Đặc biệt, đã tham mưu Thường trực Đảng ủy, UBND xã Ba Lế và trực tiếp tuyên truyền, vận động, ổn định đời sống của người dân tại thôn Làng Tốt, xã Ba Lế sau vụ án “Giết người” do “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc” xảy ra vào tháng 7/2020 tại thôn Làng Tốt. Đây là vụ án làm chấn động, gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Mặc dù trước đó việc “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc” đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huyện Ba Tơ nói chung và xã Ba Lế nói riêng nắm bắt, kịp thời chỉ đạo các ban, ngành, hội đoàn thể phối hợp tuyên truyền, giải quyết nhiều lần, song việc “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc” vẫn ngấm ngầm diễn ra.

Sau khi xảy ra vụ việc, Công an xã Ba Lế phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện Bơ Tơ và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Ngãi thực hiện tốt công tác nắm tình hình, bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và bắt giữ đối tượng thực hiện hành vi giết người để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí lực lượng thường xuyên bám địa bàn tuyên truyền, vận động không để xảy ra tình hình phức tạp trên địa bàn thôn Làng Tốt, ổn định đời sống nhân dân.

Thượng úy Phạm Văn Nãy, cán bộ Công an xã Ba Lế phụ trách địa bàn thôn Làng Tốt cho biết thêm, nhờ vào sự kiên trì bám sát địa bàn cơ sở của lực lượng Công an mà hủ tục “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc” tại Làng Tốt đã được kiểm soát; người dân đã ổn định tư tưởng, gắn bó mật thiết với lực lượng Công an xã, tích cực tham gia lên án, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn.

Thượng úy Phạm Văn Nãy chia sẻ, tại thôn Làng Tốt có xóm Vảgiari với khoảng 15 hộ dân nằm bên kia dòng sông Liên. Do nơi đây chưa có cầu nên vào mùa kiệt, khi nước sông Liên xuống thấp, người dân, học sinh dễ dàng lội qua sông để sang bên kia làm rẫy, đi học. Còn mỗi mùa mưa bão thì việc sang bên kia sông Liên của người dân xóm Vảgiari gặp rất nhiều khó khăn, học sinh phải nghỉ học do nước sông Liên dâng cao, chảy xiết. Do đó, trong khi làm nhiệm vụ bám địa bàn thôn Làng Tốt vào khoảng tháng 10, 11 năm ngoái, Thượng úy Phạm Văn Nãy đã thường xuyên cõng các em học sinh Tiểu học vượt sông Liên để đến trường khi nước sông Liên sâu hơn 1m, các em không thể tự lội bộ qua sông. Hình ảnh cõng các em qua sông của Thượng úy Phạm Văn Nãy đã được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc bình chọn hạng mục Hình ảnh lan tỏa của Ấn tượng VTV Awards. Ngoài ra, anh còn đại diện cho Công an các xã khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia chương trình để lan tỏa hình ảnh đẹp của người CAND với tiêu đề “Để người dân tin yêu” tại Đà Nẵng do Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8) thực hiện.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Lế Phạm Thị Lăng đánh giá rất cao vai trò của lực lượng Công an xã chính quy khi đã thực hiện tốt nhiệm vụ bám sát địa bàn cơ sở, đảm bảo giữ vững tình hình ANTT, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân mỗi khi thiên tai, bão lũ hay các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã Ba Lế đã xung kích trong việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Thượng tá Trần Ngọc Hải, Trưởng Công an huyện Ba Tơ khẳng định, Công an xã Ba Lế là một trong những Công an xã chính quy trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả vai trò của mình ở cơ sở, từ việc thực hiện công tác dân vận đến đảm bảo ANTT. “Thời gian qua, lực lượng Công an xã Ba Lế đã rất sát dân, gần dân, thực hiện “4 cùng” để bám địa bàn từng thôn, từng khu dân cư nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân, vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nhất là “nghi kỵ cầm đồ thuốc độc”; tham gia giúp đỡ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, được cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo Công an huyện và nhân dân ghi nhận, biểu dương…”, Thượng tá Trần Ngọc Hải nói.

Ngọc Thi
.
.