Tạo cơ sở pháp lý, nâng cao toàn diện năng lực, khả năng tác chiến cho Cảnh sát cơ động

Thứ Sáu, 18/06/2021, 08:05
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của CSCĐ. Việc quy định cụ thể trong luật sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ giúp CSCĐ nâng cao toàn diện năng lực, khả năng tác chiến của CSCĐ, sẵn sàng cơ động giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ.


Chưa được quy định cụ thể

Thực hiện các quy định của Pháp lệnh CSCĐ và pháp luật có liên quan, trong thực tiễn hiện nay, CSCĐ đang phát huy tốt vị trí, vai trò của mình trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, CSCĐ được thực hiện các biện pháp công tác quy định trong các văn bản pháp luật dưới luật.

Theo đó, CSCĐ luôn duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến đấu sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ khi có điện, mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an và các cấp có thẩm quyền. Triển khai lực lượng, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; các sự kiện trọng đại của đất nước.

Dự thảo Luật CSCĐ đã quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của CSCĐ.

Xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phối hợp với các lực lượng giải quyết có hiệu quả các vụ bạo loạn, biểu tình gây rối, các “điểm nóng” an ninh nông thôn hiệu quả. Cụ thể như giải quyết vụ biểu tình tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh (tháng 5/2014); các vụ biểu tình gây rối an ninh, trật tự tại các tỉnh khu vực miền Trung liên quan đến sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra (năm 2016 và năm 2017); vụ biểu tình tại Bình Thuận và một số địa phương khu vực phía Nam liên quan đến việc phản đối Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gây thiệt hại lớn về tài sản và phương tiện (năm 2018) và gần đây nhất là vụ việc phức tạp liên quan đến tranh chấp đất đai tại xã Ia Chim, Kon Tum (tháng 7/2019).

CSCĐ đã tổ chức lực lượng tham gia đấu tranh triệt phá các chuyên án lớn về hình sự, kinh tế, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm; các chuyên án tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự hoạt động theo kiểu “xã hội đen” có vũ khí nóng với quy mô lớn, các chuyên án đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, khai thác cát trái phép… Tổ chức hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra kiểm soát công khai xử lý các tụ điểm phức tạp về an ninh, trật tự.

Để có được các kết quả kể trên một phần là do được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đầu tư mua sắm đồng bộ vũ khí trang bị, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật có tính năng công nghệ hiện đại, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, phương án tác chiến của lực lượng CSCĐ trong tình hình mới để phát huy vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, các biện pháp công tác của lực lượng CSCĐ nêu trên vẫn chưa được quy định trong Pháp lệnh CSCĐ mà chủ yếu trong các văn bản của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công an.

Trong khi đó, các biện pháp công tác này khi thực hiện có tác động trực tiếp tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều trường hợp còn trực tiếp tác động tới quyền con người, quyền công dân như biện pháp vũ trang, tuần tra, kiểm soát, tiếp cận mục tiêu; sử dụng vũ khí quân dụng trên quy mô, phạm vi lớn với các loại vũ khí khác nhau...

Việc chưa quy định cụ thể các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là việc sử dụng vũ khí quân dụng của CSCĐ, thẩm quyền quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, trang bị, phương tiện đặc chủng và công cụ hỗ trợ trong văn bản pháp lý ở tầm cao đã phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến tính chủ động của CSCĐ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chính vì vậy, cần phải quy định các biện pháp công tác của CSCĐ và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong Luật CSCĐ để tạo cơ sở pháp lý giúp CSCĐ nâng cao toàn diện năng lực, khả năng tác chiến của CSCĐ, sẵn sàng cơ động giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ.

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho Cảnh sát cơ động

Với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, việc được quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của CSCĐ sẽ giúp CSCĐ có đầy đủ cơ sở pháp lý để chủ động trong mọi hoàn cảnh, tình huống, yên tâm sử dụng đúng đắn và phù hợp các biện pháp công tác cho từng trường hợp, tình huống cụ thể.

Việc sử dụng vũ khí quân dụng với các trường hợp, phương thức sẽ bảo đảm phù hợp với đặc thù chiến đấu của lực lượng, góp phần sử dụng đúng đắn, hiệu quả vũ khí quân dụng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng, bảo vệ tốt hơn tính mạng của CSCĐ, các mục tiêu bảo vệ và hạn chế thấp nhất việc sử dụng không đúng mục đích, đối tượng. Qua đó, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo hơn, các quan hệ xã hội thuộc phạm vi nhiệm vụ bảo vệ và giải quyết của CSCĐ được duy trì, ổn định và phát triển hơn, tăng thêm niềm tin của người dân vào lực lượng CAND nói chung và CSCĐ nói riêng.

Việc quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của CSCĐ cũng sẽ bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu được quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ được hạn chế bằng luật.

Bên cạnh đó, sẽ tập hợp, quy định cụ thể các quy định còn mang tính nguyên tắc trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau của hệ thống pháp luật có liên quan đến hoạt động của CSCĐ, phù hợp với thẩm quyền ban hành của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý xây dựng đồng bộ, thống nhất các vấn đề liên quan đến hoạt động của CSCĐ, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho lực lượng CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Điều 14. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp theo phương án tác chiến. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi ra quân thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động thực hiện theo phương án tác chiến.

4. Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong huấn luyện, diễn tập thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động)

Nguyễn Hương
.
.