Công an tỉnh Đồng Tháp:

Trinh sát kể chuyện săn đối tượng truy nã

Thứ Năm, 27/08/2015, 08:28
Những năm qua, công tác truy bắt tội phạm được lực lượng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Đồng Tháp vận dụng linh hoạt, vừa kiên quyết với tội phạm bỏ trốn, vừa “mở lượng khoan hồng” cho những người lầm lỡ quay về nẻo thiện. Với sự kiên trì của các trinh sát, có đối tượng trốn truy nã hàng chục năm trời đã “sa lưới” pháp luật.

Cuối tháng 6/2015, tại một trang trại cao su thuộc ấp 5 (xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện lệnh bắt đối với Trần Bảo Toàn (55 tuổi) – bị truy nã về hành vi giết người, cướp tài sản.

Lúc đầu, Toàn một mực chối và chìa ra giấy CMND mang tên Sơn Quanh Tha (56 tuổi) ngụ tỉnh Cửu Long (cũ). Thái độ của Toàn rất bình tĩnh, cho rằng lực lượng Công an đã bắt “nhầm người”. Tuy nhiên, khi ngồi làm việc, nghe các trinh sát nhắc lại toàn bộ quá trình trốn truy nã, Toàn mới chịu cúi đầu nhận tội.

Toàn là kẻ chủ mưu trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra cách đây 32 năm tại xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Năm 1983, Toàn cùng 2 em ruột là Trần Bảo Thành và Trần Bảo Hiền gây ra vụ án giết chủ tiệm vàng, cướp xe Honda 67 và 1 nhẫn vàng. Gây án xong, 3 anh em Toàn bỏ trốn.

Công an tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận, lập hồ sơ đối tượng trốn truy nã ra đầu thú.

Quá trình điều tra, Hiền bị bắt giữ tại vòng xoay Ngã Bảy (quận 10, TP Hồ Chí Minh). Thành “sa lưới” tại Km 125 (thuộc địa phận huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Riêng Toàn bỏ trốn biệt tích. Ngày 4/6/1983, cơ quan điều tra ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với Trần Bảo Toàn và xác lập chuyên án truy bắt.

Tiến hành xác minh, Toàn có nhân thân khá phức tạp. Các trinh sát được tung đi các tỉnh Bến Tre, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước… nhưng vẫn không kết quả. Có lúc chuyên án tưởng chừng bế tắc. Sự kiên trì của các trinh sát cuối cùng cũng có kết quả khi phát hiện đối tượng có đặc điểm giống Toàn xuất hiện tại tỉnh Bình Phước và đang làm thuê cho một trang trại cao su.

Khi đối chiếu hồ sơ, các trinh sát khẳng định, người đàn ông sử dụng  CMND tên Sơn Quanh Tha, chính là Trần Bảo Toàn. Qua lời khai của Toàn, sau khi gây án, Toàn trốn về xã Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và lấy tên giả là Trần Văn Đức. Để tránh bị phát hiện, Toàn cắt đứt liên lạc với người thân. Tại đây, Toàn sống với một phụ nữ ở địa phương và có 4 người con. Năm 2009, Toàn bỏ đi biền biệt, xin vào làm công tại các vườn cao su ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước với cái tên Sơn Quanh Tha.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm cho biết: Các đối tượng trốn truy nã sử dụng rất nhiều thủ đoạn để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng. Có đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài. Ngoài việc kiên trì truy bắt, các trinh sát không quản ngại khó khăn, kiên trì thuyết phục gia đình vận động đối tượng ra đầu thú, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Trong số trên 540 đối tượng truy nã bị bắt, thanh loại, vận động đầu thú, tính từ năm 2010 đến nay, có đến hơn 40% đối tượng được vận động ra đầu thú.

Tháng 8/2013, đối tượng Trần Thị Nhung (35 tuổi, có chồng ở Malaysia) phạm tội đánh bạc. Trong khi vụ án đang được Công an huyện Tam Nông điều tra, Nhung bỏ trốn ra nước ngoài. Qua xác minh, các trinh sát phát hiện, Nhung vẫn giữ liên lạc với mẹ ruột ở huyện Chợ Lách (Bến Tre).

Sau thời gian kiên trì vận động, thuyết phục gia đình, Nhung đã từ Malaysia về Việt Nam đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đầu thú. Hoặc trường hợp của Dương Tuyết Loan (64 tuổi, ngụ TP Sa Đéc) phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Năm 2002, Loan bỏ trốn. Thời gian dài xác minh, truy bắt không có kết quả. Các trinh sát kiên trì thuyết phục, đến tháng 2/2015 vừa qua, Loan được gia đình đưa đến đầu thú.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, để công tác vận động đạt hiệu quả cao, cán bộ trinh sát phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn, nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh gia đình của đối tượng và tranh thủ sự ảnh hưởng của những người có uy tín ở địa phương, trong họ tộc để hỗ trợ kêu gọi, vận động đối tượng ra đầu thú.

Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đã thống nhất việc gửi thư cho gia đình, thân nhân của đối tượng truy nã kêu gọi ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Văn Vĩnh
.
.