Hồ sơ nghiệp vụ - Góp sức làm nên những chiến công

Thứ Sáu, 21/09/2012, 09:00
Không trực tiếp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi hay điều tra truy xét tội phạm, nhưng vẫn góp phần làm rõ tung tích nạn nhân, lật tẩy hành tung tội phạm và đặc biệt là cung cấp thông tin cho các cơ quan chức trách chủ động bảo vệ chính trị nội bộ, điều động, bổ nhiệm cán bộ… họ là những CBCS Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV27) Công an tỉnh Phú Yên.

Thượng tá, Phó trưởng phòng Võ Chùm nhớ lại: “Hơn 23 năm về trước, khi tỉnh Phú Yên tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Phú Khánh, Phòng PV27 Công an Phú Yên hình thành trong điều kiện cơ sở vật chất đơn sơ, phương tiện phục vụ công tác còn thiếu thốn, quân số mỏng trong khi công việc khá dày trước yêu cầu tiếp nhận, sắp xếp tàng thư hồ sơ vừa chuyển về từ Nha Trang, đồng thời phục vụ kịp thời những yêu cầu xác minh, tra cứu của các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý hành chính về trật tự xã hội…  Thế nhưng, bằng tinh thần đoàn kết, vượt khó, cán bộ chiến sĩ đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Trong thời gian gần đây, mỗi năm Phòng PV27 Công an Phú Yên tiếp nhận và thực hiện từ 40.000 đến 45.000 yêu cầu tra cứu tàng thư can phạm, nhân thân nghi can từ các đơn vị nghiệp vụ, hơn 50.000 tờ khai, chỉ bản chứng minh nhân dân, lưu trữ trên 1.500 hồ sơ các loại và hơn 50.000 tài liệu, thông tin liên quan đến đối tượng phạm tội, nhập vào máy tính 20.000 lượt dữ liệu thông tin lưu trữ…

Từ những cuộc tra cứu cẩn trọng, CBCS Phòng PV27 Công an Phú Yên đã phát hiện, hỗ trợ tích cực cho các đơn vị nghiệp vụ kịp thời truy bắt tội phạm. Lật sổ tay công tác, Trung tá Nguyễn Văn Giác - Đội trưởng Đội tàng thư căn cước công dân (CCCD) cho biết, cách đây chưa lâu, kẻ trộm đột nhập vào phòng 107 khách sạn Vĩnh Thuận ở phường 8, TP Tuy Hòa trộm cắp 1 laptop, 2 ĐTDĐ, 1 máy ảnh và 1,2 triệu đồng của khách. Công an TP Tuy Hòa vào cuộc khám nghiệm hiện trường thu được vân tay nghi can và đã đề nghị tra cứu tàng thư CCCD để xác định đối tượng. Với hệ thống nhận dạng vân tay tự động (VAFIS), Phòng PV27 Công an Phú Yên đã cung cấp thông tin nghi can là Phạm Văn Chi (27 tuổi), trú ở hẻm 7, Nguyễn Tất Thành, phường 2, TP Tuy Hòa.

Tra cứu tàng thư căn cước công dân. Ảnh :Hữu Toàn

Cũng từ kết quả tra cứu tàng thư CCCD đã lật tẩy hành tung một đối tượng phản động trong tổ chức “Tam quốc phục quốc liên minh Đông Á” đã lẩn trốn 24 năm. Đó là Trần Tỏi (65 tuổi) trú ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Sau khi tổ chức phản động nêu trên bị triệt xóa, hàng chục đối tượng bị bắt giữ và trả giá bằng hình phạt nghiêm minh, Trần Tỏi lẩn trốn vào ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai dưới cái tên Trần Văn Tối và đã lập gia đình, ổn định đời sống với ba người con. Nhầm tưởng đã thoát tội nên 24 năm sau đó, người đàn ông này đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH Công an Đồng Nai xin cấp chứng minh nhân dân. Sau khi nhận được yêu cầu tra cứu từ Công an Đồng Nai, Phòng PV27 Công an Phú Yên mất nhiều thời gian rà soát nhưng không tìm thấy tên tuổi đối tượng cần tìm, nên cẩn trọng đối chiếu thông tin đối tượng truy nã và đã phát hiện Trần Văn Tối chính là Trần Tỏi. Từ kết quả tra cứu, một mũi trinh sát của Công an Phú Yên đã vào Đồng Nai bắt giữ kẻ lẩn trốn hơn 24 năm.

Có một câu chuyện tưởng chừng như cổ tích đã được CBCS Phòng PV27 Công an Phú Yên “giải mã”, mang niềm vui cho cụ Nguyễn Thị Thích, 88 tuổi, trú ở thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An sau 34 năm đau đáu nỗi buồn vì không biết con trai mình là Nguyễn Văn Tùng trôi dạt về đâu sau khi bị chính quyền Sài Gòn bắt quân dịch vào lính Sư đoàn 23 năm 1968. Khởi đầu từ một người dân ở Bình Thuận ra Phú Yên tìm kiếm cụ Thích nhiều tháng trời nhưng bất thành. Sau khi rà soát tàng thư CCCD, cán bộ tra cứu đã tìm thấy, và đến lúc đó cụ Thích mới biết con trai mình đào ngũ năm 1970 và trở thành chiến sĩ du kích xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Trong một trận đánh địch ngày 9/5/1974, ông Tùng hy sinh và được công nhận liệt sĩ. Trước đó, ông Tùng có vợ là cơ sở cách mạng và hai người con. Tuy nhiên, 27 năm sau giải phóng, con trai ông Tùng mới có điều kiện tìm kiếm. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Phòng PV27 Công an Phú Yên, 34 năm sau cụ Thích mới biết con mình là liệt sĩ. Câu chuyện giàu tính nhân văn đó đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của những CBCS Công an “Vì nhân dân phục vụ”.

Cũng với tinh thần đó, những CBCS ở Phòng PV27 Công an Phú Yên đã vất vả tìm kiếm, tra cứu và khai thác tài liệu để chứng minh trong thời gian bị chính quyền Sài Gòn bắt giữ, tra tấn dã man, nhưng đồng chí Lê Đài - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên kiên trung với Đảng, giữ vững khí tiết cộng sản tới hơi thở cuối cùng trong nhà lao của địch. Theo đó, năm 1991 đồng chí Lê Đài đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ…

Bây giờ, bên cạnh những thế hệ đàn anh hơn 20 năm gắn bó với nghề như Thượng tá Võ Chùm, Trung tá Nguyễn Văn Giác, Lê Xuân Hà… là những CBCS trẻ rất năng động và thường xuyên học tập kinh nghiệm nghiệp vụ gắn kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND” cùng với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”…

Hơn 20 năm qua, Chi bộ Phòng PV27 luôn được công nhận danh hiệu “trong sạch - vững mạnh”, CBCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Tổng cục An ninh 1, UBND tỉnh Phú Yên tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng III...

Hữu Toàn
.
.