Hiệu quả từ mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”

Chủ Nhật, 30/11/2014, 10:33
Long An là một địa bàn có đường biên giới giáp ranh với 2 tỉnh Svây-Siêng và Prây-veng, vương quốc Campuchia, dài 132,97km. Để đảm bảo sự yên bình trên địa bàn, Công an các huyện vùng giáp biên đã chủ động xây dựng nhiều mô hình phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả. Trong đó, nổi bật là mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”. Từ khi triển khai đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An đã có 34/37 ấp luyện tập mô hình trên với 7.335 người tham gia. Xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) là một trong những địa bàn thực hiện tốt mô hình này.

Xã Khánh Hưng có đường biên giới dài 7,5km, có 2 ấp biên giới là ấp Cả Trốt và ấp Tà Nu, tiếp giáp với 2 xã ngoại biên đối diện là xã Crúa, xã Chằm boók, huyện Svây-chụm, Campuchia. Để thực hiện phương châm "Vững vàng biên giới, bình yên xóm, ấp", Công an huyện Vĩnh Hưng đã phối hợp với chính quyền địa phương và ban, ngành, đoàn thể xã Khánh Hưng tích cực đẩy mạnh các phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới". Cơ quan Công an đã thành lập Ban chỉ đạo mô hình, lấy ấp Bầu Sen làm điểm triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, nhân rộng ra 2 ấp Tà Nu và Cả Trốc.

Nhiều cuộc họp dân được tổ chức thường xuyên để quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nội dung, ý nghĩa của mô hình. Chính quyền địa phương trang bị cho mỗi hộ gia đình 1 cây kẻng treo ở nơi thuận tiện để khi có tình huống xảy ra, bà con dễ dàng thực hiện hiệu lệnh báo động. Đồng thời, hựớng dẫn cho bà con nội dung, cách thức sử dụng và nhận biết tín hiệu kẻng một cách thuần thục, rõ ràng. Ban Chỉ đạo mô hình 3 tháng họp một lần, qua đó rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của từng ấp. Từ đó, mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn.

Nhờ vậy, trong những năm qua, tình hình ANTT tuyến biên giới tại xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) luôn được giữ vững ổn định, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn. Người dân luôn nêu cao ý thức cảnh giác trong phòng chống các loại tội phạm như: trộm, cướp, cướp giật tài sản có vũ khí, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép nên đã góp phần giữ vững ổn định ANTT trên khu vực biên giới.

Lực lượng Công an và Biên phòng xã Khánh Hưng hướng dẫn người dân sử dụng kẻng.

Anh Trịnh Bá Độ, ngụ ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, vui mừng: “Chiếc kẻng treo trước nhà là vị cứu tinh của gia đình mình. Bởi trước đó, nó đã giúp tôi lấy lại được chiếc xe Honda đã rơi vào tay kẻ trộm”. Do nhà mở tiệm Internet nên thường có nhiều người đến chơi. Sau khi quan sát thấy xe máy hiệu YAMAHA của anh Độ đậu trước cửa tiệm, chìa khóa xe vẫn còn trong ổ khóa, đối tượng Hồ Vũ Phương (ngụ xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, An Giang) giả vờ vừa nghe điện thoại vừa dắt xe đi. Lúc này, vợ chồng anh Độ phát hiện tri hô và đánh kẻng báo động. Nghe tiếng kẻng, anh Nguyễn Minh Lộc và anh Trần Quốc Danh lên xe máy truy đuổi theo tên trộm. Sau một hồi truy đuổi, các anh đã bắt được Phương cùng tang vật.

Trước mỗi ngôi nhà trên địa bàn xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng đều treo một chiếc kẻng. Theo quy ước, bà con gõ kẻng dùng để báo động khi phát hiện trộm, cướp hay những vấn đề có liên quan đến ANTT nhằm thông báo cho lực lượng chức năng kịp thời đến ứng cứu và cùng nhau truy bắt tội phạm. Đối với mỗi người dân vùng biên giới xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” đã đem lại lợi ích thiết thực. Tiếng kẻng đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình hình tội phạm, góp phần giữ vững ANTT trên tuyến biên giới. Qua đó, còn thắt chặt tình quân dân, cùng đồng sức, đồng lòng chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống.

T.Phương - P.V
.
.