Công an tỉnh Hà Giang:

Giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Thứ Năm, 18/09/2014, 21:49
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn báo số 3, trong 2 ngày 17 và 18/9, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có mưa to đến rất to trên diện rộng. Lượng mưa đo được trên các địa bàn từ 84 đến 200 mm. Mực nước sông Lô dâng cao đã xảy ra úng ngập ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Giang khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều điểm thuộc trung tâm thành phố Hà Giang bị ngập nặng, các phương tiện không thể lưu thông. Hầu hết các hộ dân sống trong khu vực bị ngập nước không thể về nhà bằng xe máy mà phải kết mảng, đóng bè, hoặc lội bộ… Nhiều hộ dân bị nước tràn vào nhà, nhiều vật dụng trong gia đình bị ngấm nước, hư hỏng. Một số trường học nước dâng cao đúng giờ tan tầm khiến việc đón học sinh gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Hiện hơn 60 CBCS Công tỉnh Hà Giang đã đến những địa điểm ngập lụt lớn để giúp dân sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn; hỗ trợ phương tiện thuyền cao su để đưa dân qua lại những nơi đường bị ngập...

Mưa to kèm theo lốc lớn trong hai ngày vừa qua cũng đã làm hàng trăm ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Hà Giang bị sập, đổ, sụt lún và tốc mái ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Bắc Quang. Đặc biệt, lốc lớn đã làm đổ cột nhà anh Hờ Mí Lừ có 6 nhân khẩu ở thôn Phiêng Bung, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc làm chết 1 cháu nhỏ 8 tháng tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 3 nhà bị sập hoàn toàn, hơn 27 nhà tốc mái hoàn toàn, hơn 700 nhà bị tốc mái từ 10 đến 70%, gần 16.000 tấm lợp và 1.000 tấm tôn bị hư hỏng, hơn 20 điểm trường và trụ sở thôn bị tốc mái và hư hỏng nặng, hơn 300 ha lúa vụ mùa và ngô vụ 2 bị ảnh hưởng và thiệt hại; hàng trăm m3 đất đá sạt lở gây ách tắc giao thông...

Công an tỉnh Hà Giang tích cực giúp dân sơ tán tài sản đến nơi an toàn

Để chủ động đối phó với ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, UBND tỉnh Hà Giang đã thành lập nhiều đoàn công tác về các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão, ngập úng và sạt lở đất. Tiếp tục chủ động triển khai tới các xã, phường, thị trấn để thông báo, cảnh báo cho nhân dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nâng cao cảnh giác, chủ động đề phòng khi có mưa lớn, gió lốc gây lũ quét, sạt lở đất và ngập úng; chủ động xả bớt lượng nước trong các hồ để tăng dung tích trữ nước khi lũ về, đề phòng mưa lớn có thể gây ra các sự cố như vỡ đập, vỡ tràn gây nguy hiểm cho khu vực hạ du; tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để nắm bắt diễn biến của thời tiết và xử lý kịp thời; khi phát sinh các tình huống, thực hiện ngay phương án đã xây dựng và phương châm "4 tại chỗ"...

Trước diễn biến phức tạp thời tiết, Công an tỉnh đã có công điện chỉ đạo các đơn vị đảm bảo ứng trực 100 % quân số. Khi mực nước trên các sông, suối đổ về gây ngập lụt đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân, Công an tỉnh đã huy động  CBCS thuộc các đơn vị và Công an huyện, xã, phường, thị trấn tham gia phòng chống bão; tổ chức di dời, sơ tán những hộ gia đình trong diện, hộ kinh doanh ở vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn, giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các phương tiện thông tin liên lạc phục vụ yêu cầu phòng, chống lụt bão, Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị, Công an các huyện, thành phố kiểm tra phương tiện, thông tin liên lạc của các đơn vị, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các vật tư phòng, chống lụt bão, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho lực lượng tham gia. Ngay trong ngày 18/9, trực tiếp lãnh đạo Công an tỉnh đã đi thị sát tình hình mưa lũ tại các khu vực trọng điểm để có những biện pháp chỉ đạo, huy động lực lượng tham gia khắc phục hậu quả kịp thời, hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra

Nguyễn Lân – Trung Thực
.
.