Lửa thanh xuân

Thứ Sáu, 21/06/2019, 14:33
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Vừa tròn nửa thế kỷ trôi qua, lời dạy của Người cùng Bản Di chúc thiêng liêng vẫn được những thế hệ thanh xuân Việt Nam trao truyền, nối tiếp, lớp đi sau tiếp bước lớp đi trước, viết tiếp khúc hát tuổi 20 tươi đẹp.


Nếu có ai đó hỏi rằng trong cuộc đời con người, quãng thời gian nào đẹp nhất, hạnh phúc nhất, thì có lẽ không có câu trả lời khác ngoài “Thanh xuân”.

Thanh xuân của một người có thể bình thản, cũng có thể rực rỡ, có thể trôi qua vô vị để rồi hối tiếc, cũng có thể bước tiếp những bước dài vững vàng, vinh quang. Ngày ấy, với khát vọng và niềm đam mê cháy bỏng hai tiếng “hòa bình, độc lập” cho dân tộc, biết bao chàng trai, cô gái tuổi vừa 19, đôi mươi tràn căng thanh xuân đã gác lại ước mơ tuổi trẻ, hạnh phúc riêng tư, bất chấp mọi hiểm nguy cận kề, lên đường chiến đấu.

Những ngày này, khi đặt chân tới thăm không gian trưng bày tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, mỗi du khách lại có cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu, lắng nghe những câu chuyện về ý chí “dời non, lấp bể” của tuổi trẻ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, góp chung vào khúc nhạc khải hoàn của ngày sum họp Bắc - Nam.

Chi đoàn 3 Cục Công tác Ðảng và công tác chính trị Bộ Công an tham quan trưng bày Lửa thanh xuân 5-2019.

Trong kháng chiến chống Mỹ, giao thông vận tải được ví như “mạch máu” nối liền hậu phương với tiền tuyến. Ðây cũng được xem là “mặt trận” nóng bỏng nhất, là mục tiêu luôn nằm trong sơ đồ đánh phá của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. 

Trên những cung đường mà giờ đây có ai đã từng gọi là “đường hạnh phúc”, có ai biết được biết bao chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến đã để lại trên từng nẻo đường thấm đẫm máu xương, mồ hôi và cả tính mạng của mình. Những tên gọi Ðồng Lộc, Khe Giao, đường 20 - Quyết Thắng, đường Trường Sơn... đã trở thành biểu tượng cho tinh thần “tất cả vì tiền tuyến” của sức trẻ Việt Nam thời ấy.

Trên mỗi tuyến đường, từng giây, từng phút không biết đã phải hứng chịu biết bao bom đạn với sức tàn phá và hủy diệt đến ghê người! Sau mỗi lần quần thảo của kẻ thù, bất chấp hiểm nguy, các chị, các anh thanh niên xung phong đã xẻ núi, phát cây, mở đường cho xe ra tiền tuyến. 

Bao hố bom địch cày xới đã được những bàn tay con gái mảnh mai khỏa lấp, để xóa lành vết thương cho những con đường lại được vẹn nguyên, cho nhiều bước chân của đoàn quân ra trận đi qua. Họ có đau không? Có chứ! Mười đầu ngón tay bầm dập, xước máu. Họ có mệt không? Có chứ! Ðêm cũng như ngày, chưa kịp ngả lưng sau một ngày san đường, mở lối thì đêm xuống lại miệt mài thông đường. Quả bồ kết nướng chưa kịp gội đầu, bữa cơm chiều nấu chưa kịp ăn, nhận tín hiệu cần thông đường, các chị, các anh lại tràn đầy nhiệt huyết, nhận nhiệm vụ với cả trái tim, niềm đam mê, quyết đảm bảo giao thông thông suốt cho các đoàn xe đi qua với một niềm tin tự nhủ trong lòng: “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ được tắt!”.

“Nụ cười chiến thắng đạn bom” của những người lính trẻ trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở mặt trận Thành cổ Quảng Trị, năm 1972 (Ảnh: Ðoàn Công Tính)

Nụ cười của những nữ thanh niên xung phong sau một ngày san đường, lấp hố bom.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đường “chiến lược” Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam không chỉ là tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược mà còn là một chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. 

Trong những năm khói bom rực trời ấy, hàng vạn thanh niên đã bám rừng, bám đường để bảo đảm con đường huyết mạch luôn được thông suốt. Giữa “Rừng lá đỏ ào ào” của Trường Sơn đại ngàn, hình ảnh cô gái thanh niên xung phong xuất hiện như những ngôi sao lấp lánh không rực rỡ mà sáng trong. Màu lá đỏ chính là hiện thực Trường Sơn gian khó và hào hùng, màu lá màu đỏ ấy chính là máu của các anh, các chị đổ ra thấm đẫm màu cờ Tổ quốc.

Khẽ chạm và đọc khẽ dòng thơ viết về những người nữ thanh niên xung phong năm xưa:

“Tên con đường là tên em gửi lại.

Cái chết em xanh khoảng trời con gái.

Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em …

Gương mặt em bạn bè tôi không biết.

Nên mỗi người có gương mặt em riêng”.

Mỗi người càng thêm hiểu sự hy sinh của hàng vạn thanh xuân trên con đường Trường Sơn huyền thoại năm nào sẽ là tấm gương trong vắt, để tuổi trẻ hôm nay và mai sau soi mình và tìm ở đó những “chất ngọc” quý giá!

Và câu chuyện trong chiến tranh sẽ còn kể mãi về ký ức hàng triệu thanh niên miền Bắc hăng hái đăng ký lên đường chống Mỹ cứu nước theo tiếng gọi “Ba sẵn sàng”. Biết bao chàng trai đã viết đơn bằng máu tình nguyện ra chiến trường; biết bao sinh viên gác lại giấc mơ tri thức để gia nhập quân đội; nhiều thanh niên tự mất tích, về sau gia đình và xóm giềng mới biết các anh đã lẳng lặng đi B. Còn nhiều nữa những câu chuyện mà có lẽ chỉ thấy bóng dáng trong chiến tranh khi cô thiếu nữ tự cải trang thành nam giới để được nhập ngũ, nhiều thanh niên giấu đá trong người để đủ cân nặng, sức khỏe tòng quân... Tất cả họ đều đẹp, một vẻ đẹp bình dị mà tràn căng nhựa sống, vẻ đẹp mang tên tình yêu đất nước.

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc tới những ký ức tháng năm chống Mỹ, mà không nhắc về miền đất mang tên Quảng Trị. Trong những năm tháng gian khổ đó, Quảng Trị là địa danh không chỉ trong nước mà nhân dân thế giới đều biết đến với mùa hè đỏ lửa năm 1972; về sự chia cắt đau thương, sự chịu đựng bom đạn ác liệt và ý chí của những người mãnh liệt một tình yêu đất nước.

Giữa mưa bom đạn lạc đó, mà họ vẫn lạc quan, tràn đầy tin tưởng, niềm tin mãnh liệt còn sức, còn chiến đấu qua những nụ cười nơi thành cổ.

Ðoàn Thanh niên CSGT công an Thành phố Hà Nội tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ngày 16-3-2019.

Tất cả những câu chuyện, những ký ức một thời thanh xuân tươi đẹp đã tận hiến, đã hy sinh của tuổi trẻ Việt Nam, góp phần viết nên bài ca chiến thắng của dân tộc được giới thiệu trong trưng bày “Lửa thanh xuân” tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Hàng ngày, hàng ngàn du khách đã tới “trường học cách mạng” này để tham quan, để tìm hiểu về những tấm gương anh hùng trẻ tuổi. Và cũng thật đúng khi nói rằng “Thanh xuân không phải thời gian, thanh xuân là cảm xúc”. 

Mỗi khi trong lòng ta sống với tuổi trẻ, với ký ức tươi đẹp ta sẽ thấy mùa Xuân luôn bên mình để rồi bất chợt trong suy nghĩ của từng người, sẽ cảm nhận khoảng lặng để lắng đọng một suy nghĩ: Ngày hôm nay và cả mai sau những ngọn lửa thanh xuân vẫn sẽ rực cháy và câu chuyện của quá khứ sẽ càng đẹp hơn khi hiện tại và tương lai biết làm đẹp cho đời.

Phạm Hoàng My
.
.