Những hiệp sĩ vùng sóng nước

Thứ Hai, 20/01/2020, 06:22
Sắc xuân trải dài trên biển như tấm lụa mềm, lấp lánh ánh mặt trời mang đến cho Vịnh Hạ Long- di sản thiên nhiên thế giới một vẻ đẹp đắm say lòng du khách. Về đất mỏ, có dịp du ngoạn, công tác từ vịnh Hạ Long tới Bãi Cháy, xã đảo Minh Châu, Vân Ðồn…đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp sắc áo vàng quen thuộc của lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Ninh.

Nghe chính người trong cuộc kể lại, nghe từ người dân  nói về việc cứu người, cứu tài sản trên biển, chúng tôi càng thêm mến phục những người lính quả cảm đang ngày đêm nỗ lực giữ bình yên tuyến đường thủy nội địa.

Tình người ấm áp giữa bão giông

18 giờ, nhìn ra biển Hạ Long mênh mông chuyển dần một màu tối sẫm, xóa tan sự e dè của những người không quen sóng nước như chúng tôi khi phải đi biển về đêm, Ðại tá Ðặng Văn Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Ninh bật mí, chuyến công tác này đơn vị sẽ cử một thuyền trưởng am hiểu sông nước đưa đoàn đi.

Các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh  tham gia ký kết mô hình “Ba không”

Ít phút sau, nhận lệnh từ chỉ huy, thuyền trưởng, Thượng úy Hồng Xuân Họa đã có mặt. Vóc người khoẻ khoắn, nước da đen sạm vì nắng gió, thuyền trưởng Họa nhanh nhẹn khởi động ca nô đưa đoàn công tác của Bộ và Công an tỉnh Quảng Ninh ra xã đảo Minh Châu công tác gấp.

Ít có dịp đi công tác trên biển vào buổi tối nên chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ. Anh Họa giải thích, không như ở trên đất liền, buổi tối đi đường thường có đèn điện sáng, đi trên biển không có đèn thắp sáng, đòi hỏi người cầm lái phải đảm bảo an toàn, thuộc lòng từng vùng biển, hiểu được từng con sóng, biết rõ nơi người dân thả lưới hay thả neo đậu tàu. Ca nô lướt trên sóng biển, giữa đêm tối, sương giăng bảng lảng, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi khiến quãng đường như được rút ngắn hơn.

Tìm hiểu, được biết, bôn ba đi biển nhiều năm, làm nhiều nghề trước khi đầu quân tại nhà khách Hải Yến, Công an tỉnh Quảng Ninh, sau đó chuyển về công tác tại Phòng Cảnh sát đường thủy, Thượng úy Họa được người dân trong vùng biết đến là một vị thuyền trưởng tài ba, giàu kinh nghiệm trong nghề và là một trong những người lính quả cảm cứu người trên biển.

Trong cơn bão lịch sử đổ bộ vào Hạ Long năm 2015, Thượng úy Họa cùng 4 cán bộ đã không ngại hiểm nguy, dũng cảm bám biển, vật lộn giữa cơn sóng dữ cứu sống 6 người dân tránh bão dạt vào mỏm núi giữa biển.

Giỏi  nghiệp vụ, am hiểu sông nước không chỉ có riêng anh Họa, khi tiếp xúc với chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) nơi đây đã cho chúng tôi góc nhìn khác về Cảnh sát đường thủy. Còn nhớ năm 2015, trên tuyến quốc lộ 18A, tại khu vực Ðèo Bụt, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả bị ngập úng nặng nề, tuyến giao thông bị chia cắt, từ 6 giờ ngày 28/7/2015, hàng chục CBCS của Cục CSGT và Phòng Cảnh sát đường thủy đã có mặt tại địa bàn làm nhiệm vụ.

Ðại tá Ðặng Văn Thịnh, Trưởng phòng trực tiếp chỉ huy một mũi công tác huy động 3 xuồng máy và các phương tiện, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn. Ðến 12 giờ trưa, 2 xuồng máy không thể hoạt động được vì bị nước mưa ngấm vào máy, trong khi mưa ngày càng to, nước ngập ngày càng cao, nhưng với quyết tâm không để nhân dân bị đói, rét, các chiến sỹ Công an đã dùng sào chống, dầm mình dưới nước từ 6 giờ sáng đến 14 giờ làm “cọc tiêu sống”; vận chuyển, tiếp tế 8 chuyến xuồng lương thực thực phẩm cấp phát cho các hộ dân bị ngập và hành khách bị mắc kẹt dọc 2 bên tuyến quốc lộ; đưa 3 người dân bị ốm ra khỏi vùng ngập úng đi cấp cứu tại bệnh viện, đồng thời đưa đón nhiều chuyến xuồng phục vụ đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ...

Cảnh sát đường thủy tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản gia cố lán bè

Không chỉ đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) thủy, do hoạt động ở địa bàn trọng điểm về du lịch nên nhiều CBCS Cảnh sát đường thủy còn giỏi giao tiếp, luôn vui vẻ hỗ trợ, giúp đỡ khách du lịch nói chung, khách nước ngoài nói riêng đến Hạ Long tham quan.

Giữ nguyên vẻ hài hước của một người lâu năm làm công tác tuyên truyền, từng đảm nhiệm vị trí Ðội trưởng Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Quảng Ninh, Trung tá Nguyễn Văn Thìn, Ðội trưởng Ðội Hướng dẫn pháp luật. Ðiều tra xử lý TNGT, đăng kiểm phương tiện thủy CAND, Phòng Cảnh sát đường thủy đã đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác với những thay đổi khi anh chuyển từ nghiệp cầm bút, máy quay, sang lĩnh vực giao thông thủy.

Bắt nhịp công việc mới, trong một trận bão, tại khu vực đèo Bụt, anh Thìn vừa cứu một cụ già bị mắc kẹt trên bụi cây xong, chưa kịp nghỉ ngơi, ăn uống thì phát hiện tiếp một cụ bà mới đi viện về gặp bão cũng đang bị mắc kẹt và không đi lại được. Không ngần ngại, chỉ nghĩ phải cứu người, dầm nửa người trong nước, anh Thìn vội cõng cụ bà cả quãng đường dài ra khỏi vùng bão, gửi cụ lên xe khách di chuyển đến nơi an toàn. Khi đưa được cụ lên xe cũng là lúc anh Thìn kiệt sức, gần như ngất xỉu.

Tìm hiểu chuyện đời, chuyện nghề về các anh- những Cảnh sát đường thủy chúng tôi cảm nhận được rằng, bất chấp sóng to gió lớn, mưa bão đổ bộ, dù mưa hay nắng, dù ngày hay đêm, dù ở hoàn cảnh nào, cứ có lệnh là lên đường, những người lính quả cảm không nhớ nổi từng cứu được bao người sống sót, lai dắt được bao nhiêu tàu bè vào nơi tránh bão an toàn.

Chính vì vậy, những công việc thầm lặng của lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Ninh đã được ngư dân, du khách đặt cho cái tên yêu mến: Những hiệp sĩ giữa biển khơi.

Sức sống của nhiều mô hình hay trên tuyến sông, tuyến biển

Mùa xuân mang lại niềm vui mới, quyết tâm mới cho những người lính Cảnh sát đường thủy tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả nhiều năm đã đạt được do triển khai  đồng bộ các mặt công tác Công an, phát huy phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tới từng đảo, bến cảng, từng hộ dân , tình hình ANTT trên tuyến đường thủy được giữ vững, đặc biệt không để xảy ra TNGT nghiêm trọng trên tuyến, các anh chính là một điểm tựa vững chãi cho bà con ngư dân và du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn.

Năm 2019, Cảnh sát đường thủy đã phối hợp với các lực lượng đảm bảo an toàn cho 172.438 chuyến tàu tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long, với 3.933.468 khách, trong đó có 2.571.618 khách nước ngoài. Ðơn vị cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, lập biên bản xử lý 3.916 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền gần 4 tỷ đồng. Ðã kiểm tra, bắt giữ 152 vụ với 155 đối tượng, đề nghị ttruy tố 5 vụ với 5 đối tượng…

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp với Phòng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh và Chi hội tàu du lịch Hạ Long triển khai phong toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự (ANTT), ATGT đường thủy với nội dung “Ba không”.

Ðó là, “Không để xảy ra tai nạn, không để xảy ra trộm cắp, không có cán bộ, nhân viên, thủy thủ, thuyền viên nghiện ma túy và mắc các tệ nạn xã hội” trong các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên địa bàn TP Hạ Long.

Ngoài mô hình “Ba không”, ở Quảng Ninh có nhiều mô hình đã và đang phát huy hiệu quả như: “Doanh nghiệp văn hóa - an toàn” ; “Xã đảo an toàn”; “Cảng bến văn minh, văn hóa, an toàn”; “Tổ đò khách tự quản về ANTT”; “Tổ tàu đánh bắt cá xa bờ tự quản về ANTT”…

Thượng tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, như  thông lệ mọi năm, Công an tỉnh sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của CBCS và chúc Tết quân, dân trên các đảo; chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Phòng Cảnh sát đường thủy tổ chức cho CBCS đón Tết cổ truyền vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng đảm bảo TTATGT trên tuyến đường thủy nội địa, góp phần cho người dân đón một cái Tết tươi vui, an toàn.

Anh Hiếu
.
.