Những kẻ “bán giời không văn tự” giữa thủ đô

Chủ Nhật, 14/10/2018, 07:56
Thời gian vừa qua, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ hàng loạt đường dây “chạy việc” của nhiều nhóm đối tượng với thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Bọn chúng đã tổ chức lừa trót lọt hàng trăm người, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây thực sự là những bài học cảnh giác cho những ai muốn kiếm việc làm.


Mất vài trăm triệu vì tin giảng viên đại học

Một ngày giữa tháng 8-2018, một người đàn ông tìm đến trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội nộp đơn trình báo việc bị một đối tượng lừa mất hơn 300 triệu đồng. 

Theo trình bày của anh H.V.M (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) tố cáo đối tượng Đỗ Tuấn Anh (SN 1981, trú tại Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, quận Cầu Giấy), đầu năm 2015, qua người quen giới thiệu, anh gặp Đỗ Tuấn Anh. Gã giới thiệu đang công tác tại một trường đại học khá nổi tiếng ở Hà Nội, và đặc biệt là có mối quan hệ “khủng” với nhiều lãnh đạo cấp cao, thư ký của các “tư lệnh ngành” có thể  lo xin chạy vào các cơ quan nhà nước.

Tin tưởng đây là do người quen giới thiệu, nên khi nghe nói vậy anh M. đã đặt vấn đề nhờ Tuấn Anh xin cho vào làm ở một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang. Tuấn Anh ra giá trọn gói là 350 triệu đồng.

Đối tượng lừa đảo thường “chế” các loại văn bản lấy trên mạng Internet để tạo sự tin tưởng của bị hại.

Anh M. đã xoay sở vay mượn để đưa đủ số tiền 350 triệu đồng cho Tuấn Anh, với hy vọng sớm được trở thành một sỹ quan. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị hứa lên hứa xuống, đến khi không chịu được nữa anh M. đã tìm gặp Tuấn Anh để đòi lại tiền, song gã đều tránh mặt. Anh M. đã làm đơn tố cáo lên cơ quan Công an.

Nhận đơn trình báo của nạn nhân, Phòng CSHS lập tức xác minh. Và chỉ trong thời gian ngắn, chân tướng của kẻ có tên Đỗ Tuấn Anh được làm rõ. 

Sự thật là Đỗ Tuấn Anh từng có hơn 10 năm công tác tại một một trường đại học ở Hà Nội. Với kinh nghiệm trong những năm đó, gã thường xuyên khoe với những người hắn quen biết, thậm chí mới gặp lần đầu rằng có quan hệ “khủng”; có thể xin việc, chạy việc… cho những ai người muốn vào công tác tại các cơ quan đơn vị thuộc lực lượng vũ trang. 

Và với những “phông bạt” gã tự tạo, đã có rất nhiều người sập bẫy lừa. Tính từ đầu năm 2015 đến tháng 8-2017, Tuấn Anh đã nhận hơn 100 hồ sơ “xin việc”, “chạy việc”, “chuyển vùng”, “chạy điểm thi” cho hàng trăm người. Tổng số tiền đối tượng đã chiếm đoạt lên tới hơn 50 tỷ đồng.

Và dù nhận rất nhiều hồ sơ và tiền để “chạy việc”, “chuyển việc”, “chạy điểm thi”… nhưng Tuấn Anh đều không thực hiện được một vụ nào. Gã cũng không có ý định trả lại tiền cho các bị hại. Chỉ có ai đòi “rát” quá gã mới trả. Đến thời điểm hiện tại Tuấn Anh trả chưa được phân nửa số tiền gã đã chiếm đoạt. Hiện cơ quan Công an đã tiến hành khởi tố vụ án và tiếp tục điều tra mở rộng.

Cũng bằng chiêu khoe có quan hệ rộng, có thể “thu xếp” được vào các cơ quan Nhà nước mà Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1976, trú phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội), cũng lừa được 4 người có nhu cầu xin việc.

Nữ quái chuyên lừa đảo xin việc vào các bệnh viện Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Trong số các nạn nhân của Huyền có chị Nguyễn Thị L. (trú huyện Thanh Trì, Hà Nội). Chị L. có con gái đang học tại một trường cao đẳng Y tế, dù còn một năm nữa con mới học xong nhưng chị L. đã chạy đôn chạy đáo để lo việc cho con. Qua giới thiêu chị L. gặp Nguyễn Thị Thanh Huyền. 

Ngay trong lần đầu gặp gỡ, chị L. đã được Huyền cho biết chị ta là bác sỹ tại Bệnh viện Bạch Mai nên có khả năng xin được việc làm tại bệnh viện này. Đổi lại, Huyền nêu ra các điều kiện là con gái chị L. phải đỗ tốt nghiệp từ loại khá trở lên và bỏ ra 300 triệu đồng chi phí.

Nhận đủ số tiền “chạy việc” từ tay chị L., Huyền cam kết sẽ nhanh chóng xin cho con gái chị vào làm việc tại Khoa Ngoại của Bệnh viện Bạch Mai. Thậm chí, nữ bác sỹ rởm này còn tuyên bố nếu không lo được việc làm như cam kết sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền nhận của chị L.

Sau khi con gái tốt nghiệp Cao đẳng Y tế với tấm bằng loại giỏi, chị L. rất vui mừng và nhanh chóng đưa thêm cho Huyền 70 triệu đồng để đẩy nhanh tiến độ xin việc làm. Sau khi nộp hồ sơ xin việc, con gái chị L. cũng được Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội gọi đi làm. 

Thế nhưng qua tìm hiểu, chị L. nhận thấy có nhiều mờ ám xoay quanh những lời hứa hẹn của Huyền. Bên cạnh đó, cam kết của Huyền về việc con gái chị L. đỗ công chức đã không xảy ra. Chị  L. cất công tìm hiểu thì phát hiện ra Huyền không hề có vai trò gì trong việc con gái chị được bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội tuyển dụng vào làm việc.

Cũng bằng thủ đoạn trên Huyền còn lừa đảo chiếm đoạt tiền của 3 trường hợp có nhu cầu xin việc làm khác. Và điểm chung ở tất cả các trường hợp này là Huyền luôn mạo nhận mình là bác sĩ nên có khả năng xin được việc làm cho người khác vào các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Tổng cộng, Huyền đã chiếm đoạt 790 triệu đồng của 4 bị hại. Quá trình điều tra, nữ bác sĩ rởm này mới chỉ khắc phục hậu quả được… 36 triệu đồng.

Đại tá rởm lừa cả nghìn người

Trong số những vụ lừa đảo xin việc làm bị cơ quan Công an phát hiện bắt giữ trong thời gian gần đây, “khủng” nhất phải là vụ Hoa Hữu Long và đồng bọn đã lừa gần 1.000 người với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Vào tháng 4-2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội  cũng đã bóc gỡ một đường dây chạy việc với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đại tá rởm Hoa Hữu Long.

Trước đó, vào năm 2015, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội - Bộ Quốc phòng đã phát hiện một số đối tượng có dấu hiệu giả danh sĩ quan Quân đội để lừa đảo. Đến tháng 2-2018, một số bị hại đã trình báo cơ quan Công an là bị một người xưng là… Đại tá Hoa Hữu Long lừa đảo chiếm đoạt rất nhiều tiền thông qua việc xin vào làm tại Tập đoàn Đông Dương của Bộ Quốc phòng.

Khi các điều tra viên của Công an Hà Nội sang làm việc với Bộ Quốc phòng, các đơn vị chức năng đã rà soát và khẳng định Bộ Quốc phòng không có ai là Đại tá Hoa Hữu Long và Bộ cũng không có Tập đoàn Đông Dương.

Sau một thời gian khẩn trương điều tra, ngày 14-4-2018, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, tạm giam 5 bị can về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Hoa Hữu Long (SN 1964, trú quận Bắc Từ Liêm), Nguyễn Minh Sơn (SN 1971, trú quận Cầu Giấy), Mạc Phúc Hải (SN 1964, trú tại quận Ba Đình), Cao Thị Kim Loan (vợ Long, SN 1970, trú tại quận Bắc Từ Liêm) và Phùng Thị Thanh Huế (SN 1978 trú  tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Thủ đoạn của đối tượng là giả danh thiếu tướng Quân đội cùng các đối tượng đã sử dụng các quyết định mạo danh thuộc nhiều đơn vị Bộ Quốc phòng để tạo niềm tin về việc Bộ này đang chuẩn bị thành lập Tập đoàn Đông Dương. 

Sau đó, các đối tượng thu tiền, hồ sơ của người có nhu cầu xin vào làm tập đoàn này. Mỗi người phải nộp từ 50 triệu - 150 triệu đồng tùy theo sẽ được bố trí cấp bậc, chức vụ sau này. Từ năm 2016 đến 2018 đã có hàng trăm người tin tưởng đưa tiền cho các đối tượng. Ngoài ra, các đối tượng còn đưa ra thông tin tập đoàn được giao thực hiện một số dự án để lập hồ sơ và thu tiền của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Mỗi khi thu tiền của bị hại (nhưng không có biên nhận), Long và các đồng phạm đều nhắc nhở bị hại đây là đơn vị bí mật nên không được nói cho ai biết. Đến thời điểm bị phát hiện chúng đã lừa gần 1.000 người ở nhiều địa bàn trên cả nước.

Khám xét nơi ở của các đối tượng, Cơ quan điều tra đã thu giữ gần 1.000 bộ hồ sơ của bị hại, cấp hàm, phù hiệu và trang phục Quân đội; nhiều quyết định giả thuộc nhiều cấp, ngành trong Bộ Quốc phòng. Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Cho tới lúc này, dù đối tượng lừa đảo đã bị bắt, nhưng với các nạn nhân, hành trình để đòi lại được những đồng tiền tích cóp từ mồ hôi công sức để đi xin việc vẫn chưa kết thúc.

Người xưa có câu “đồng tiền liền khúc ruột”, mỗi người hãy cảnh giác và hãy cân nhắc kỹ trước những lời hứa hẹn “bố trí” một chỗ làm.

Minh Minh
.
.
.