Cú lừa ngoạn mục của kẻ tâm thần phân liệt

Chủ Nhật, 20/12/2020, 11:33
Tự giới thiệu là một người đẹp trai, có chỉ số IQ ngang với bậc thiên tài, Chris Aggeles đã "hành nghề" hiến tặng (thực ra là bán) tinh trùng cho những cặp vợ chồng vô sinh suốt 14 năm và cho ra đời 36 đứa trẻ. Nhưng thực tế, gã là một kẻ tâm thần phân liệt. Chris Aggeles và ngân hàng tinh trùng Xytex hiện đang bị nhiều đơn kiện, khiến Tòa thượng thẩm bang Georgia (Mỹ) đau đầu khó xử…


Kẻ sống bằng nghề bán "con giống"

Năm 2000, mới 23 tuổi, Chris Aggeles quyết định bỏ học ở trường. Sau công việc của một bồi bàn ở bang Georgia, hắn rắp tâm trở thành một tay trống nổi đình nổi đám trong ban nhạc. Một lần, trong số bạn cùng phòng trọ có người mách là Chris Aggeles rất hợp với vai ứng viên xuất sắc của ngân hàng tinh trùng, hắn nghe theo và nghĩ rằng đó là cách kiếm tiền tốt nhất để đạt sự ổn định nào đó trong cuộc sống.

Vậy là hắn tìm đến ngân hàng tinh trùng Xytex và kê khai rất chi tiết: là cử nhân khoa học thần kinh, đã tốt nghiệp cao học về trí tuệ nhân tạo và đang làm luận án tiến sĩ về kỹ thuật thần kinh, cao 1m93, mắt màu xanh lam, thuận cả hai tay, tính cách hướng ngoại, lạc quan, thích thể thao...

Trang web của Ngân hàng tinh trùng Xytex.

Sau đó, hắn qua 6 lần phỏng vấn về lịch sử bệnh tật và cam kết rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ có mỗi người cha là mắc bệnh rối loạn sắc giác. Trong dữ liệu của bệnh viện còn lưu trữ cuộc trò chuyện với Aggeles, nhân viên của ngân hàng tinh trùng Xytex nói: "Tôi dám mạnh dạn nhận xét là chỉ số IQ của anh cao hơn mức bình thường". Gã thanh niên 23 tuổi trả lời: "Tôi nghe nói thế và thấy dễ chịu. Tôi biết là mình muốn giúp đỡ nhiều người, giúp họ thụ thai và có con, đó là tặng phẩm quý giá nhất trên đời. Xin cảm ơn vì tôi đã có thể trở thành người hiến tặng tinh trùng"…

Bí mật mà Chris Aggeles quyết định im lặng là năm 1999 hắn đã phải vào bệnh viện với chẩn đoán tâm thần phân liệt. Triệu chứng đầu tiên phát lộ từ những năm hắn học ở trường phổ thông khi trước mỗi giấc ngủ, hắn luôn nghe thấy một người nhắc đi nhắc lại tên của hắn. Nhưng hắn lại nghĩ đó không phải tâm thần phân liệt, chỉ là trạng thái nhất thời được biết như là rối loạn tâm thần, kéo dài không quá nửa năm. Hơn nữa, trong những tài liệu của tòa án không có sự phân biệt rõ ràng về bệnh này. Vì thế, tư liệu sinh học của Aggeles có nhu cầu khá cao giữa các khách hàng nhờ hiện trạng ấn tượng. Trong phỏng vấn cũng nói hắn có ngoại hình giống tài tử điện ảnh Tom Cruise và đã hiến tặng tinh trùng đến hai lần trong tuần.

Năm 2005, Aggeles đã phải ra tòa vì cạy cửa ăn trộm, hắn nhận tội và ở tù 8 tháng. Năm 2014, hắn vào phòng tập bắn và đề nghị cho thuê một khẩu súng lục để định tự tử.

Lộ chân tướng

Nhưng "cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra". Năm 2014, các nhân viên của tập đoàn Xytex tình cờ mở hộp thư riêng của Aggeles với những cuộc trao đổi giữa hắn và một số gia đình đã sử dụng tinh trùng do hắn hiến tặng, biết là có nhiều khách hàng tò mò muốn tìm hiểu sâu hơn bản lý lịch sinh học của người cha đứa con mình đẻ ra và tìm kiếm thông tin trên internet. Các khách hàng thấy khiếp đảm khi biết hắn bị tâm thần phân liệt, lại dính tiền án.

Chris Aggeles.

Khi biết được sự thật, họ sợ con của mình sẽ phải thừa kế những thứ không mong muốn đó. Họ lập tức liên lạc với Aggeles. Hắn tỏ ra ân hận về tất cả những điều do mình gây nên và đến đồn cảnh sát thú tội rằng đã bị các nhân viên ngân hàng tinh trùng lừa dối. Sự việc vỡ lở, bây giờ Aggeles đã 43 tuổi và bằng con đường bất hợp pháp, đã là người cha sinh học của 36 đứa trẻ. Hắn hy vọng rằng gia đình và những đứa trẻ liên quan đến câu chuyện này có thể tha thứ cho mình. Hắn thú nhận rằng mình đã phản bội sự tin cậy của khách hàng và bây giờ thực sự thấy khủng khiếp.

Hắn đã lấy vợ nhưng không có con mặc dù luôn luôn mong ước có con và nguyện đến một lúc nào đó sẽ phải thực hiện được ước mơ của mình. Hắn mong rằng sẽ đến lúc những đứa con sinh học của hắn sẽ hiểu được rằng mình không muốn gieo rắc cái ác cho ai và rất mong được gặp chúng, tất nhiên không phải tất cả 36 mà chỉ một vài đứa thôi.

Vụ kiện hy hữu

Từ năm 2016, những nạn nhân của Xytex, trong đó có nhiều cặp vợ chồng từ Mỹ, Anh và Canada đã đâm hàng tá đơn kiện Ngân hàng tinh trùng Xytex vì đã không kiểm soát lai lịch của người hiến tặng. Các gia đình cho rằng ngân hàng này đã giới thiệu thông tin giả dối của không chỉ Aggeles mà còn nhiều người tình nguyện khác. Với từng vụ kiện riêng rẽ, quyết định của tòa án cũng khác xa nhau.

Cô Wendy Norman và con trai Alex.

Trong số nạn nhân có cô Wendy Norman từ thành phố Peachtree, hạt Fayette, Georgia vốn đã sử dụng lý lịch sinh học của Chris Aggeles trong năm 2002, nay nhớ lại: cô đã lựa chọn người cha tiềm năng của đứa con tương lai và gặp bài phỏng vấn của hắn, thấy tự thuật khá hấp dẫn, người đàn ông sở hữu chỉ số IQ-160nên cô đã chọn, đã mang thai và cho ra đời đứa con trai đặt tên là Alex. Cô không giấu con, thường kể cho con nghe về người cha sinh học của nó, cho xem cả lý lịch của người tình nguyện trên trang web của bệnh viện thuộc Tập đoàn Xytex. 

Wendy Norman và con trai của cô đã không thể tin khi biết kỳ thực người tình nguyện hiến tinh trùng ấy là ai. Cậu con trai mới chớm tuổi vị thành niên ban đầu thấy rất sốc và sau đó không tin vào sự thật. Gia đình lo ngại cậu con có thể nhận được căn bệnh tâm thần phân liệt di truyền từ người cha sinh học, và quả thật cậu bị rối loạn tâm thần từ khi học cấp tiểu học khi không thể nắm tay mẹ, hay vứt bỏ đồ vật, xô cửa, đập kính cửa sổ trong nhà…

Wendy Norman và cô bạn Janet vào tháng 11-2017 đã đệ đơn kiện, trong đó lên án Tập đoàn Xytex và hai nhân viên về những tội: biển lận, lạnh lùng, quảng cáo giả dối, bán hàng không chất lượng và vi phạm chế độ bảo hành theo cam kết. Tập đoàn Xytex bác bỏ mọi quy kết, không chịu nhận tội lỗi, đại biểu của ngân hàng tinh trùng này còn khẳng định khách hàng không có đủ cơ sở pháp lý để giành chiến thắng tại tòa.

Vậy tòa án đứng về phía ai?

Đơn kiện của gia đình Norman kêu đến tận Tòa thượng thẩm bang Georgia. Theo hồ sơ vụ việc thì Alex được chẩn đoán là rối loạn tăng động giảm chú ý (hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý, khó tập trung vào hoàn tất việc đang làm) và thừa hưởng từ người cha bệnh di truyền về máu. Ngoài ra trước đó Alex đã phải nhập viện vì muốn tự sát - căn bệnh đã được ghi nhận ở người cha sinh học.

Wendy Norman tố cáo ngân hàng tinh trùng đã quảng cáo cho một "tình nguyện viên mạnh khỏe, có học thức, có tài năng", nhưng sự thực thì khác Alex bẩm sinh đã bị tật. Giữa lúc tòa án đang khó xử thì ông Ted Lavender - luật sư của Xytex - tuyên bố rằng các bậc bố mẹ không thể đòi bồi thường thiệt hại mặc dù quảng cáo có sai lầm và không tương xứng với chất liệu sinh học đã mua, bởi vì đơn kiện đề cập không chỉ 1.600 USD người mua đã trả cho việc nhận tinh trùng, mà còn đòi phải bồi thường công chăm sóc suốt đời cho Alex.

Vấn đề còn đụng chạm đến bệnh viện, nơi đã không chẩn đoán sớm thai nhi mắc bệnh Down để cho phép sản phụ tẩy thai.

Tòa án bang Georgia ban đầu căn cứ vào án lệ có từ năm 1990 nên đã từ chối đơn kiện của Wendy Norman, khất đến năm sau, trong khi đó tòa án cấp dưới muốn tiếp tục xem xét. Ngày 28-9-2020, Toà án bàng Georgia thảo luận các hồ sơ vụ án thưa kiện lên Tòa thượng thẩm, chánh tòa Fulton công nhận đa số đơn kiện của gia đình Norman là không có hiệu lực, ngoại trừ một đơn có thể được xem xét - kiện bệnh viện đã cung cấp thông tin lừa dối về hàng hóa và dịch vụ của mình.

Ted Lavender - luật sư của Xytex.

Đại biểu của Xytex tiếp tục kháng cáo rằng đơn kiện chỉ nêu ra vấn đề sinh con bất hợp pháp vốn đã bị Tòa thượng thẩm Georgia ra nghị quyết cấm từ năm 1990. Chánh tòa Peterson nhấn mạnh rằng quan điểm của tòa án vẫn không thay đổi đối với những trường hợp việc sinh con có thể được xem như gánh chịu thiệt hại.

"Tòa nhị thẩm không nên căn cứ vào án lệ trong tất cả các khía cạnh được kê trong đơn kiện, bởi vì một số đòi hỏi về bồi thường thiệt hại không nhất thiết chỉ ra rằng việc sinh con là tổn hại đối với người mẹ", - ôngPeterson giải thích.

Cho tới lúc này, việc xét xử vụ kiện của gia đình Wendy Norman vẫn còn đang tiếp tục.

Đăng Bẩy (Theo Lenta.ru)
.
.
.