Phát hiện loài "baby shark" cực hiếm dưới đáy đại dương

Thứ Sáu, 18/02/2022, 09:51

Tại Chatham Rise, một khu vực dưới đáy đại dương nằm ngoài khơi bờ biển phía đông South Island (New Zealand), các nhà khoa học nước này đã phát hiện ra một chú cá mập ma mới chào đời. Được biết, đây là loài cá mập nước sâu vô cùng bí ẩn đối với giới khoa học.

Mới đây, CNN dẫn một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nước và Khí quyển New Zealand cho biết, chú cá mập ma mới chào đời được phát hiện ở độ sâu khoảng 1.200 mét tại Chatham Rise. 

Các nhà khoa học New Zealand thông tin, cá mập ma là một loài động vật ở dưới biển sâu với tên khoa học là chimaera. Cá mập ma có họ hàng với cá mập và cá mú, nhưng tách khỏi chi này khoảng 300 triệu năm trước. Tổ tiên cuối cùng của chúng sống cách đây gần 400 triệu năm.

Phát hiện loài
Chú cá mập ma mới chào đời. Ảnh: CNN.

Sở dĩ bị xếp vào loài sinh vật huyền bí nhất dưới đáy đại dương bởi các chuyên gia rất hiếm khi ghi hình được loài này. Chúng sống ở tầng rất sâu của đại dương ôn đới, khoảng 2.600 mét dưới đáy biển. Số ít xuất hiện ở độ sâu nông hơn 200 mét.

"Điều này khá kinh ngạc. Hầu hết những con cá mập ma đều được biết tới ở giai đoạn trưởng thành và do những con nhỏ như vậy không thường xuyên được ghi nhận nên chúng tôi có rất ít hiểu biết. Chúng tôi sẽ tiến hành thêm các nghiên cứu và phân tích về gen.", nhà khoa học Brit Finucci, thành viên trong đội ngũ nghiên cứu trên cho hay.

Phát hiện loài
Cá mập ma được coi là loài sinh vật huyền bí với các nhà khoa học. Ảnh: Kidadl.

Nhà khoa học Finucci cũng nhận định, những chú cá mập ma con đặc biệt hiếm nên việc phát hiện ra chúng sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin giá trị cho các nhà khoa học bởi những con con như vậy "có thể có các yêu cầu về chế độ ăn và môi trường sống khác biệt". 

Theo CNN, cá mập ma có cơ thể thuôn dài mềm mại với cái đầu cồng kềnh và một lỗ mang. Loài này có thể phát triển chiều dài lên tới 1,5 mét. Da của chúng mịn và trần trụi, không có vảy bong bóng. Để tự vệ, hầu hết những con cá mập ma đều có một gai độc ở phía trước vây lưng. Đây là cách để chúng "bay" qua nước.

Trong một nghiên cứu cách đây không lâu của các chuyên gia đến từ trường Đại học Victoria Wellington, cá mập ma cái có khả năng lưu trữ tinh trùng của con đực để dùng dần. 

Cụ thể, con cái sở hữu tới 2 tử cung, 2 buồng trứng và 2 ống dẫn trứng. Ngược lại, con đực lại sở hữu cơ quan sinh dục đặc biệt, có thể co rút lại trên trán. Ngoài ra, cơ quan sinh sản nằm trên đầu con đực có móc để vây con cái bám lại khi chúng thực hiện hành vi giao phối.

Linh Đan
.
.
.